Bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024: Kỳ vọng cho VN-Index, 'biến số' của Phố Wall
Trong báo cáo nhận định mới đây, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhấn mạnh, năm 2024, thế giới sẽ có 40 cuộc bầu cử quốc gia trong đó đáng chú ý là các cuộc bầu cử tại Nga và Mỹ (tháng 11/2024).
Hai ứng cử viên là Tổng thống đương nhiệm Joe Biden (Đảng Dân chủ) và cựu Tổng thống Donald Trump (Đảng Cộng hòa) vẫn đang có nhiều lợi thế hơn hết trong cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024 |
Dẫn số liệu từ Thời báo Kinh tế Sài Gòn, lý thuyết chu kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ dựa trên hiệu suất quá khứ của thị trường chứng khoán Mỹ cho thấy, Phố Wall thường có xu hướng suy yếu nhất trong năm ngay sau cuộc bầu cử Tổng thống mới, phục hồi vào năm thứ 2, đạt đỉnh vào năm thứ 3 và điều chỉnh vào năm thứ 4 – năm cuối cùng của nhiệm kỳ Tổng thống. Sau đó, chu kỳ bắt đầu lại với cuộc bầu cử Tổng thống tiếp theo.
Thực tế, hiệu suất của S&P 500 trong 27 tháng trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mang đến nhiều lợi nhuận hơn so với 21 tháng sau bầu cử. Trong nhiệm kỳ 4 năm của ông chủ Nhà Trắng, thị trường chứng khoán Mỹ (đại diện là S&P 500) trung bình sẽ đạt hiệu suất tốt nhất vào năm thứ 3. Với các năm còn lại, trung bình hiệu suất giảm dần theo thứ tự là năm thứ 4, 2 và 1.
Lý giải về xu thế này, có thể hiểu rằng các chính sách của vị Tổng thống mới đắc cử cần phải có thời gian phát huy hiệu quả và do đó thường rơi vào năm thứ 3. Dù vậy, giới đầu tư cũng tin rằng để tạo lợi thế cho kỳ tranh cử kế tiếp, các Tổng thống đương nhiệm vào 2 năm cuối nhiệm kỳ thường có xu hướng thực thi các chính sách kích thích kinh tế và thúc đẩy thị trường chứng khoán - vốn thu hút sự quan tâm của công chúng, nhằm tranh thủ sự ủng hộ của cử tri.
Với năm diễn ra cuộc bầu cử, dù biến động có thể gia tăng trước ngày bầu cử, kịch bản tăng giá trên thị trường chứng khoán Mỹ vẫn chiếm ưu thế áp đảo trong năm diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ.
Theo thống kê, từ năm 1928-2020, 20/24 lần S&P 500 tăng điểm trong năm bầu cử. Chỉ duy nhất năm 2008 (khủng hoảng kinh tế toàn cầu) chỉ số sụt giảm khoảng 37%, còn lại 3 lần sụt giảm khác đều không quá 10%.
Theo MBS, với thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index trong năm diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ có tới 4/5 lần tăng điểm, hiệu suất trung bình trong 4 lần tăng xấp xỉ 24%. Lần giảm điểm còn lại rơi vào năm 2008. MBS cho rằng, nhìn vào diễn biến hiệu suất trong lịch sử cho thấy chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng nghiêng về kịch bản tăng điểm cho cả thị trường Mỹ và Việt Nam trong năm 2024.
Vẫn có nhiều biến số
VN-Index trong năm 2023 phục hồi 12,3% từ mức 1.007 điểm lên sát mốc 1.130. Tuy nhiên, khác với nhiều chỉ số chứng khoán thế giới, VN-Index hiện vẫn còn cách đỉnh lịch sử (mốc gần 1.530 điểm lập được cách đây 2 năm) rất xa. Vì điều này, dư địa tăng vẫn còn khá rộng mở. Nhiều dự báo cho rằng VN-Index có thể lên lại vùng 1.300-1.350 điểm trong năm 2024 và sẽ tiếp tục duy trì xu hướng tích cực trong bối cảnh kinh tế phục hồi khả quan hơn.
>> Năm 2023: Chứng khoán thế giới tăng dữ dội, VN-Index chạy 'như rùa'
Mới nhất, Chứng khoán MBS đưa ra 4 kỳ vọng cho VN-Index năm 2024 gồm: (1) Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ hạ lãi suất từ quý II/2024, qua đó kích thích dòng tiền khối ngoại quay trở lại các thị trường mới nổi; (2) kỳ vọng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết tăng trưởng 16,8% trong bối cảnh xuất khẩu và sản xuất phục hồi tích cực, tiêu dùng ổn định, lãi suất thấp, đầu tư được thúc đẩy; (3) nhiều dự án bất động sản ở TP. HCM và Hà Nội dần được tháo gỡ tạo tiền đề cho sự phục hồi của thị trường chung; (4) kỳ vọng hệ thống KRX được đi vào vận hành.
Theo đó, MBS dự báo VN-Index sẽ tăng lên mức 1.250-1.280 điểm.
Các yếu tố rủi ro có thể tác động đến thị trường bao gồm: Thị trường bất động sản đóng băng kéo dài sẽ gia tăng nợ xấu cho hệ thống ngân hàng, tạo điểm nghẽn dòng vốn trên thị trường tài chính, làm giảm sự lưu thông vốn. Mặt khác, lạm phát tăng cao hơn so với kỳ vọng (trên 4-4,5%) có thể khiến chính sách tiền tệ đảo chiều.
Với Phố Wall, cần lưu ý rằng trong năm 2023, Dow Jones đã tăng hơn 13,7%, S&P 500 tăng gần 25% và Nasdaq tăng tới 44%. Cả 3 chỉ số đều tiệm cận thậm chí thiết lập các mức đỉnh thời đại. Theo đó, không ngoại trừ khả năng chứng khoán Mỹ năm 2024 sẽ chịu áp lực chốt lời và hiện hữu rủi ro điều chỉnh, nhất là khi FED rục rịch cho các đợt hạ lãi suất điều hành.
Trong câu chuyện bầu cử, rõ ràng vẫn còn biến số cho thị trường Phố Wall trong khi chứng khoán Việt Nam lại có nhiều cơ sở hơn để đón nhận thêm năm phục hồi thứ 2 liên tiếp.
>> Nhiều tổ chức đồng loạt khuyến nghị một nhóm cổ phiếu tiềm năng trong năm 2024
Xem thêm tại nguoiquansat.vn