Bến Tre xử phạt 4 đơn vị kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Ống nhựa Hoa Sen
Đồng thời toạ đàm cũng công bố kết quả điều tra về sản phẩm nhái thương hiệu Ống nhựa Hoa Sen trên thị trường. Tọa đàm đã thu hút đông đảo đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp đến tham dự.
Tham dự tọa đàm có sự góp mặt của ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), ông Đỗ Hồng Trung - Phó chánh Văn phòng đại diện Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, ông Hồ Thanh Long - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Bến Tre, ông Huỳnh Cao Thọ - Chánh Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bến Tre, …cùng lực lượng Quản lý thị trường, Công an, đơn vị doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.
Tọa đàm: “Giải pháp bảo vệ thương hiệu và công tác chống hàng giả với ngành nhựa” nhằm thông tin, tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm nhãn hiệu đến với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là với ngành nhựa. Đồng thời, Tọa đàm cũng đúc kết ra những kinh nghiệm, giải pháp từ hoạt động thực tế để hỗ trợ, khích lệ các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp ngành nhựa nói riêng tích cực, chủ động hơn nữa trong vấn đề chống hàng giả, xây dựng được thương hiệu uy tín, chất lượng.
Trong khuôn khổ buổi Tọa đàm, Cục QLTT tỉnh Bến Tre đã Công bố kết quả điều tra về sản phẩm nhái Thương hiệu Ống nhựa Hoa Sen trên thị trường. Thực hiện Công văn của Cục QLTT tỉnh Bến Tre về việc kiểm tra, xử lý vi phạm kinh doanh ống nhựa giả mạo nhãn hiệu Hoa Sen, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Bến Tre đã tăng cường công tác quản lý, giám sát địa bàn. Ngày 15/12/2023, Đội QLTT số 1 đã tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh trên địa bàn thành phố Bến Tre.
Qua kiểm tra phát hiện 4 cơ sở vi phạm gồm Công ty TNHH MTV nhựa Hoàng Oanh, Hộ kinh doanh Hoàng Oanh, Hộ kinh doanh Đinh Thị Lộc, Hộ kinh doanh Hai Nhiều và tạm giữ hơn 3.300 sản phẩm ống nhựa cứng các loại có dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đã được bảo hộ của Tập đoàn Hoa Sen với tổng trị giá hàng hóa trên 188 triệu đồng.
Cụ thể, các sản phẩm vi phạm này in dòng in “hình hoa sen 8 cánh và dòng chữ Ống nhựa Bông Sen MeKong” gắn trên sản phẩm ống nhựa cứng đã xâm phạm quyền (quy định tại Điều 11 Nghị định 105/2006 sửa đổi) đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo GCNĐKNH số 209389 của Tập đoàn Hoa Sen.
Qua thẩm tra, xác minh và căn cứ vào kết luận giám định của cơ quan chuyên môn, Đội QLTT Số 1 đã trình Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Bến Tre ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV nhựa Hoàng Oanh, Hộ kinh doanh Đinh Thị Lộc, Hộ kinh doanh Hai Nhiều; chuyển hồ sơ, trình Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bến Tre ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Hoàng Oanh như nêu trên.
Để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền sở hữu đối với nhãn hiệu nói riêng, ngày 12/01/2024, Cục QLTT tỉnh Bến Tre ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH MTV nhựa Hoàng Oanh với số tiền 48.500.000 đồng, xử phạt Hộ kinh doanh Đinh Thị Lộc số tiền 3.375.000 đồng, xử phạt Hộ kinh doanh Hai Nhiều số tiền 1.625.000 đồng về hành vi bán hàng hóa là ống nhựa cứng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu Ống nhựa Hoa Sen được bảo hộ của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen.
Tiếp sau đó, ngày 17/1/2024, Chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Bến Tre ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Hộ kinh doanh Hoàng Oanh với số tiền xử phạt trên 99.519.650 đồng với cùng hành vi vi phạm trên.
Ông Nguyễn Hoàng Thuận - Phó Tổng Thư ký Hiệp Hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) cho biết: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu là một quyền sở hữu đối với tài sản vô hình, do vậy việc bảo vệ quyền sở hữu tài sản này bằng biện pháp hành chính có ý nghĩa to lớn trong việc bảo vệ trật tự xã hội, trật tự kinh doanh, xử lý người vi phạm và bảo vệ chủ văn bằng, bảo vệ người tiêu dùng.
Trong thời gian qua, tình trạng xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, làm ảnh hưởng rất lớn tới phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương và các doanh nghiệp bị xâm phạm. Do vậy, đứng ở vai trò của VATAP chúng tôi rất quyết liệt trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm, chủ động ngăn chặn các hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả, góp phần xây dựng và bảo vệ các thương hiệu chân chính của Việt Nam”.
Thực hiện chương trình công tác năm 2024 và kế hoạch đấu tranh, phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ giai đoạn 2021-2025 của Tổng cục QLTT và Cục QLTT tại các địa phương, các Đội QLTT tiếp tục tăng cường công tác quản lý địa bàn, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ, giả mạo nhãn hiệu hàng hoá nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cuộc đấu tranh đối với vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là công việc không chỉ của riêng một tổ chức hay cá nhân mà là công việc của toàn xã hội. Trách nhiệm của người tiêu dùng nên mua hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, để có thể tự bảo vệ quyền lợi của chính mình. Đối với doanh nghiệp, phải mạnh dạn tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng để tận dụng các biện pháp chế tài theo quy định pháp luật một cách kịp thời để từng bước đẩy lùi được vấn nạn hàng giả và gian lận thương mại; tiến tới đẩy lùi được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đang tràn lan hiện nay.
Xem thêm tại vneconomy.vn