BSC Research: Bộ Công Thương ra tay, Hòa Phát và Hoa Sen đón sóng lớn

Ngày 14/6, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm thép mạ từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong phân tích triển vọng ngành thép mới đây, BSC Research dựa trên số liệu thu thập được, tự tin rằng Bộ Công Thương sẽ áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với mặt hàng này vào quý I/2025 và chính thức từ quý III/2025.

Cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản, năm 2025, sản lượng thép mạ trong nước có thể tăng 20% so với cùng kỳ. Con số này dựa trên số liệu năm 2017, khi ngành tôn mạ trong nước tăng 20% sản lượng sau quyết định áp thuế chống bán phá giá thép mạ (AD02), và năm 2024 cũng có mức nền thấp.

Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn khi doanh nghiệp này chiếm 29% thị phần tôn mạ Việt Nam, giữ vị trí số 1.

BSC Research: Bộ Công Thương ra tay, Hòa Phát và Hoa Sen đón sóng lớn
Giá thép mạ nhập khẩu thấp hơn giá bán trong nước, kèm sản lượng tăng cao đột biến (Nguồn: BSC Research)

Cũng trong tháng 6, Bộ Công Thương đã tiếp nhận hồ sơ hợp lệ yêu cầu khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, theo yêu cầu của Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) và Formosa Hà Tĩnh.

BSC bày tỏ sự tự tin rằng thuế chống bán phá giá sẽ được thông qua, dựa trên hai lý do: (1) thuế chống bán phá giá sẽ tập trung vào các công ty thương mại không chứng minh được xuất xứ và có hành vi bán phá giá; (2) vị thế vững chắc của HPG trong ngành sản xuất trong nước. Từ đó, HPG và Formosa Hà Tĩnh có thể tăng sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) thêm 1,5 - 3 triệu tấn/năm, tăng 20 - 30% so với cùng kỳ trong giai đoạn 2025 - 2026.

BSC Research: Bộ Công Thương ra tay, Hòa Phát và Hoa Sen đón sóng lớn
Hơn 1,6 tỷ USD HRC xuất khẩu vào Việt Nam từ các công ty thương mại (Nguồn: BSC Research)

Việc Bộ Công Thương thực hiện các biện pháp bảo vệ nền sản xuất trong nước diễn ra trong bối cảnh hàng loạt hàng rào thuế quan được dựng lên đối với thép Việt Nam, đặc biệt là thép cuộn cán nóng (HRC).

Ngày 8/8, Liên minh châu Âu - thị trường nhập khẩu thép lớn nhất từ Việt Nam đã thông báo điều tra chống bán phá giá HRC xuất xứ Việt Nam. Cục Phòng vệ Thương mại cũng đang cảnh báo về nguy cơ Úc sẽ áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng này. Nhiều quốc gia cũng đang dựng các rào cản thương mại để bảo vệ thị trường nội địa của họ như: Thái Lan (thuế 310,74%), Malaysia (thuế từ 7,81% - 23,845%), Thổ Nhĩ Kỳ (19,64% - 25%), Hoa Kỳ (16,24%)…

Xem thêm tại nguoiquansat.vn