Bắt nhịp với xu thế
Sau khi được chuyển giao về Vietcombank, Ngân hàng Xây dựng (CB) chính thức đổi tên thành Ngân hàng Ngoại thương Công nghệ số (VCBNeo).
Tương tự, OceanBank có tên mới là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (MBV), định hướng trở thành một ngân hàng hiện đại, an toàn và bền vững sau khi về với MB. DongA Bank cũng công bố về việc đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Số Vikki (Vikki Bank) một tháng sau khi chuyển giao bắt buộc về HDBank.
Riêng GPBank, ngân hàng được chuyển giao cho VPBank, cùng thời điểm DongA Bank “về một nhà” với HDBank, hiện chưa có thông tin mới về đường hướng vận hành. Nội dung này dự báo sẽ được hé mở tại đại hội cổ đông của VPBank, dự kiến tổ chức vào ngày 28/4 tới.
Chưa rõ chiến lược của VPBank với GPBank ra sao, nhưng từ năm 2016, Hội đồng quản trị VPBank đã định hướng xây dựng một hệ sinh thái số, trong đó có một ngân hàng thuần số - ngân hàng mà mọi giao dịch của khách hàng đều được thực hiện trên không gian Internet.
Để xây dựng một ngân hàng thuần số độc lập, VPBank kết hợp với một đối tác bên ngoài để phát triển. Cụ thể, Timo cung cấp phần front-end và sử dụng phần back-end của VPBank. Sau 2 năm triển khai, mô hình này thất bại, bởi không thể mở rộng quy mô. Sau khi đàm phán mua lại với Timo không thành, năm 2018, VPBank ra mắt ngân hàng thuần số mới, được đặt bên trong Ngân hàng với tên gọi YOLO. Nhưng mô hình này cũng không thành công.
Đáng chú ý, đầu năm 2021, VPBank ra mắt Ngân hàng số Cake, hợp tác với Công ty TNHH BeFinancial (một thành viên của Be Group, đơn vị sở hữu và phát triển ứng dụng gọi xe Be). Sau 4 năm, Cake Bank đã phục vụ 5 triệu người dùng với hơn 9.000 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm từ khách hàng cá nhân. Hiện Cake cung cấp các sản phẩm: tiết kiệm, đầu tư, thanh toán, thẻ tín dụng và vay tiêu dùng. Cake định vị mình là “NextGen AI Bank” - ngân hàng thế hệ mới tiên phong ứng dụng AI toàn diện, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Trên thị trường, còn một số ngân hàng thuần số khác như: TNEX - ứng dụng ngân hàng số được bảo trợ bởi MSB, được ra mắt vào tháng 12/2020 và vẫn đang duy trì hoạt động đến thời điểm này; Liobank by OCB - ngân hàng số thế hệ mới được OCB ra mắt vào tháng 3/2023.
Theo các chuyên gia, sự ra đời và phát triển của các ngân hàng kiểu mới (Neobank) được cho là tiền đề để phát triển hệ thống ngân hàng thuần Internet, hay còn gọi là ngân hàng thuần số. Ngân hàng thuần số là một ngân hàng được thành lập và hoạt động độc lập, tức là thực thể ngân hàng được cấp giấy phép thành lập và được nhà nước quản lý, giám sát như một loại hình ngân hàng độc lập. Thông thường, đứng sau các ngân hàng thuần số là sự bắt tay giữa ngân hàng truyền thống và một công ty cung cấp giải pháp công nghệ tài chính (Fintech).
Thống kê của Oliver Whyman cho thấy, tính tới năm 2024, đã có khoảng 235 ngân hàng số được cấp phép trên toàn cầu (từ châu Âu, châu Á tới Bắc Mỹ, Nam Mỹ), tăng 5 lần so với 10 năm trước. Châu Âu là khu vực mà ngân hàng số xuất hiện khá sớm và tới năm 2024 có 70 ngân hàng số. Ở châu Á, ngân hàng số xuất hiện muộn hơn, nhưng đã tăng tốc vào những năm 2010 do quy mô dân số lớn, tỷ lệ người dùng Internet cao, nhu cầu lớn về tài chính toàn diện. Sự phát triển ngân hàng số ở châu Phi chậm hơn các thị trường khác do hạn chế về hạ tầng và môi trường tài chính, dù quy mô dân số cao và nhu cầu tài chính toàn diện lớn.
Hài hòa với ngân hàng truyền thống
Theo ông Praveen Venu, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Kinh doanh Tradepass, công ty phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức chuỗi sự kiện thường niên Đổi mới tài chính thế giới (WFIS) Việt Nam, “chúng ta đang chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của các ngân hàng thuần số trên khắp khu vực Đông Nam Á và Việt Nam cũng nổi lên như một thị trường đầy tiềm năng trong lĩnh vực này” và “làn sóng phát triển của ngân hàng thuần số đang diễn ra mạnh mẽ hơn bao giờ hết”.
Ông Praveen Venu nhận định, có một sự cân bằng hài hoà giữa các ngân hàng thuần số và ngân hàng truyền thống tại Việt Nam. Cả hai mô hình đều tận dụng tối đa các dịch vụ ngân hàng số, nhờ vào lợi thế của một thị trường có dân số trẻ, năng động và am hiểu công nghệ. Để bắt nhịp với các xu hướng và công nghệ đang thay đổi nhanh chóng, các ngân hàng không ngừng tăng tốc trong việc triển khai các giải pháp số.
Lãnh đạo cao cấp một ngân hàng cho biết, việc ứng dụng ngân hàng số tại những ngân hàng truyền thống lớn hiện rất phổ biến, chỉ cần một chiếc điện thoại smartphone, khách hàng có thể truy cập và giao dịch bất kỳ ở đâu, bất kỳ khi nào. Nói cách khác, khoảng cách địa lý không còn quan trọng nữa, do đó, việc xây dựng một ngân hàng số riêng độc lập sẽ không có nhiều tác dụng.
Cũng theo vị lãnh đạo ngân hàng, ngân hàng truyền thống hiện có nhiều quy trình liên quan đến quản trị rủi ro hay quy trình phối hợp trong nội bộ rất phức tạp, chặt chẽ, do đó, nếu thí điểm những đột phá về quy trình là điều rất khó. Nhưng khi lập một ngân hàng thuần số, có thể thí điểm giống như sandbox, với những quy định rủi ro, thẩm định tín dụng và phê duyệt tín dụng hoàn toàn khác, hoàn toàn mới.
“Với một cơ chế, một tổ chức hoàn toàn mới, có thể có những con người hoàn toàn mới với những quan điểm hoàn toàn mới. Đó là môi trường để người tạo lập ra những quy trình và có thể những quy trình đó giúp việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng thuận tiện hơn”, vị lãnh đạo ngân hàng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, phó tổng giám đốc chuyển đổi số của một ngân hàng cho rằng, nếu ngân hàng có thương hiệu chưa quá vững mạnh, có thể xây dựng một thương hiệu ngân hàng số khác và không sợ hai thương hiệu ảnh hưởng đến nhau. Nếu ngân hàng đã lớn rồi, nhưng vì quá cồng kềnh về quy trình nội bộ, quản trị rủi ro, có thể thành lập một ngân hàng nhỏ và xây dựng lại các quy trình, thủ tục nội bộ theo hướng đơn giản hóa, mở rộng khẩu vị rủi ro hơn, từ đó có thể đánh giá, cung cấp dịch vụ nhanh hơn.
Xung quanh câu chuyện phát triển ngân hàng số, ông Lê Hoàng Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết, sau hơn một thập kỷ chuyển đổi số, nhiều ngân hàng truyền thống đã xây dựng được năng lực công nghệ và dữ liệu mạnh mẽ. Các ngân hàng truyền thống hiện nay có thể cung cấp đầy đủ các dịch vụ online, từ việc mở tài khoản đến cấp khoản vay trực tuyến. Đồng thời, tùy chỉnh sản phẩm tài chính để phù hợp với các nhóm khách hàng như giới trẻ và doanh nghiệp nhỏ và vừa, cải thiện cả trải nghiệm khách hàng và năng lực cạnh tranh trong kỷ nguyên số. Còn sự phát triển của ngân hàng số là một xu hướng không thể đảo ngược, điều này không đồng nghĩa với việc triệt tiêu các ngân hàng truyền thống.