BSC dự báo VN-Index có thể đạt trên 1.425 điểm trong năm 2024
Trong báo cáo cập nhật triển vọng thị trường chứng khoán năm 2024, Chứng khoán BSC đưa ra 3 kịch bản dự báo thị trường năm 2024.
Cụ thể ở kịch bản 1 dự báo Vn-Index dưới 1.200 điểm với giả định EPS tăng trưởng 13% và P/E ở mức 13.4 lần; Kịch bản 2 trên 1.425 điểm với giả định EPS tăng trưởng 20% và P/E ở mức 15 lần. Kịch bản cơ sở 1.298 điểm với giả định EPS và P/E tăng trưởng lần lượt 17% và 14.3 lần.
Thanh khoản bình quân 3 sàn ở kịch bản 1, 2 có giá trị giao dịch tăng lần lượt 20% và -5% đến từ kỳ vọng môi trường lãi suất thấp tiếp tục duy trì, nhà đầu tư cá nhân sẽ tiếp tục là động lực chính trên thị trường, hệ thống giao dịch KRX chính thức đi vào hoạt động – đặc biệt là kỳ vọng vào giao dịch T+0, bên cạnh các tín hiệu lạc quan trong việc nâng hạng thị trường từ tổ chức xếp hạng FTSE sẽ giúp cải thiện đáng kể thanh khoản.
Số lượng tài khoản mở mới tiếp tục gia tăng ở các kịch bản khi chứng khoán dần trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn và phổ cập hơn đối với nhiều tầng lớp nhà đầu tư – đặc biệt là thế hệ trẻ có khả năng tiếp cận công nghệ.
Theo BSC, triển vọng tăng trưởng kinh tế và thị trường chứng khoán năm 2024 được đánh giá khả quan hơn năm 2023. Các yếu tố thuận lợi gồm: Xu hướng giảm lãi suất toàn cầu sẽ giúp cho các nền kinh tế chủ chốt hạ cánh mềm qua đó tác động tích cực lên các ngành sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác lãi suất toàn cầu hạ cũng giảm áp lực đến tỷ giá và đảo chiều hoạt động rút ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán.
Trong nước, kinh tế vĩ mô ổn định, các động lực tăng trưởng hồi phục. Các chính sách tiền tệ và tài khoán hỗ trợ được duy trì tạo đà tăng trưởng nối tiếp chuyển biến vào cuối năm 2023. Việt Nam nâng tầm quan hệ lên mức đối tác chiến lược toàn diện với Hoa Kỳ, Nhật Bản, bên cạnh sự củng cố mối quan hệ hữu nghị hướng đến “Cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc sau các chuyến thăm cấp Nhà nước sẽ tạo động lực quan trọng để nền kinh tế tăng tốc, thu hút thêm dòng vốn đầu tư.
Chính phủ quyết liệt thực thi các giải pháp tháo gỡ các nút thắt trên thị trường tiền tệ, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản và gỡ bỏ các rào cản kinh doanh khơi thông dòng vốn mang lại sự ổn định cho cộng đồng doanh nghiệp nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.
Mặt bằng định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở vùng thấp cùng với mức tăng trưởng lợi nhuận năm 2024 dự báo 15-20%. Cùng với đó, những thay đổi về hệ thống giao dịch mới và các quy định hướng tới nâng hạng thị trường sẽ tạo sức mới cho thị trường.
Ngoài những yếu tố thuận lợi kể trên, BSC cho rằng rủi ro không chỉ đến từ bên ngoài mà nội tại của nền kinh tế và lưu ý ở một yếu tố. Về quốc tế, NHTW tiếp tục duy trì mức lãi suất cao và trì hoãn về thời điểm bắt đầu thực hiện giảm lãi suất, Khả năng nền kinh tế Hoa Kỳ có thể đạt được hạ cánh mềm vẫn còn chưa thực sự chắc chắn, bên cạnh những dấu hỏi lớn về tăng trưởng của EU và Trung Quốc. Xung đột địa chính trị tiếp tục diễn biến khó lường ảnh hưởng đến biến động của giá hàng hóa.
Trong nước, rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp – đặc biệt ở các doanh nghiệp bất động sản; Các vụ đại án liên quan đến ngân hàng, thị trường bất động sản trì trệ kéo dài ảnh hưởng đến nợ xấu nền kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô; Hoạt động rút vốn mạnh từ khối ngoại trong năm 2023 và còn tiếp tục chuyển tiếp sang đầu năm 2024.
Quá trình triển khai hệ thống KRX và nỗ lực cải thiện nâng hạng thị trường chứng khoán không có nhiều cải thiện.
BSC đánh giá các yếu tố tác động đến triển vọng thị trường chứng khoán 2024 trên cơ sở xem xét các khía cạnh: Môi trường kinh tế và triển vọng kinh tế vĩ mô, Lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết, Dòng vốn của nhà đầu tư cá nhân trong nước và dòng vốn nước ngoài, Vấn đề của thị trường bất động sản và rủi ro liên quan đến Trái phiếu doanh nghiệp, Triển vọng kinh tế thế giới cũng như các biến động địa chính trị.
Xem thêm tại vneconomy.vn