Cách quản trị hàng tồn kho ở những doanh nghiệp hàng đầu

Đầu tháng 6, Tập đoàn Hòa Phát chính thức cán mốc 10 triệu tấn thép cuộn cán nóng trong khi sản lượng bán ra liên tục tăng từ đầu năm đến nay và giá thép cuộn đã tăng thêm 1.000 đồng mỗi tấn. 

Hàng tồn kho của Hoà Phát cũng tăng 24% so với cùng kỳ, cho thấy doanh nghiệp đang chuẩn bị sẵn sàng cho một chu kỳ tăng trưởng mới.

Đáng chú ý, Hòa Phát đã nhanh chóng bán một lượng lớn nguyên vật liệu giá cao và giảm tồn kho nguyên liệu xuống mức kỷ lục, sau đó tận dụng giai đoạn giá nguyên vật liệu như than cốc và quặng thép giảm sâu để nhập vào.

“Việc tranh thủ bán ra lượng lớn tồn kho vật liệu lúc giá cao giúp cải thiện đáng kể biên lợi nhuận của tập đoàn”, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hòa Phát chia sẻ tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 vài tháng trước. 

Và đây là tiền đề để Hoà Phát cải thiện kết quả kinh doanh trong những quý tới.

Báo cáo của Hòa Phát cho thấy hiệu quả rõ rệt từ khả năng quản lý hàng tồn kho của doanh nghiệp. Số dư thành phẩm tăng lên đáng kể, khoảng hơn 3.720 tỷ đồng, phần lớn là thép xây dựng, cho thấy nhu cầu bán hàng tăng lên rõ rệt. 

Số ngày tồn thành phẩm nhích lên 42 ngày trong quý này và tỷ trọng thành phẩm tăng từ 25% lên 29% trong tổng cơ cấu.

Trong khi đó, số dư nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ, sau khi loại trừ gần 6.400 tỷ đồng vật tư phục vụ cho hoạt động xây dựng cơ bản của dự án Dung Quất 2, phần còn lại, bao gồm nguyên vật liệu và công cụ dụng cụ phục vụ cho hoạt động của các nhà máy đang được duy trì ở mức rất ổn định.

Tồn kho nguyên vật liệu vẫn được siết chặt như những quý trước. Số ngày nguyên vật liệu giữ ở mức thấp 62 ngày. Tỷ trọng nhóm tồn kho này trong tổng cơ cấu hạ xuống từ 59% xuống 43%.

Có thể thấy, ngược lại với việc tồn thành phẩm tăng do ảnh hưởng từ yếu tố bên ngoài do cầu tiêu thụ, nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất đang tiếp tục được kiểm soát đặc biệt chặt chẽ phản ánh năng lực quản trị nội tại bên trong của Hòa Phát.

Việc duy trì chính sách thắt chặt mua nguyên vật liệu đã được duy trì nhất quán trong suốt hai năm trở lại đây, trước hết giúp nâng cao khả năng ứng biến của tập đoàn trước biến động về giá nguyên vật liệu, đồng thời làm dịu bớt áp lực vốn lưu động và chi phí vốn vay ngắn hạn.

Quản trị nguyên vật liệu và hàng tồn hiệu quả mang lại lợi ích đặc biệt cho doanh nghiệp, thường thấy ở những doanh nghiệp sản xuất hàng đầu như cải thiện được biên lợi nhuận, gia tăng doanh số và chống chịu được những biến động lớn của thị trường.

Từ đầu năm đến nay, giá vàng có biến động rất mạnh, ảnh hưởng đáng kể đến những doanh nghiệp bán lẻ vàng như PNJ. Tập trung vào lĩnh vực bán lẻ vàng trang sức, việc giá vàng tăng cao đẩy nguyên liệu đầu vào của PNJ tăng mạnh, qua đó ảnh hưởng tới giá bán cũng như khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh năm tháng đầu năm của PNJ cho thấy điều ngược lại. PNJ đạt doanh thu thuần hơn 19,5 nghìn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 1.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 37% và 8,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Sau năm tháng, công ty đã thực hiện được hơn một nửa kế hoạch doanh thu và lợi nhuận của cả năm.

Trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh, mảng bán lẻ trang sức của PNJ vẫn duy trì được tỷ suất lợi nhuận cao. Thông thường, biến động giá vàng có ảnh hưởng vào giá vốn nhưng khi giá biến động mạnh trên 5% như thời gian gần đây, PNJ sẽ điều chỉnh giá bán. Trong tháng 4, doanh nghiệp đã tăng giá bán sản phẩm nhưng doanh số vẫn được bảo đảm.

“Về cơ bản PNJ có khả năng duy trì biên lợi nhuận cả khi giá vàng tăng hoặc giảm tương đối ổn định thông qua điều chỉnh giá bán”, công ty chứng khoán KBSV nhận định.

Nhóm phân tích cho rằng, kinh nghiệm rất lâu năm trong ngành vàng và đặc biệt là hệ thống phân tích dữ liệu hiện đại giúp dự báo tương đối chính xác, hạn chế rủi ro.

Với một hệ thống quản trị tồn kho hiện đại, PNJ có thể tính toán thời điểm mua nguyên vật liệu đầu vào, nhằm tránh mua nhiều khi giá cao, đồng thời phải tìm cách bảo toàn tài sản nếu giá vàng xuống.

Tương tự, quý I năm nay ghi nhận biên lợi nhuận gộp của Vinamilk cải thiện mạnh mẽ, từ mức 38,8% lên mức 41,8% nhờ giá nguyên liệu sữa bột ổn định.

Vinamilk cho biết công ty đã chốt giá sữa bột nguyên kem và sữa bột tách kem nhập khẩu đến quý IV năm nay; nguồn cung trong nước và đóng gói đến tháng 11 - 12/2024.

Công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý I năm nay tăng 15,8% so với cùng kỳ, đạt 2.207 tỷ đồng.

Với hệ thống quản trị nguyên liệu hiệu quả, SSI Research dự báo, biên lợi nhuận gộp quý II/2024 của Vinamilk sẽ tiếp tục cải thiện so với cùng kỳ.

Xem thêm tại theleader.vn