Cần làm gì để giảm bớt áp lực tỷ giá?

Trong những tuần gần đây, tỷ giá tại ngân hàng thương mại và tỷ giá tự do đều đã lập đỉnh. Nguyên nhân là do đồng USD mạnh lên khi nền kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến hạ lãi suất chậm hơn, xuất nhập khẩu tăng và một yếu tố nữa đó là hiện tượng đầu cơ khi chênh lệch tỷ giá đồng USD/VND giữa ngân hàng và "chợ đen" tăng.

Trong bối cảnh tỷ giá trên thị trường tăng mạnh, gần đây, NHNN phát hành tín phiếu nhằm hạ nhiệt tỷ giá. Tính đến cuối tuần qua (ngày 15/3), nhà quản lý đã có 5 phiên hút ròng tín phiếu trên kênh thị trường mở, với tổng khối lượng đạt 75.000 tỷ đồng.

-3044-1710910542.jpg

Tỷ giá chịu áp lực trong những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, hiện nay, tỷ giá tại các ngân hàng vẫn đang duy trì quanh mức đỉnh lịch sử. Tỷ giá trên thị trường tự do dù đã giảm so với kỷ lục nhưng vẫn đang duy trì tương đối cao. Đồng thời, NHNN cũng đã đưa tỷ giá trung tâm lên sát mốc 24.000 VND/USD.

Theo ghi nhận của VnBusiness, chốt phiên giao dịch tuần qua, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng tăng 0,3%, kết phiên 15/3 niêm yết 24.722 đồng/USD - tăng 1,9% so với cuối năm 2023.

Các chuyên gia đánh giá, động thái phát hành tín phiếu của nhà quản lý nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn, phát hành tín phiếu nhằm ổn định tâm lý và thu hẹp chênh lệch lãi suất USD và VND, hạn chế xu hướng đầu cơ.

Theo ông Trần Thăng Long, Giám đốc Trung tâm Phân tích nghiên cứu chứng khoán BIDV (BSC), phát hành tín phiếu trong ngắn hạn nhằm điều tiết thanh khoản trên thị trường, hạn chế hiện tượng đầu cơ ngoại tệ. Còn trong dài hạn sẽ góp phần ổn định tỷ giá, lãi suất, thanh khoản... để phục vụ cho mục tiêu của chính sách tiền tệ.

Nhìn lại động thái hút ròng tín phiếu trong năm ngoái, kể từ ngày 21/9 - 8/11/2023, NHNN đã hút ròng 194.649 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, tỷ giá cũng giảm 0,29% và tiếp tục duy trì đà đi xuống đến cuối tháng 11/2023.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng trong năm nay, áp lực trên thị trường quốc tế vẫn khá mạnh, khả năng chống đỡ hay không vẫn khó đoán định. Bởi năm ngoái, kinh tế tăng trưởng chậm, nhu cầu nhập khẩu tư liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng giảm làm tăng xuất siêu, tức là tăng nguồn cung USD. Còn năm nay, dự báo các hoạt động kinh tế và tiêu dùng sẽ sôi động hơn, kéo theo nhu cầu nhập khẩu tăng và khả năng xuất siêu giảm, khiến nhu cầu ngoại tệ tăng cao,

Nhiều chuyên gia lên tiếng lo ngại tỷ giá hiện chủ yếu căng thẳng ở thị trường "chợ đen" nhưng nếu không kiểm soát tốt thì việc "lách luật" tuồn USD ngân hàng ra "chợ đen" giống giai đoạn giữa năm 2022 sẽ để lại những hệ luỵ không nhỏ. Sự căng thẳng sẽ không chỉ ở thị trường "chợ đen" mà trong chính hệ thống ngân hàng.

Trong báo cáo vừa công bố, đội ngũ phân tích của SSI Research cho rằng NHNN có thể phải thực hiện các biện pháp mạnh mẽ hơn, bao gồm cân nhắc tăng kỳ hạn tín phiếu hay thanh tra việc mua bán ngoại tệ ở các ngân hàng thương mại.

Thanh Hoa

Xem thêm tại vnbusiness.vn