Cần khách quan trước yêu cầu điều tra chống bán phá giá thép cán nóng nhập khẩu
9 doanh nghiệp lo khó tồn tại trên cả "sân nhà" lẫn "sân khách"
Trong buổi gặp mặt các nhà đầu tư tại Khu Liên hợp Gang thép Hòa Phát Dung Quất vào cuối tháng 3/2024, Tổng giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (HPG) Nguyễn Việt Thắng cho biết, doanh nghiệp này cùng Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (Formosa Hà Tĩnh) đã nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam. Theo 2 doanh nghiệp này, đây là động thái bảo vệ các doanh nghiệp và thị trường trong nước, nhất là khi kim ngạch nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào Việt Nam đang gia tăng mạnh và chiếm tỷ lệ lớn.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan và Báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam, trong 2 năm 2022 và 2023 cho đến những tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép vào Việt Nam tăng mạnh về số lượng. Trong đó, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm từ thị trường Trung Quốc, chiếm 62% trị giá nhập khẩu sắt thép các loại và sản phẩm của cả nước.
Tuy vậy, phản ứng trước thông tin này, 9 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam gồm Tập đoàn Hoa Sen (HSG), Thép TVP, Tôn Đông Á, Thép Nam Kim, Tôn Phương Nam, Tôn Pomina, Thép Vina One, Thép Việt Nhật và Kim khí Nam Hưng đã đồng thuận gửi công văn đến các cơ quan chức năng cho rằng, không có căn cứ pháp lý và không phù hợp với diễn biến thị trường khi đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm HRC nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trao đổi về vấn đề này, ông Vũ Văn Thanh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, tổng nhu cầu thép HRC từ 11-13 triệu tấn/năm, nhưng sản lượng của 2 doanh nghiệp tại Việt Nam có khả năng sản xuất được thép HRC là HPG và Formosa Hà Tĩnh chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu, còn lại 8 triệu tấn phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia, không chỉ từ Trung Quốc. Nên nếu giả định thông qua thuế chống bán phá giá, các doanh nghiệp tôn thép phải chịu tác động nghiêm trọng ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu.
Thứ nhất là giá thành thành phẩm tôn mạ tăng lên do phải mua HRC trong nước với giá cao hơn, hiện tại, giá HRC đã cao hơn từ 10-20 USD/tấn có lúc lên đến 40-50 USD/tấn so với giá nhập khẩu. Thứ hai là giá thành cao sẽ khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh về giá khi xuất khẩu. Chẳng hạn như xuất khẩu sang Canada, doanh nghiệp đang phải chịu thuế chống bán phá giá, nếu thêm thuế chống bán phá giá nữa thì một sản phẩm phải chịu 2 lần thuế chống bán phá giá thì sẽ không thể cạnh tranh được, từ đó mất luôn thị trường xuất khẩu. “Sân nhà thì thua, sân khách thì mất, dẫn đến các doanh nghiệp tôn thép Việt Nam không thể tồn tại được, dần đi đến phá sản”, ông Vũ Văn Thanh nhấn mạnh.
Ngoài ra, văn bản kiến nghị của 9 doanh nghiệp thép còn nêu, lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh không phải là điều kiện để đề nghị khởi xướng điều tra chống bán phá giá do không đúng với quy định tại Luật Quản lý ngoại thương. Trái lại, lượng HRC nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng là điều tất yếu vì cung HRC nội địa không đáp ứng đủ nhu cầu.
Bên cạnh đó, theo quy luật cung cầu của thị trường, quốc gia nào sản xuất được HRC chất lượng tốt với giá bán hợp lý sẽ xuất khẩu được nhiều HRC hơn các quốc gia khác. Trong năm 2023, HRC do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất có chất lượng tốt, giá bán hợp lý nên lượng nhập khẩu HRC từ Trung Quốc tăng nhiều hơn so với nhập khẩu HRC từ các quốc gia khác là hoàn toàn phù hợp với quy luật cung cầu của thị trường.
Cần minh bạch và khách quan
Liên quan đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS Vũ Đình Ánh cho rằng, việc áp thuế chống bán phá giá một mặt hàng không phải câu chuyện đơn giản mà cần có minh chứng cụ thể cũng như phải làm rõ câu chuyện nếu áp thuế thì áp bao nhiêu và áp trong bao lâu, nhằm mục tiêu gì…
Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, việc 2 doanh nghiệp nộp đơn lên Bộ Công Thương đề nghị khởi xướng chống bán giá là có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, việc quyết định áp thuế hay không còn phải dựa trên sự hợp lý cho cả doanh nghiệp nộp đơn và mục tiêu bảo vệ thị trường bởi khi áp dụng các biện pháp bảo hộ thì sẽ có những tác dụng phụ là ảnh hưởng đến người tiêu dùng cũng như thị trường xây dựng, bất động sản... trong nước.
Liên quan đến vấn đề này, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Bộ Công Thương đang tiến hành thẩm định tính đầy đủ hợp lệ của hồ sơ yêu cầu. Cục đang yêu cầu các doanh nghiệp bổ sung thêm hồ sơ để đảm bảo tính hợp lệ. Theo đại diện Bộ Công Thương, căn cứ theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương, trong trường hợp doanh nghiệp nhận thấy có dấu hiệu về hành vi bán phá giá của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam gây ra thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước, đại diện ngành sản xuất trong nước có thể nộp hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá.
Vị này cũng nêu, trên cơ sở các ý kiến, bằng chứng của tất cả các bên liên quan và đảm bảo quyền lợi, lợi ích hợp pháp chính đáng của các doanh nghiệp trong vụ việc này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành thẩm định chi tiết hồ sơ theo đúng quy định của pháp luật để báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định điều tra hoặc không điều tra. Quy trình điều tra và xử lý vụ việc sẽ được tiến hành công khai, minh bạch, khách quan.
Xem thêm tại haiquanonline.com.vn