Blog chứng khoán: Giằng co phân hóa
Nhóm blue-chips hôm nay yếu, đặc biệt một số trụ gây áp lực lớn, nổi bật như TCB. Tuy nhiên tổng thể thị trường cũng chỉ dao động thông thường dưới hiệu ứng T+ của lượng hàng bắt đáy về. Thanh khoản khá thấp cho thấy tiền mua lùi lại hơn là áp lực bán quá mạnh.
Thị trường vẫn đang trong những nhịp nảy kỹ thuật với phiên tăng thanh khoản thấp và phiên giảm thanh khoản cao. Tuy vậy đây chỉ là bền mặt khi nhìn vào các số liệu thống kê tổng thể, còn với cổ phiếu thì chủ đạo là phân hóa về sức mạnh.
Trong tình huống thị trường đang dò đáy thì hiệu ứng co giật từng ngày như vậy cũng không có gì bất thường. Hàng về các nhà đầu tư ăn non sẽ phải cân nhắc có chốt lời hay không vì về mặt kỹ thuật, VNI vẫn đang trong một xu hướng giảm rõ ràng và chưa có biểu hiện gì rõ ràng về khả năng tạo đáy. Bên mua cũng vậy, bắt đáy có rủi ro cao nên không thể đi tiền lô lớn hay chơi tất tay, khi giá tăng mạnh cũng không có lý do gì để phải mua đuổi.
Trạng thái giằng co về tâm lý sẽ dẫn tới giằng co về quyết định mua bán. Dễ thấy cứ mỗi khi điểm số của VNI mất nhiều, tốc độ trượt giảm nhanh thì độ rộng cũng co lại nhanh. Đó là hiệu ứng thường thấy khi nhà đầu tư nhìn vào chỉ số để giao dịch lướt sóng. Trong vùng tạo đáy luôn xuất hiện những nhịp mở biên độ intraday hoặc theo phiên do tác động của trụ và những cổ phiếu có dòng tiền đầu cơ nhiều sẽ dao động mạnh hơn bình thường.
Vẫn giữ quan điểm lúc này nên quan sát khả năng tạo đáy của từng cổ phiếu riêng lẻ để canh mua. Kể từ phiên sụp đổ ngày 5/8, khả năng chống đỡ giá của các cổ phiếu là rất khác nhau. Biến động càng hẹp hoặc/và có thanh khoản không cao trong giai đoạn này là tín hiệu tốt. Một cổ phiếu giữ vững được nền giá trong giai đoạn thị trường xáo trộn lớn thường là một cổ phiếu mạnh với các nhà đầu tư chắc tay đang nắm giữ. Ngay cả khi chỉ số có thể tiếp tục giảm nữa, phá đáy thì những cổ phiếu như vậy xác suất cao không tạo đáy sâu hơn.
Kinh nghiệm thì có thể lấy biên độ dao động của hôm 5/8 để làm chuẩn vì đó là ngày tâm lý sợ hãi được đẩy lên mức tối đa. Nếu các phiên kế tiếp giá dao động không phá vỡ được mức Low và phục hồi tốt hơn 100% thì có thể xem là phản ứng mạnh tích cực. Một số khác thì đã có nền giá trước cả ngày 5/8 và hôm đó dao động hẹp, tiếp tục đi trong vùng tích lũy thì xác suất củng cố đáy thành công là cao. Tín hiệu ở các mã này sẽ càng tốt hơn nếu các nhịp VNI giảm mạnh intraday có cầu bắt đáy xuất hiện và đẩy phục hồi sớm hơn, nhanh hơn.
Thị trường phái sinh hôm nay thể hiện kỳ vọng điều chỉnh khá rõ khi F1 chấp nhận mức chiết khấu rộng. Ngay cả ở nhịp tăng intraday của VN30 thì F1 cũng lên chậm hơn nhiều. Điều này khiến trading khó khăn dù về lợi thế, basis bị chiết khấu sẽ có lợi cho Long. Ví dụ giữa phiên sáng lúc VN30 hồi lại vượt 1248.xx, retest mức này rồi phi thẳng lên 1256.xx nhưng F1 lại tăng yếu hơn nhiều. Thiệt basis khiến nhịp trượt giảm trở lại từ 1256.xx về 1248.xx không thể Short được. Ổn nhất chỉ có nhịp thủng 1248.xx để xuống 1241.xx.
Phiên chốt dịch chuyển sang T+3 hôm nay cũng bình thường, không thể hiện sức ép quá khác biệt. Blue-chips làm VNI mất nhiều điểm nhưng đa số cũng không giảm nhiều, trừ vài trụ. Dòng tiền trở nên thụ động đáng kể. Lúc này không cần phải mua giá cao, luôn có những nhịp hẫng do xả ngắn hạn. Chiến lược vẫn là Long/Short linh hoạt với phái sinh.
VN30 chốt hôm nay tại 1243.31, ngay tại một mốc. Cản kế tiếp ngày mai là 1248; 1257; 1260; 1273. Hỗ trợ 1234; 1227; 1217.
“Blog chứng khoán” mang tính chất cá nhân và không đại diện cho ý kiến của VnEconomy. Những quan điểm, đánh giá là của cá nhân nhà đầu tư và VnEconomy tôn trọng quan điểm cũng như văn phong của tác giả. VnEconomy và tác giả không chịu trách nhiệm về những vấn đề phát sinh liên quan đến các đánh giá và quan điểm đầu tư được đăng tải.
Xem thêm tại vneconomy.vn