Thủy điện “kém vui”
Mới đây, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thủy điện công bố báo cáo tài chính quý I/2024, với kết quả kinh doanh “đi lùi” so với cùng kỳ năm ngoái.
Cụ thể, Công ty CP Thủy điện Miền Trung (mã ck: CHP) chỉ đạt doanh thu 139 tỷ đồng trong quý I/2024, giảm đến 103 tỷ đồng tương ứng giảm 42,6% (so với cùng kỳ 2023). Chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp đều giảm nhưng lợi nhuận sau thuế của CHP chỉ ở mức 31 tỷ đồng, giảm 71,3 tỷ đồng.
Theo mục tiêu kinh doanh nêu trong tài liệu đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ), CHP mới thực hiện được 20% mục tiêu doanh thu và 15,9% lợi nhuận cả năm 2024.
Doanh thu quý I/2024 của 3 doanh nghiệp thủy điện lớn giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Diệu Khiết. |
Một doanh nghiệp lớn trong ngành thủy điện là Công ty CP Thủy điện A Vương (mã ck: AVC) có kết quả hoạt động kinh doanh cũng sụt giảm mạnh. Theo đó, AVC chỉ đạt 92 tỷ đồng doanh thu trong quý I/2024, giảm đến 156,5 tỷ đồng, tương ứng giảm đến 63%; lợi nhuận trước thuế ở mức 40,4 tỷ đồng, quá khiêm tốn so với con số 172,4 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận ròng của AVC quý I là 33,3 tỷ đồng, bằng 21,4% so với quý I/2023. Với kết quả kém khả quan này, AVC mới chỉ hoàn thành 19,1% doanh thu và 34,5% lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch năm, mà đại hội đồng cổ đông 2024 đề ra.
Trong cùng diễn biến, Công ty CP Thủy điện - Điện lực 3 (mã ck: DRL) cũng cùng chung hoàn cảnh khi có kết quả kinh doanh quý I/2024 không mấy khả quan. Doanh thu của DRL đạt 19,3 tỷ đồng, bằng 76,2% doanh thu cùng kỳ, trong khi lãi ròng ở mức 10,9 tỷ đồng, chỉ bằng 70,3% quý I/2023.
Mới đây, DRL đã điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2024 để trình ĐHĐCĐ. Cụ thể, DRL đặt mục tiêu tổng doanh thu 96,7 tỷ đồng trong cả năm 2024, lợi nhuận sau thuế 41,3 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 40%. Như vậy, hết quý I/2024, DRL mới hoàn thành 20% kế hoạch doanh thu và 26,3% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Ngoài ra, còn nhiều doanh nghiệp thủy điện khác cũng có kết quả kinh doanh “đi lùi” như: Công ty CP Thủy điện Miền Nam, với doanh thu sụt giảm 32,3%, lợi nhuận sau thuế sụt giảm đến 21,5 tỷ đồng và công ty bị thua lỗ đến 6,2 tỷ đồng trong quý I/2024; Công ty CP Thủy điện Sông Vàng (giảm 8,8% doanh thu, lãi tăng 16%); Công ty CP Thủy điện sông Ba Hạ (doanh thu giảm 29,4%; lợi nhuận sau thuế giảm đến 64,5%)…
Nhiệt điện và truyền tải điện “sáng lên”
Trái ngược “bức tranh trầm lắng” của các doanh nghiệp thủy điện, các doanh nghiệp nhiệt điện và truyền tải điện được kỳ vọng phục hồi trong năm 2024.
Về nhiệt điện, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Tiên Phong (TPS), ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino làm cho tình hình thuỷ văn không thuận lợi, buộc EVN phải huy động tối đa các nguồn nhiệt điện với chi phí cao hơn.
Cụ thể, tỷ trọng điện được huy động từ thủy điện giảm từ 35,4% vào năm 2022 xuống còn 29,7% trong 10 tháng năm 2023. Ngược lại, tỷ trọng điện được huy động từ nhiệt điện than tăng từ 38,6% vào năm 2022 lên 46% trong 10 tháng năm 2023, tỷ trọng điện từ các nguồn khác không có sự thay đổi nhiều. Tỷ trọng điện được huy động từ nhiệt than và nhiệt khí chiếm khoảng 56,5% trong 10 tháng năm 2023.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo, doanh nghiệp phát triển hạ tầng điện sẽ được hưởng lợi trước tiên trong những năm tới nhờ các gói thầu xây lắp điện, xây lắp đường dây và trạm biến áp gia tăng sau khi Quy hoạch điện VIII thông qua. Ảnh minh hoạ |
TPS dự đoán hiện tượng El Nino 2023-2024 có thể là siêu El Nino tiếp theo sau giai đoạn 2015-2016. Do El Nino xuất hiện vào nửa cuối năm 2023 và kéo dài sang nửa đầu năm 2024, TPS cho rằng, nhiệt điện than bắt buộc phải được tăng cường huy động do điện tái tạo và điện nhập khẩu số lượng hạn chế.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, triển vọng huy động sản lượng điện than sẽ tích cực trong năm 2024. MBS dự đoán sản lượng điện than năm 2024 sẽ tăng 9% so với cùng kỳ, đặc biệt tại miền Bắc trong 6 tháng đầu năm 2024 dựa trên 3 yếu tố.
Thứ nhất, miền Bắc có tỷ trọng thủy điện cao, bị ảnh hưởng bởi thủy văn kém tích cực ít nhất đến quý II/2024, phải bù đắp bằng điện than trong cao điểm những tháng mùa nóng.
Thứ hai, giá than nhập khẩu đang có xu hướng giảm mạnh, hỗ trợ giá than trộn giảm theo cải thiện khả năng cạnh tranh của điện than so với điện khí.
Thứ ba, công suất bổ sung từ nhóm nhà máy điện than gặp sự cố về cơ bản đã khắc phục xong như: Thái Bình 2, Vũng Áng 1. MBS cho rằng những doanh nghiệp điện than tại miền Bắc như Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP), Công ty cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (HND) sẽ hưởng lợi từ năm 2024.
Về truyền tải điện, theo MSB, ngày 1/11/2023, Bộ Công thương ban hành Thông tư 19/2023/TT-BCT quy định phương pháp xây dựng khung giá năng lượng tái tạo (NLTT) mở ra những hi vọng cho thị trường NLTT.
“Chúng tôi cho rằng, hoạt động xây lắp các dự án truyền tải đang là trọng tâm trong bối cảnh hệ thống điện chưa đáp ứng được tỷ trọng công suất cao năng lượng tái tạo và nhu cầu cấp bách truyền tải từ Nam ra Bắc, với dự án trọng điểm đường dây 500 kV mạch 3. Ngoài ra, phát triển nguồn điện sẽ là điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế, đặc biệt khi Chính phủ đang tập trung phát triển NLTT để tiến tới phát thải ròng bằng 0 từ năm 2050” - MBS nhận định.
Theo đó, MSB dự đoán, các doanh nghiệp xây lắp bao gồm xây lắp dự án truyền tải và xây dựng nhà máy điện sẽ có triển vọng chắc chắn hơn từ năm 2024. Những doanh nghiệp có năng lực và kinh nghiệm triển khai dự án, sở hữu những dự án có sản lượng tốt, suất đầu tư hợp lý, cũng như khả năng huy động vốn rẻ sẽ hưởng lợi trong giai đoạn tới bao gồm PC1, HDG, GEG, REE.
Kết thúc tuần qua (từ ngày 15 - 19/4), VN-Index đóng cửa ở mức 1.174,85 điểm, giảm 101,75 điểm, tương ứng 8% so với tuần trước. Đây cũng là tuần giảm giá mạnh nhất kể từ tháng 10/2022 đến nay, đồng thời kết thúc xu hướng tăng kéo dài trong suốt 5 tháng khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng rất lớn. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu nhiệt điện than đã phát huy rất tốt vai trò là nhóm cổ phiếu phòng thủ khi chỉ đi ngang hoặc giảm nhẹ, trong đó HND, PPC giảm chưa tới 1%, QTP giảm sâu hơn là 3%; thanh khoản cải thiện rõ rệt sau thời gian nhóm này không được thị trường chú ý. |