BVBank công bố 9 cá nhân sở hữu tổng cộng gần 18% cổ phần ngân hàng

BVBank công bố 9 cá nhân sở hữu tổng cộng gần 18% cổ phần ngân hàng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Danh sách được BVBank công bố cho thấy sở hữu từ 1% vốn trở lên tại ngân hàng này không có tổ chức nào mà chỉ có 9 cá nhân với tổng số lượng cổ phiếu BVB đang sở hữu là 89,26 triệu đơn vị, tương đương 17,792% vốn điều lệ ngân hàng. Hầu hết những người sở hữu cổ phần được công bố đều nằm trong HĐQT hoặc Ban điều hành của Ngân hàng.

Theo đó, Bà Nguyễn Thanh Phượng – Phó Chủ tịch BVBank- đang sở hữu nhiều nhất với 22,87 triệu cổ phiếu, tương đương 4,558% vốn điều lệ BVBank. Người liên quan của bà Nguyễn Thanh Phượng không nắm giữ cổ phiếu BVB.

Đứng thứ hai là ông Ngô Quang Trung, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc BVBank, với số lượng cổ phiếu BVB nắm giữ là hơn 14,37 triệu đơn vị, tương đương gần 3,126% số cổ phần lưu hành của BVBank.

Ông Lê Anh Tài đứng thứ ba với 14,372 triệu cổ phiếu BVB, tương đương 2,865% vốn điều lệ BVBank. Ông Lê Anh Tài hiện đang là Chủ tịch HĐQT BVBank. Người liên quan của ông Tài hiện chỉ sở hữu 230 cổ phiếu BVB.

Một thành viên HĐQT khác của BVBank là ông Nguyễn Nhất Nam hiện nắm giữ hơn 5 triệu cổ phiếu BVB, tương đương gần 1% vốn điều lệ. Trong khi người liên quan của ông Nam đang sở hữu 5,26 triệu cổ phần, tương đương 1,05%.

BVBank công bố 9 cá nhân sở hữu tổng cộng gần 18% cổ phần ngân hàng- Ảnh 2.

Nguồn: BVBank

Ngoài HĐQT, một số thành viên trong Ban Điều hành của BVBank cũng đang sở hữu lượng lớn cổ phiếu BVB. Cụ thể, Phó Tổng Giám đốc Lê Văn Bé Mười nắm giữ 5,92 triệu cổ phiếu (tương đương 1,18%), Phó Tổng Giám đốc Văn Thành Khánh Linh nắm giữ 5,749 triệu cổ phiếu (tương đương 1,146%), Phó Tổng Giám đốc Phan Việt Hải nắm giữ 7,502 triệu cổ phiếu (tương đương 1,495%), Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Tú nắm giữ 6,747 triệu cổ phiếu (tương đương 1,345%).

Ngoài ra, ông Lý Công Nha - Giám đốc Khối Tài chính BVBank – hiện cũng sở hữu hơn 5,418 triệu cổ phiếu BVB, tương đương 1,08% vốn điều lệ.

Theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng sẽ phải cung cấp cho tổ chức tín dụng các thông tin của mình và người liên quan gồm: Họ và tên; số định danh cá nhân; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp của cổ đông là người nước ngoài; số Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương của cổ đông là tổ chức; ngày cấp, nơi cấp của giấy tờ này.

Bên cạnh đó, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên cũng phải cung cấp thông tin về số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan tại tổ chức tín dụng đó.

Các cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ phải gửi tổ chức tín dụng bằng văn bản cung cấp thông tin lần đầu và khi có thay đổi các thông tin này trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh hoặc có thay đổi thông tin. Riêng về tỷ lệ sở hữu, cổ đông sở hữu trên 1% vốn điều lệ chỉ phải công bố thông tin khi có mức thay đổi về tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình, tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình và người có liên quan từ 01% vốn điều lệ trở lên so với lần cung cấp liền trước.

Luật Các TCTD (sửa đổi) cũng yêu cầu Tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin về họ và tên cá nhân, tên tổ chức là cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng và số lượng, tỷ lệ sở hữu cổ phần của cá nhân đó và người có liên quan trên trang thông tin điện tử của tổ chức tín dụng trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức tín dụng nhận được thông tin cung cấp.

Cũng tại Luật các TCTD (sửa đổi), khái niệm "người có liên quan" đã được mở rộng đến cả đối tượng là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, cô, dì, chú, bác, các cháu, tức là 5 thế hệ.

Trước đó, cổ đông sẽ chỉ phải công bố thông tin về các giao dịch, sở hữu, người liên quan khi nắm từ 5% vốn điều lệ ngân hàng trở lên (cổ đông lớn).


Xem thêm tại cafef.vn