Bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư khi cổ phiếu bị hủy niêm yết
Hủy niêm yết là một trong số những quy định quan trọng để đảm bảo tính minh bạch và công bằng của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, quy định này sẽ có ảnh hưởng lớn đến nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu.
Do đó, để hạn chế rủi ro mua phải cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết, điều quan trọng nhất là nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ thông tin trước khi giải ngân, bởi rủi ro này có thể biết trước.
Có thể kể đến trường hợp cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai. Đây là mã cổ phiếu liên tục bị đưa vào diện cảnh báo về nguy cơ bị hủy niêm yết.
Đến ngày 26/7 vừa qua, Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) đã ra thông báo, cổ phiếu HNG bị hủy niêm yết bắt buộc, do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ các năm 2021, 2022 và 2023 lần lượt âm 1.100 tỷ đồng, âm 3.500 tỷ đồng và âm 1.000 tỷ đồng.
Có thể thấy rằng HNG bị hủy niêm yết không quá bất ngờ đối với nhà đầu tư, khi doanh nghiệp đã có hai năm liền lợi nhuận sau thuế âm, với số tiền lỗ năm sau cao hơn năm trước.
Thực tế cho thấy có rất nhiều cách để nhà đầu tư nhận biết cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết. Theo Điều 120, Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, cổ phiếu của công ty đại chúng bị huỷ bỏ niêm yết khi xảy ra các trường hợp: Tổ chức niêm yết huỷ tư cách công ty đại chúng, ngừng hoặc bị ngừng các hoạt động kinh doanh chính từ một năm trở lên, cổ phiếu không có giao dịch tại sở giao dịch chứng khoán trong thời hạn 12 tháng, kết quả sản xuất-kinh doanh thua lỗ trong ba năm liên tục, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin...
Không những vậy, trước khi doanh nghiệp nhận quyết định hủy niêm yết, cũng có nhiều dấu hiệu để nhà đầu tư nhìn nhận nguy cơ như cơ quan quản lý có các động thái như không cho phép cổ phiếu được giao dịch ký quỹ (margin), đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo, hạn chế giao dịch...
Nhà đầu tư chứng khoán Phạm Văn Hải cho rằng có thể hạn chế rủi ro bằng cách tìm hiểu kỹ thông tin doanh nghiệp, ngành nghề, kết quả kinh doanh. Nhà đầu tư cần tìm hiểu từ nhiều nguồn để nhận biết sớm dấu hiệu rủi ro.
Trong khi đó, nhà đầu tư Nguyễn Ngọc Hưng chia sẻ việc cơ quan quản lý “mạnh tay” xử lý đối với những doanh nghiệp bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán, những cổ phiếu kém chất lượng bị đào thải là điều tất yếu, nhưng những nhà đầu tư đã mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó sẽ bị ảnh hưởng và cần có cơ chế để bảo vệ họ.
Theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, về mặt nguyên tắc, doanh nghiệp bị hủy niêm yết có nhiều lý do; trong đó, chủ yếu là các trường hợp vi phạm quy định công bố thông tin, kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong ba năm liên tiếp, hoặc tổng lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, hoặc âm vốn chủ sở hữu trong báo cáo tài chính năm gần nhất tại thời điểm xem xét… Ngoài ra doanh nghiệp còn có thể tự hủy niêm yết.
Tại bất kỳ thời điểm nào mà có nhiều doanh nghiệp phải rời sàn niêm yết vì vi phạm các quy định là hợp lý, cho thấy tính nghiêm minh của pháp luật.
Thị trường chứng khoán luôn diễn ra quá trình sàng lọc các doanh nghiệp theo thời gian nên doanh nghiệp có hoạt động tốt, tuân thủ pháp luật về chứng khoán mới đủ các điều kiện để niêm yết lâu dài.
Với các doanh nghiệp không đáp ứng các yêu cầu, quy định tối thiểu của pháp luật thì việc loại cổ phiếu của họ khỏi sàn niêm yết sẽ góp phần giảm rủi ro cho các nhà đầu tư mới, giúp họ tránh mua phải những cổ phiếu của công ty “kém chất lượng” trong giai đoạn hiểu biết về thị trường còn hạn chế, chưa tích lũy đủ kinh nghiệm và kiến thức để đánh giá được chất lượng doanh nghiệp khi đầu tư hoặc đầu cơ chứng khoán.
Thường khi cổ phiếu có nguy cơ bị hủy niêm yết, giá cổ phiếu lao dốc và sẽ phản ánh gần hết giá trị nội tại của doanh nghiệp. Như vậy, cổ phiếu hủy niêm yết trên HNX và HOSE chuyển sang UPCOM sẽ không gây ra thiệt hại quá lớn cho nhà đầu tư.
Khi chuyển niêm yết sang UPCOM, cổ đông sẽ không tiếp cận được nhiều thông tin về doanh nghiệp do đó họ không biết doanh nghiệp hoạt động ở trạng thái nào. Thị trường UPCOM có yêu cầu về mức độ công bố thông tin và báo cáo tài chính thấp.
Đa số cả năm doanh nghiệp mới phải công bố báo cáo tài chính. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp khi chuyển sang sàn UPCOM cổ phiếu lại tăng giá.
“Nhà đầu tư cổ phiếu theo tiêu chí nào, nếu không xác định rõ được thì tốt nhất là nên cắt lỗ cổ phiếu bị hủy niêm yết,” vị chuyên gia khuyến nghị.
Theo ông Ngọc, nếu xác định rằng những vấn đề khiến doanh nghiệp phải hủy niêm yết và chuyển sàn không quá nghiêm trọng có thể làm doanh nghiệp phải phá sản thì vẫn còn hy vọng để nhà đầu tư chờ đợi.
Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng quy định hiện hành đã cơ bản đảm bảo được quyền lợi nhà đầu tư trong trường hợp doanh nghiệp bị hủy niêm yết.
Thực tế, đối với trường hợp hủy niêm yết bắt buộc, các cổ đông nằm ở tâm thế bị động. Vì thế, Sở Giao dịch Chứng khoán đã cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời cảnh báo đến nhà đầu tư ngay khi khởi động quy trình xử lý.
Đối với hủy niêm yết tự nguyện, một trong những điều kiện để thực hiện là phải có nghị quyết của đại hội đồng cổ đông với trên 50% số phiếu biểu quyết của các cổ đông không phải là cổ đông lớn thông qua.
Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ, đề cao tiếng nói của cổ đông nhỏ trong trường hợp doanh nghiệp hủy niêm yết tự nguyện là ý chí của nhóm cổ đông lớn vì mục đích chia tài sản doanh nghiệp trong các trường hợp thâu tóm qua sàn, nhiều trường hợp đi ngược với tiếng nói của cổ đông nhỏ, do đó quy định hiện hành là hợp lý - ông Ngọc nêu quan điểm.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Luật SBLAW, với cổ phiếu hủy niêm yết không chuyển sàn, nhà đầu tư rất khó để chuyển nhượng.
Khi đó, có hai hình thức để bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Đó là công ty phát hành cổ phiếu phải bỏ tiền mua lại số cổ phiếu này hoặc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ yêu cầu chuyển cổ phiếu đó lên sàn giao dịch không chính thức hoặc thứ cấp để nhà đầu tư có thể tiếp tục bán cổ phiếu.
Khi cổ phiếu đang nắm giữ có quyết định bị hủy niêm yết, nhà đầu tư có thể bán cổ phiếu ngay khi chuyển sang UPCOM để thu hồi vốn vì độ rủi ro của cổ phiếu ở giai đoạn này rất cao.
Với cổ phiếu có khả năng phục hồi, thanh khoản của những cổ phiếu này có giảm nhưng vẫn có thể bán. Còn với cổ phiếu hủy niêm yết và không chuyển sàn, nhà đầu tư nên liên hệ với doanh nghiệp này và đề nghị cấp sổ cổ đông.
Việc cổ phiếu bị hủy niêm yết trên sàn không có nghĩa nhà đầu tư mất luôn số tiền đã đầu tư mà quyền nắm giữ cổ phần của họ không bị thay đổi.
Thực tế cho thấy, dù nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu không mong muốn, nhưng hủy niêm yết là quy định cần thiết để tạo môi trường đầu tư minh bạch, “lọc sạn,” loại bỏ những cổ phiếu kém chất lượng, gây lũng đoạn thị trường.
Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã ban hành một loạt quyết định hủy niêm yết với cổ phiếu của những doanh nghiệp thua lỗ ba năm liên tiếp, vốn chủ sở hữu âm, lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ hay vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin cho đến việc kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với Báo cáo tài chính năm... Theo đó, các cổ phiếu bị hủy niêm yết do thua lỗ ba năm liên tiếp phải rời sàn HOSE như HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai niêm, cổ phiếu HBC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình.
Cổ phiếu SFT của Công ty Cổ phần Sông Đà 10 bị hủy niêm yết trên HNX từ ngày 24/1 và hiện đang giao dịch trên UPCOM. Với trường hợp hủy niêm yết của Công ty Cổ phần Xuất Nhập khẩu Quảng Bình (mã chứng khoán: QBS) là do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với Báo cáo Kiểm toán năm 2023.
Còn TAR của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An (TAR) là do kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến đối với báo cáo riêng lẻ và hợp nhất năm 2023.
Án phạt đối với TAR có hiệu lực từ ngày 21/5, còn với QBS đã diễn ra trước đó (ngày 10/5). Ngày 23/5 là ngày giao dịch đầu tiên của QBS trên UPCOM.
Cổ phiếu của TTZ của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Công nghệ Tiến bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc trên HNX từ ngày 27/1, do không có giao dịch tại Sở Giao dịch Chứng khoán trong thời hạn 12 tháng.
Cổ phiếu DPC của Công ty cổ phần Nhựa Đà Nẵng bị hủy niêm yết từ ngày 14/5, do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp. Cuối năm 2023, công ty lỗ lũy kế gần 24 tỷ đồng, vượt qua số vốn điều lệ thực góp 22,4 tỷ đồng.
Số lỗ lũy kế tiếp tục tăng lên 25 tỷ đồng vào cuối quý 1, vượt vốn điều lệ là 22 tỷ đồng. Có những doanh nghiệp bị hủy niêm yết vì chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán ba năm liên tiếp như Công ty Cổ phần Thép Pomina (POM) bị hủy niêm yết từ ngày 10/5.
Xem thêm tại vietnambiz.vn