Doanh thu hoạt động tài chính tăng
Quý I/2024, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bưu điện (PTI) ghi nhận doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm 1.087 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu do doanh thu phí bảo hiểm gốc giảm 28%, xuống 1.114 tỷ đồng. Nhờ chi phí bồi thường bảo hiểm giảm 74%, còn hơn 182 tỷ đồng, cùng với lợi nhuận hoạt động tài chính tăng 6%, lên gần 91 tỷ đồng (gồm gần 77 tỷ đồng lãi tiền gửi, tăng 3%) và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm hơn nửa so cùng kỳ, còn hơn 21 tỷ đồng, nên PTI đạt lợi nhuận sau thuế hơn 68 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước (hơn 41 tỷ đồng).
Tại Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (PJICO), kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024 cho thấy, doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 895 tỷ đồng, tăng 9,6%; lợi nhuận trước thuế đạt 84,5 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu do doanh thu hoạt động tài chính tăng (đạt 32 tỷ đồng, tăng 45%).
Với Tổng công ty cổ phần Bảo Minh, theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tổng hợp quý I/2024, doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hơn 1.274 tỷ đồng, tăng hơn 13%; doanh thu hoạt động tài chính tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, do tổng chi phí kinh doanh bảo hiểm và chi phí hoạt động tài chính đều tăng, nên lợi nhuận trước thuế lại giảm đạt, từ hơn 91 tỷ đồng xuống hơn 90 tỷ đồng.
Tìm cách mở rộng kênh đầu tư
Năm 2024, Bảo Minh đặt kế hoạch đạt doanh thu tài chính 313 tỷ đồng, bằng khoảng 73% mức thực hiện năm 2023. Tại đại hội cổ đông mới đây, đại diện hãng bảo hiểm này cho biết, cơ cấu đầu tư của Bảo Minh là 57% vào tiền gửi ngân hàng, 28,5% vào trái phiếu, 8,6% vào cổ phiếu, còn lại là hình thức đầu tư khác. Hiện tại, lãi suất tiền gửi ngân hàng chỉ khoảng 4%/năm, giảm một nửa so với đầu năm ngoái, nên doanh nghiệp dự kiến doanh thu tài chính năm nay sẽ giảm. Trong bối cảnh lãi suất ở mức thấp, Bảo Minh đã nghiên cứu mở rộng các kênh đầu tư, thay vì tập trung vào tiền gửi ngân hàng.
Tương tự, trả lời câu hỏi của cổ đông về định hướng đầu tư của Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (BIC), ông Trần Xuân Hoàng, đại diện Hội đồng quản trị cho hay, năm 2024, lãi suất tiền gửi được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp nên Ban điều hành BIC xem xét đẩy mạnh đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu. Tuy nhiên, BIC sẽ giữ tỷ trọng tiền gửi tương tự các năm trước để đảm bảo an toàn vốn, cũng như nhằm hỗ trợ hoạt động bán chéo qua các ngân hàng. Năm 2023, tỷ trọng đầu tư tiền gửi của BIC khoảng 80%.
Với PTI, Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Minh Hương chia sẻ, danh mục đầu tư của doanh nghiệp chủ yếu là tiền gửi và các công cụ có thu nhập bền vững. Năm 2023, PTI đã nhận diện được xu thế lãi suất sẽ giảm nên gửi tiền với thời hạn dài. Vì vậy, trong năm 2024, doanh nghiệp vẫn được hưởng mức lãi suất cao từ các khoản đầu tư.
Năm ngoái, danh mục đầu đầu tư của PTI tập trung vào các tài sản thanh khoản cao là tiền gửi và trái phiếu, chiếm tỷ trọng trên 90% tổng danh mục. Trong môi trường lãi suất thấp hiện tại, doanh nghiệp sẽ nghiên cứu chuyển dịch sang các công cụ đầu tư khác, đồng thời có định hướng giảm tỷ trọng tiền gửi, gia tăng tỷ trọng trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu doanh nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn.
“PTI trong nhiều năm qua chưa tích lũy được tài sản để tạo lợi nhuận ổn định và bền vững, gần như toàn bộ danh mục hiện tại là tiền gửi. Đây là thách thức lớn cho PTI trong thời gian tiếp theo, làm thế nào để đi tìm được các tài sản có thu nhập bền vững”, bà Phạm Minh Hương nói.