Bóng dáng các ‘ông lớn’ ngành chứng khoán trong mảng xếp hạng tín nhiệm

Về tổng quan, xếp hạng tín nhiệm là một lĩnh vực vẫn còn khá mới mẻ trên thị trường tài chính Việt Nam mặc dù hành lang pháp lý đã được hình thành cách đây 10 năm khi Chính phủ ban hành Nghị định 88/2014/NĐ-CP quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Số lượng công ty xếp hạng tín nhiệm trên thị trường còn hạn chế. Trong thông báo đưa ra mới đây, Bộ Tài chính cho biết, tính đến tháng 8/2024 cơ quan này đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho 4 tổ chức.

Các tổ chức đã được cấp phép gồm CTCP Sài Gòn Phát Thịnh Ratings (Saigon Ratings), CTCP FiinRatings (FiinRatings), CTCP Xếp hạng tín nhiệm Đầu tư Việt Nam (VIS Rating) và CTCP Xếp hạng tín nhiệm S&I (S&I Ratings). Trong 4 tổ chức, 3 đơn vị đặt trụ sở chính tại Hà Nội và 1 đơn vị có trụ sở tại TP HCM (Saigon Ratings).

Theo quan sát, mô hình hoạt động và cấu trúc cổ đông của các đơn vị cũng có phần khác biệt đáng kể giữa 4 công ty xếp hạng tín nhiệm.

VIS Rating hiện có quy mô vốn lớn nhất được thành lập năm 2021 và cấp phép tháng 9 năm ngoái. Hãng xếp hạng tín nhiệm này hoạt động theo mô hình liên doanh giữa tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế là Moody’s với các đối tác trong nước như ACBS, Dragon Capital, VNDirect, VPS, NamABank và Công ty Tài chính TNHH TNEX.

Vốn điều lệ thực góp của VIS Rating là 103,14 tỷ đồng, trong đó vốn góp của Moody’s Singapore Pte. Ltd. là 49%. 5 cổ đông là Dragon Capital, ACBS, NamABank, VPS và VNDirect có cùng tỷ lệ sở hữu là 8,84%. Công ty Tài chính TNHH TNEX sở hữu tỷ lệ nhỏ nhất với 6,8%.

Cấu trúc cổ đông của 4 công ty xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam tính đến tháng 8/2024. Nguồn: HL.

Saigon Ratings đứng thứ hai về quy mô vốn điều lệ với 50 tỷ đồng và chịu chi phối chính bởi một cá nhân. Tỷ lệ sở hữu của ông Phùng Xuân Minh liên tục tăng sau một đợt Saigon Ratings nâng quy mô vốn.

Thời điểm tháng 7/2015, công ty có vốn thực góp 15 tỷ đồng với ba cổ đông là CTCP Đầu tư Sài Gòn Phát Thịnh (60%), Công ty TNHH Tư vấn Kinh doanh Phát Thịnh (15%) và ông Phùng Xuân Minh (25%).

Tháng 5/2020, vốn chủ sở hữu của Saigon Ratings tăng lên 30 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu của ba cổ đông cũng có sự thay đổi. Cụ thể, ông Phùng Xuân Minh nắm 62,5%, kế đến là CTCP Đầu tư Sài Gòn Phát Thịnh (30%) và Tư vấn Kinh doanh Phát Thịnh (7,5%).

Theo cập nhật mới nhất trên website, kể từ ngày 25/5/2022, vốn chủ sở hữu của công ty là 50 tỷ đồng và tỷ lệ sở hữu của ông Phùng Xuân Minh tăng lên 77,5%. Hai cổ đông còn lại là Đầu tư Sài Gòn Phát Thịnh và Tư vấn Kinh doanh Phát Thịnh nắm lần lượt 18% và 4,5%.

Đứng thứ ba về quy mô vốn với 30 tỷ đồng là S&I Ratings. Hãng xếp hạng tín nhiệm này đặt trụ sở cùng tòa nhà với Chứng khoán SSI, hiện có 10 cổ đông, trong đó có 4 tổ chức. Tỷ lệ sở hữu không quá thiên lệch về một cổ đông giống như ba hãng còn lại trên thị trường.

Trong 4 tổ chức sở hữu vốn S&I Ratings, Chứng khoán SSI nắm giữ tỷ lệ lớn nhất với 14,99%. Ba tổ chức còn lại là Công ty TNHH Tư vấn NDH, CTCP AGON và CTCP Pallas cùng nắm 10%. 6 cổ đông cá nhân khác có Nguyễn Thị Hà Dương (9,5%), Vũ Thị Hồng Hạnh (9,4%), Lê Tuyết Lan (9,3%), Nguyễn Việt Hà (9%), Bùi Huy Phương (9%) và Tô Minh Đức (8,81%).

Tổ chức hiện có quy mô vốn nhỏ nhất là FiinRatings với 25 tỷ đồng. Tiền thân đây là CTCP FiinGroup thành lập thang 3/2008. Tháng 3/2020, công ty được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm.

Thời điểm cuối năm 2023, FiinRatings có ba cổ đông, trong đó CTCP FiinGroup Việt Nam nắm giữ tỷ lệ gần như tuyệt đối với 99,994%. Hai cổ đông còn lại là ông Nguyễn Quang Thuân và ông Nguyễn Hữu Hiệu cùng sở hữu 75 cổ phần, tương ứng 0,003% vốn.

FiinRatings là tổ chức cung cấp đầy đủ thông tin tài chính về hoạt động kinh doanh. Năm 2023, mảng xếp hạng tín nhiệm và liên quan đóng góp doanh thu lớn nhất với gần 17,7 tỷ đồng, chiếm hơn một nửa trong cấu trúc doanh thu. Nguồn thu từ mảng này tăng mạnh so với quy mô 7,8 tỷ đồng trong năm trước đó.

Trên website của FiinRatings, đơn vị này giới thiệu trong năm 2023 có 8 khách hàng chiếm 62,2% doanh thu từ hoạt động xếp hạng tín nhiệm, trong đó có một số đơn vị như Vingroup, Techcombank, Coteccons, Hà Đô, F88. Trong số 8 đơn vị có đến 6 cái tên mới so với năm 2022. Điều này đã giúp doanh thu của công ty tăng bằng lần trong năm qua.

Song cần phải nói rằng, với một thị trường còn sơ khai như Việt Nam thì hoạt động xếp hạng tín nhiệm còn nhiều dư địa để phát triển. Báo cáo của Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho thấy năm 2023, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã tham gia xếp hạng tín nhiệm đạt gần 27.000 tỷ đồng, gấp 10 lần năm 2022. Tuy nhiên, sự phát triển thị trường xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam vẫn ở bước khởi đầu khi con số này mới chiếm khoảng 9% tổng khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2023.

Khi quy định mới được ban hành, mảng xếp hạng tín nhiệm được đánh giá khá tiềm năng bởitheo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022,xếp hạng tín nhiệm bắt buộc với doanh nghiệp phát hành trái phiếu có tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất; hoặc tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất.

Sau cú sốc trái phiếu bất động sản cuối năm 2022, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đang dần phục hồi với động lực chính từ nhóm ngân hàng, tập đoàn tư nhân lớn và một số công ty chứng khoán. Với thực trạng như hiện nay, theo chia sẻ từ một đơn vị, đây chính là nhóm đối tượng đang được hãng xếp hạng tín nhiệm tiếp cận và cung cấp dịch vụ. Nếu quan sát kỹ có thể thấy rằng nhóm ngân hàng, chứng khoán, bất động sản (tập đoàn lớn) là nhóm được các hãng xếp hạng tín nhiệm phát hành báo cáo với tần suất lớn nhất.

Xem thêm tại vietnambiz.vn