CASA chảy vào ‘Sinh lời tự động’ tại Techcombank tăng trưởng gấp 4 lần, cán mốc 38.000 tỷ đồng

Lợi nhuận ổn định, thu phí bảo hiểm phục hồi mạnh mẽ

Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, mã: TCB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý I/2025 với lợi nhuận trước thuế đạt 7.236 tỷ đồng, ghi nhận nhiều điểm sáng về hiệu quả hoạt động và khả năng thích ứng với thị trường.

Trong ba tháng đầu năm, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của Techcombank đạt 11.610 tỷ đồng, giảm 5,3% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần – nguồn thu cốt lõi – đạt 8.305 tỷ đồng, chỉ giảm nhẹ 2,3%, cho thấy biên lãi thuần (NIM) vẫn duy trì ở mức ổn định giữa bối cảnh tín dụng tăng chậm.

Thu từ dịch vụ (NFI) đạt 1.828 tỷ đồng, giảm 4,9% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nhiều mảng dịch vụ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng: phí bảo hiểm đạt 211 tỷ đồng, tăng 26,7%; phí ngân hàng đầu tư tăng 44,4%; phí dịch vụ ngoại hối tăng 50,5%.

Đặc biệt, sau khi chấm dứt hợp đồng phân phối độc quyền với Manulife vào cuối năm 2024, mảng banca đã phục hồi mạnh, với phí bảo hiểm quy năm (APE) đứng thứ ba toàn ngành và doanh thu tăng vọt tới 1.781% so với quý trước đó.

Ở các mảng kinh doanh ngoài lãi, Techcombank ghi nhận nhiều biến động trái chiều. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh ngoại hối và vàng đạt 455 tỷ đồng, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm trước, phản ánh phần nào sự trầm lắng trong nhu cầu giao dịch và biến động tỷ giá ổn định hơn so với cùng kỳ.

Trong khi đó, mảng mua bán chứng khoán kinh doanh có sự cải thiện rõ rệt, chuyển từ mức lỗ 23 tỷ đồng cùng kỳ sang ghi nhận lãi 178 tỷ đồng trong quý I/2025. Ngược lại, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán giảm mạnh 58,1%, xuống còn 450 tỷ đồng, phần nào cho thấy sự thận trọng hơn trong chiến lược đầu tư tài sản của ngân hàng trong bối cảnh thị trường tài chính biến động.

Hoạt động khác mang về khoản lãi hơn 394 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 3 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ thu nhập cao hơn từ các công cụ tài chính phái sinh và khoản thu hồi nợ đã xử lý rủi ro, trong khi chi phí liên quan giảm đáng kể.

Sau khi trừ chi phí hoạt động (3.284 tỷ đồng) và trích lập dự phòng tín dụng (1.090 tỷ đồng), Techcombank ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 6.013 tỷ đồng.

CASA chảy vào ‘Sinh lời tự động’ tại Techcombank tăng trưởng gấp 4 lần, cán mốc 38.000 tỷ đồng
Nguồn: Techcombank

CASA bứt tốc nhờ “Sinh lời tự động 2.0”, mở rộng xu hướng cạnh tranh trong ngành

Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng tài sản của Techcombank đạt 989.200 tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ tín dụng đạt 665.300 tỷ đồng, tăng 3,84%. Đặc biệt, tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tiếp tục duy trì ở mức cao 39,4%, nhờ sự đóng góp nổi bật của sản phẩm “Sinh lời tự động” và phiên bản nâng cấp 2.0.

Tiền gửi khách hàng tại Techcombank đạt 569.900 tỷ đồng, tăng 21,9% so với cùng kỳ. Riêng ở phân khúc khách hàng cá nhân, số dư CASA – bao gồm cả phần đã kích hoạt tính năng “Sinh lời tự động” – đạt 151.800 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 118.300 tỷ đồng trong quý I/2024.

Đáng chú ý, bà Bùi Thị Thu Thủy – Giám đốc Cao cấp Khối Tài chính Kế hoạch – cho biết số dư CASA chuyển vào tài khoản “Sinh lời tự động” đã tăng từ 10.000 tỷ đồng trong quý I/2024 lên 38.000 tỷ đồng trong quý I/2025, tương đương mức tăng hơn 300%.

Sự tăng trưởng này cho thấy hiệu quả rõ nét từ chiến lược số hóa và cá nhân hóa dịch vụ ngân hàng của Techcombank, đặc biệt là việc ứng dụng dữ liệu lớn (Big Data) và tích hợp trải nghiệm liền mạch trên ứng dụng Techcombank Mobile.

Techcombank Sinh lời tự động 2.0 cho phép toàn bộ số dư trong tài khoản thanh toán sinh lời tối đa 4%/năm, không giới hạn kỳ hạn hoặc số dư tối thiểu. Khách hàng có thể theo dõi lãi tích lũy theo ngày và được trả lãi hàng tháng – tính năng được đánh giá cao trong việc tối ưu hóa giá trị dòng tiền nhàn rỗi.

CASA chảy vào ‘Sinh lời tự động’ tại Techcombank tăng trưởng gấp 4 lần, cán mốc 38.000 tỷ đồng
Nguồn: Techcombank

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ Techcombank, gần 3 triệu khách hàng đã kích hoạt tính năng này, góp phần tối ưu hóa gần 80.000 tỷ đồng dòng tiền nhàn rỗi trong hệ thống. Ông nhận định đây là “cuộc cách mạng ngân hàng” nhằm đưa giá trị dịch vụ sát nhu cầu người dùng hơn thay vì đẩy sản phẩm đơn thuần như trước.

Xu hướng này cũng đang lan rộng trong ngành. Theo khảo sát của McKinsey năm 2024, 80% người dùng Gen Z tại Đông Nam Á mong muốn một nền tảng ngân hàng tích hợp thanh toán, đầu tư và tiết kiệm trong một hệ sinh thái số hóa. Tại Việt Nam, khảo sát của NielsenIQ quý III/2024 cho thấy 83% người tiêu dùng có thói quen tiết kiệm và 75% giữ một khoản tiền thường trực trong tài khoản để đảm bảo thanh khoản – lần lượt tăng 6% và 12% so với năm 2023.

Trên thế giới, các mô hình tương tự đã được triển khai hiệu quả như “Multiplier Account” của DBS Bank (Singapore) hay các giải pháp tài chính tích hợp của KaKao (Hàn Quốc) và Alibaba (Trung Quốc).

Tại Việt Nam, sau Techcombank, nhiều ngân hàng cũng đã gia nhập cuộc đua này, trong đó có VPBank với sản phẩm eKash – một hình thức hợp đồng vay tài sản định kỳ từ tài khoản thanh toán, cho phép khách hàng nhận lãi suất cố định 3,5%/năm.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản Toàn cầu – đánh giá đây là bước đi chiến lược nhằm tăng CASA mà không cần đẩy lãi suất lên quá cao, đồng thời gia tăng lựa chọn tài chính linh hoạt cho người dân. Ông cũng gợi ý mô hình “Money Market Account” như ở Hoa Kỳ – cho phép tiền gửi không kỳ hạn với số lần rút giới hạn mỗi tháng – có thể là hướng đi tiếp theo để đa dạng hóa sản phẩm và thu hút nguồn vốn trung dài hạn.

Tỷ lệ nợ xấu (NPL) tại ngày 31/3/2025 đạt 1,23%, tăng nhẹ so với mức 1,17% cuối năm 2024 nhưng vẫn trong ngưỡng an toàn. Nếu tính cả dư nợ trái phiếu doanh nghiệp, tỷ lệ tín dụng xấu chỉ là 1,16%.

Tại Đại hội đồng cổ đông sắp tới, Techcombank sẽ trình kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng với mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2025 đạt 31.500 tỷ đồng, tăng 14,4%; dư nợ tín dụng dự kiến đạt 745.738 tỷ đồng, tăng 16,4%; tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 1,5%.

Bên cạnh định hướng tăng trưởng ổn định, Techcombank cũng tiên phong trong chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm tài chính thông minh. Sinh lời tự động đang trở thành một xu hướng mới trong ngành ngân hàng, khi nhiều tổ chức tài chính trong và ngoài nước bắt đầu chạy đua đưa dòng tiền nhàn rỗi “tự động sinh lời” – một chiến lược mà Techcombank đang dẫn đầu.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn