Chiếc hộp bí ẩn trong ĐHCĐ của Masan: Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sắp có sản phẩm 'bom tấn'?

Sáng ngày 25/5, CTCP Tập đoàn Masan (Masan Group, mã chứng khoán MSN), CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer, mã chứng khoán MCH) và CTCP Masan MeatLife (mã chứng khoán MML) đồng tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025.

Chiếc hộp bí ẩn trong ĐHCĐ của Masan: Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sắp có sản phẩm 'bom tấn'?- Ảnh 1.

Masan Group đặt kế hoạch LNST tối đa 6.500 tỷ đồng, bỏ giới hạn room ngoại

Masan Group lên kế hoạch kinh doanh năm 2025 với doanh thu thuần từ 80.500 tỷ đồng - 85.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế TNDN đặt kế hoạch từ 4.875 tỷ đồng - 6.500 tỷ đồng, tăng trưởng từ 14% đến 52%.

Tập đoàn không chia cổ tức năm 2024.

Phương án phát hành cổ phần mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) với số lượng tối đa 0,5% số cổ phần đang lưu hành của công ty, giá 10.000 đồng/cp. Thời điểm dự kiến trong năm 2025 hoặc 4 tháng đầu năm 2026.

Masan Group trình cổ đông thông qua tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài và sửa đổi điều lệ tương ứng. Cụ thể, Masan muốn "hủy bỏ khoản 11 điều 5 điều lệ công ty, phần quy định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Công ty". Hiện tại, khoản 11 điều 5 này quy định "tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Công ty là 49% vốn điều lệ của Công ty".

Ngoài ra, Masan cũng muốn thông qua việc "xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Công ty theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 1 điều 139 Nghị định 155/2020/ND-CP".

Điều 139 này xác định tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại công ty đại chúng theo điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, quy định về ngành nghề hạn chế. Trong đó điểm d quy định rằng "Công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định tại điểm a, b, c khoản 1 Điều này, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế ".

Hiện tại, Masan đang đặt mức room ngoại là 49% và khối ngoại đang sở hữu gần 30% tại Masan.

Masan Consumer dự kiến trả cổ tức năm 2025 tỷ lệ 60%

Masan Consumer tiếp tục duy trì tăng trưởng doanh thu hai chữ số từ 10% đến 15%, nâng tổng doanh thu lên mức 33.500 tỷ đồng - 35.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế từ 7.300 - 7.800 tỷ đồng.

3 chiến lược chính của công ty này để đạt mức tăng trưởng trên là

(1) Cao cấp hóa, đặc biệt trong ngành Gia vị và Thực phẩm tiện lợi: Năm 2024, chiến lược cao cấp hóa đã giúp ngành Thực phẩm tiện tăng trưởng 8,4% và ngành Gia vị tăng trưởng 7,2%;

(2) Đổi mới và mở rộng danh mục trong ngành đồ uống và chăm sóc cá nhân và gia đình: Năm 2024, ngành hàng Đồ uống ghi nhận mức tăng trưởng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu trà BupNon Tea365 là 106 tỷ đồng trong quý 4/2024, tăng 188,7% so với cùng kỳ năm trước. Thương hiệu Chanté trong ngành hàng chăm sóc cá nhân và gia đình đạt doanh thu 157 tỷ đồng trong quý 4/2024, tăng 24,1%.

(3) Go Global: MCH đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ các thị trường quốc tế ít nhất 20% trong năm 2025. Các thị trường chính mà MCH hướng đến bao gồm Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và EU, với trọng tâm vào các sản phẩm gia vị, thực phẩm tiện lợi và cà phê hòa tan.

Masan Consumer trình kế hoạch trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt với tỷ lệ 95%, tương đương số tiền 6.884 tỷ đồng. Công ty đã thực hiện chi trả số tiền này trong năm.

Kế hoạch cổ tức năm 2025 là tỷ lệ 60% bằng tiền mặt, tương ứng 6.000 đồng/cp.

Masan Consumer trình kế hoạch phát hành ESOP tương tự Masan Group.

Masan MeatLife dự kiến doanh thu tăng trưởng tối đa 14%

CTCP Masan MeatLife dự kiến đạt doanh thu từ 8.250 tỷ đồng đến 8.750 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng từ 8% đến 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế từ 25-205 tỷ đồng.

Công ty dự kiến không chia cổ tức và có kế hoạch phát hành ESOP với số lượng tối đa 3,5% số cổ phần đang lưu hành, giá 10.000 đồng/cp. ESOP dự kiến phát hành trong năm 2025 hoặc 4 tháng đầu năm 2026.

Một số thành viên chưa niêm yết của Masan như WinCommerce - đơn vị điều hành chuỗi bán WinMart, WinMart+ và Masan High-Tech Materials dự kiến đạt doanh thu thuần từ 35.600 tỷ đồng đến 36.900 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng từ 8% đến 12% so với cùng kỳ năm trước và đạt lợi nhuận sau thuế dương cả năm.

Phúc Long Heritage đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu từ 1.910 tỷ đồng đến 2.200 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 18% đến 36% so với cùng kỳ năm trước.

Trong lúc chờ Đại hội bắt đầu, Ban tổ chức đưa ra một chiếc hộp "bí ẩn" và thông báo chỉ mở khi có thông báo của Ban tổ chức. Đây hứa hẹn là một sản phẩm mới, khi đại hội cổ đông năm nào cũng là dịp Masan giới thiệu sản phẩm "bom tấn".

Chiếc hộp bí ẩn trong ĐHCĐ của Masan: Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang sắp có sản phẩm 'bom tấn'?- Ảnh 2.

Xem thêm tại cafef.vn