Bluechip giúp VN-Index tiếp tục bước qua mốc 1.260 điểm

Sau phiên bùng nổ theo đà ngày 16/8, tâm lý nhà đầu tư nhanh chóng trở lại trạng thái thận trọng khi bước vào phiên giao dịch sáng 19/8 khiến thị trường giảm đà hưng phấn. Chỉ số chung biến động nhẹ quanh mốc 1.260 điểm trong suốt cả phiên giao dịch sáng với thanh khoản khá cầm chừng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường không có nhiều chuyển biến. Nhóm cổ phiếu bluechip vẫn là động lực tiếp sức chính cho thị trường duy trì đà khởi sắc, tuy nhiên, áp lực bán ở mức giá cao luôn thường trực đã khiến VN-Index khó tăng tốc.

Thị trường khép lại phiên đầu tuần ghi nhận mức tăng hơn 9 điểm và VN-Index tiếp tục vượt qua mốc 1.260 điểm nhưng diễn biến đã phát đi một số tín hiệu đáng lo lắng như áp lực bán đang khiến số mã giảm điểm gia tăng mạnh, trong đó nhóm cổ phiếu phản ánh tín hiệu của thị trường là chứng khoán đã sớm đảo chiều điều chỉnh, thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, nhà đầu tư ngoại trở lại bán ròng hàng trăm tỷ đồng.

Đóng cửa, sàn HOSE có 267 mã tăng và 152 mã giảm, VN-Index tăng 9,39 điểm (+0,75%) lên 1.261,62 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 698,6 triệu đơn vị, giá trị 16.781,3 tỷ đồng, đều giảm hơn 27% cả về khối lượng và giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 16/8. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 88,8 triệu đơn vị, giá trị 2.284 tỷ đồng.

Nhóm VN30 kết phiên tăng gần 7,5 điểm, với chỉ 4 mã giảm nhẹ là SSI, PLX, HDB, FPT trong biên độ trên dưới 0,5%; ngược lại có 18 mã tăng gồm VNM tăng 3%, SAB tăng 2,7%, GAS tăng 2,3%, TCB tăng 2,1%... Trong đó, 3 mã lớn là VNM, GAS và VCB đã đóng góp tới gần 3,5 điểm cho chỉ số chung.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một vài điểm sáng như QCG và HAX đã khép lại trong sắc tím, NHA không giữ được mức giá trần nhưng tiếp tục có phiên tăng mạnh 6,4%..., bên cạnh các mã nóng bất động sản khác như PDR, NVL, DXG vẫn duy trì sắc xanh với thanh khoản sôi động, đạt trên dưới 15 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trái lại, cổ phiếu LDG sau khi khoe sắc tím ở phiên sáng đã dần hạ nhiệt và đảo chiều giảm 1,5%, kết phiên tại mức giá 2.000 đồng/CP do áp lực bán tăng mạnh, khối lượng khớp lệnh gần 8,1 triệu đơn vị.

Đáng chú ý vẫn là cổ phiếu PNJ. Sau thông tin hỗ trợ tích cực, cổ phiếu PNJ sớm khoe sắc tím từ phiên sáng và tiếp tục đứng vững tại mức giá cao nhất 104.900 đồng/CP trong suốt cả phiên chiều với thanh khoản đột biến, đạt gần 5 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,7 triệu đơn vị. Đây là mức giá và mức thanh khoản cao nhất của cổ phiếu PNJ.

Xét về nhóm ngành, trong khi phần lớn các nhóm vẫn duy trì diễn biến khởi sắc dù biên độ tăng thu hẹp so với phiên sáng, thì nhóm cổ phiếu chứng khoán lại “quay xe” điều chỉnh.

Cụ thể, sau phiên bùng nổ với sắc tím lan rộng vào cuối tuần trước, nhóm chứng khoán đã đảo chiều giảm trong phiên hôm nay, với số mã chuyển đỏ lan rộng hơn như SSI, HCM, VND, FTS, TVS, VCI, BSI… Trong đó, cổ phiếu VIX may mắn giữ được sắc xanh nhưng chỉ tăng 0,4% và khối lượng khớp lệnh vẫn lớn nhất thị trường với gần 25,14 triệu đơn vị khớp lệnh.

Mặt khác, nhóm cổ phiếu ngân hàng lại có chút khởi sắc hơn so với cuối phiên sáng nhờ các mã lớn như VCB, BID, TCB tích cực hơn. Trong đó, TCB tăng 2,1% lên vùng giá cao nhất ngày 21.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh sôi động nhất dòng bank đạt 15,7 triệu đơn vị; đáng chú ý là EIB vẫn tăng tốt 3% với thanh khoản đạt 14,47 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, áp lực bán cũng gia tăng khiến số mã giảm điểm chiếm ưu thế và HNX-Index có thời điểm về sát mốc tham chiếu, tuy nhiên nhóm HNX30 đã làm tốt nhiệm vụ điểm tựa chính giúp thị trường tiếp tục có phiên khởi sắc.

Đóng cửa, sàn HNX có 69 mã tăng và 84 mã giảm, HNX-Index tăng 0,86 điểm (+0,37%) lên 236,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 52,91 triệu đơn vị, giá trị 1.100,74 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,43 triệu đơn vị, giá trị 93,33 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, các cổ phiếu chứng khoán là điểm trừ của thị trường. Trong đó, SHS tiếp tục nới rộng biên độ giảm, thậm chí có thời điểm giảm mạnh, kết phiên giảm 1,9% xuống mức 15.900 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vẫn lớn nhất thị trường, đạt hơn 9,4 triệu đơn vị. Các mã chứng khoán khác như MBS, VIG, APS đứng giá tham chiếu, BVS, EVS và VFS cùng giảm nhẹ…

Các mã đáng chú ý khác như CEO, PVS, IDC, LAS, VGS đều kết phiên chỉ còn tăng trên 1-2%, với thanh khoản chủ yếu đạt hơn 1-2 triệu đơn vị, ngoại trừ CEO có khối lượng khớp lệnh chỉ thua SHS, với 7,25 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, điểm nhấn là DL1 bất ngờ đảo chiều tăng vọt sau khi mở cửa trong sắc đỏ. Kết phiên, DL1 tăng 8,8% lên mức giá trần 6.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 2,4 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, áp lực bán gia tăng cũng khiến UPCoM-Index có những nhịp lùi nhẹ về mốc tham chiếu.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng nhẹ 0,28 điểm (+0,3%) lên 93,72 điểm với 171 mã tăng và 81 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 39,92 triệu đơn vị, giá trị 657 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,82 triệu đơn vị, giá trị 35,7 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn có thanh khoản vượt trội nhất với hơn 9,76 triệu đơn vị khớp lệnh, tuy nhiên áp lực bán cũng khiến mã này về sát vạch xuất phát khi đóng cửa chỉ tăng nhẹ 1,3% lên mức 24.100 đồng/CP. Trong khi đó, OIL kết phiên đứng giá tham chiếu và khớp 2,31 triệu đơn vị.

Một số mã đáng chú ý vẫn giữ mức tăng tốt như VEA tăng 4,9% và khớp 2,28 triệu đơn vị, TVN tăng 7,5% và khớp 1,52 triệu đơn vị, VGI tăng 2,4%, cặp đôi nhỏ AAH và VHG cùng tăng hơn 5%...

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó VN30F2409 đáo hạn gần nhất là ngày 19/9 đóng cửa tăng mạnh nhất 10 điểm, tương đương +0,8% lên 1.298 điểm, khớp lệnh gần 193.430 đơn vị, khối lượng mở gần 44.740 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CVRE2402 thanh khoản tốt nhất với khối lượng khớp 3,54 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 11,1% lên 300 đồng/cq; tiếp theo là CHPG2403 khớp 3,3 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 5,6% lên 380 đồng/cq.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn