Chiến lược thị trường: Xu hướng điều chỉnh sẽ tiếp tục diễn ra, vùng 1.200 điểm có thể hồi kỹ thuật

Các thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt giảm điểm trong tuần vừa qua khi nhà đầu tư lo ngại về lộ trình lãi suất của Fed. Đà tăng của chứng khoán Mỹ đã suy yếu hậu bầu cử và chỉ số S&P 500 đã trả lại một phần hai mức tăng từ ngày bầu cử cho tới mức cao kỷ lục hôm 11/11. Trái ngược với thị trường Mỹ, phần còn lại của thế giới đang thoái lui. Sự phân hóa rõ rệt giữa tài sản của Mỹ và bên ngoài Mỹ đã trở nên rõ rệt hơn khi nội các của chính quyền Tổng thống Trump bắt đầu hình thành.

Thị trường trong nước có tuần giảm mạnh nhất hơn 4 tháng qua, chốt tuần ở mức 1.218,57 điểm, giảm -33,99 điểm, tương đương lùi -2,71% so với tuần trước. Đây cũng là tuần giảm thứ 2 liên tiếp trong chuỗi giảm 4/5 tuần vừa qua. Thanh khoản bình quân toàn thị trường tuần vừa qua đạt 18.640 tỷ đồng, tăng 24,6% so với tuần trước đó, ghi nhận mức cao nhất 6 tuần vừa qua. Theo thống kê, thanh khoản kể từ đầu tháng 11 đạt 16.740 tỷ đồng, giảm -5,8% so với tháng 10 và sụt -13,2% so với cùng kỳ. Lũy kế từ đầu năm đạt 22.024 tỷ đồng, tăng 25,7% so với năm 2023.

Nhận định về chiến lược thị trường, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Công ty cổ phần chứng khoán VnDirect cho rằng đà tăng của DXY và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã gây sức ép lên tỷ giá VND và khiến cho dư địa chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước bị thu hẹp đáng kể.

Việc tỷ giá trung tâm liên tục được điều chỉnh tăng trong tuần qua và tỷ giá liên ngân hàng gần quay lại mức đỉnh hồi giữa năm cộng với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng tăng trở lại vượt mốc 5% đã tác động xấu tới tâm lý của giới đầu tư cũng như diễn biến của nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, thép vốn có độ nhạy cao với biến động tỷ giá và lãi suất.

Đà bán ròng của khối ngoại tập trung ở những mã bluechips cũng làm gia tăng áp lực lên các chỉ số chứng khoán. Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ đủ mạnh và chưa có dấu hiệu cho thấy mặt bằng lãi suất liên ngân hàng và tỷ giá hạ nhiệt một cách bền vững, nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro danh mục ở thời điểm này.

Đối với những nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng danh mục cao hoặc đang dùng đòn bẩy ký quỹ, cần tận dụng các nhịp phục hồi kỹ thuật để hạ bớt tỷ trọng. Đối với những nhà đầu tư có tỷ trọng thấp hoặc giao dịch ngắn hạn, nên hạn chế việc “bắt đáy” khi thị trường chưa xác nhận điểm đảo chiều.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc khối nghiên cứu của Chứng khoán MBS cho rằng tuần điều chỉnh mạnh hơn 4 tháng vừa qua của chỉ số Vn-Index đang được gán với câu chuyện tỷ giá USD/VND. Chỉ số Dollar (DXY) tăng lên mức cao nhất hơn 1 năm qua khiến tỷ giá USD/VND có thời điểm vượt ngưỡng 25.500 đồng trong tuần vừa qua.

Mặc những nỗ lực bơm ròng của Ngân hàng Nhà nước, lãi suất liên ngân hàng vẫn tiếp tục neo cao trong tuần, phát tín hiệu về thiếu hụt thanh khoản. Cụ thể, lãi suất qua đêm đã vượt trần, tăng lên mức 5,2% vào cuối tuần vừa qua. Các kỳ hạn dưới 1 tháng cũng tăng mạnh chạm trần ở mức 5%. Trong khi lãi suất kỳ hạn dài 6 tháng tăng lên ở mức 4,8%.

Ở giai đoạn cuối tháng 4 và tháng 7 vừa qua, mức điều chỉnh hơn 9% của thị trường cũng có tác động từ yếu tố tỷ giá. Thời điểm hiện tại, thị trường đang có phần bi quan hơn khi chỉ số Vn-Index đã để mất ngưỡng kỹ thuật quan trọng MA200 ngày, bên cạnh đó đang cảm thấy ít nhiều lo lắng sau những phát biểu gần đây về lãi suất của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell, xác suất Fed cắt giảm lãi suất 0,25% ngày 18/12 đã giảm từ 80% xuống dưới 60%, khả năng Fed không hạ lãi suất trong lần họp này đã tăng lên mức hơn 40%.

Nhìn chung, thời điểm hiện tại đang hội tụ các yếu tố khiến tâm lý nhà đầu tư bi quan. Tuy vậy, sau nỗi lo về chiến tranh thương mại gây áp lực lên tài sản của Trung Quốc, châu Âu và các thị trường mới nổi, các nhà quản lý tài sản đang săn lùng những món hời ở những thị trường mà sự bi quan có thể đã bị phản ánh thái quá.

Nhịp điều chỉnh từ đỉnh tháng 10, chỉ số Vn-Index để mất gần 6% (theo giá đóng cửa), nhưng một số nhóm cổ phiếu đã có mức chiết khấu sâu từ 12% đến 15% như: Chứn khoán (-14,2%), dầu khí (-12,8%), …

Về kỹ thuật, chỉ số Vn-Index đã để mất các ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật quan trong như MA200 ngày (1.255 điểm) và MA200 tuần (1.230 điểm), do vậy vùng hỗ trợ hiện tại cho chỉ số này ở vùng 1.180 điểm. Đây là biên dưới của vùng dao động kéo dài 7 tháng qua (1.180 – 1.300 điểm) sau nhịp tăng kể từ tháng 11/2023 đến cuối tháng 3/2024.

Kịch bản thị trường tiếp tục điều chỉnh có thể diễn ra trong tuần này, tuy vậy vùng hỗ trợ tâm lý 1.200 điểm có thể xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật. Cơ hội đầu tư đối với các nhóm cổ phiếu như: Bất động sản Khu công nghiệp, Logistics, xuất khẩu (dệt may, thủy sản, gỗ), Viettel, Chứng khoán, Hóa chất, Dầu khí, Thép, …

Xem thêm tại vneconomy.vn