Chính sách thuế quan làm 'nóng' mùa ĐHĐCĐ ngành ngân hàng

Không quá lo ngại trước cú sốc thuế quan

Tại mùa Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, bên cạnh các nội dung quen thuộc như tăng vốn điều lệ, chia cổ tức hay tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài, một trong những chủ đề nổi bật được cổ đông đặc biệt quan tâm là mức độ sẵn sàng của các ngân hàng trước rủi ro từ cú sốc thuế quan.

Trả lời câu hỏi của cổ đông trong phiên đại hội sáng 24/4, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho biết, ngân hàng hiện có khoảng 10.800 tỷ đồng dư nợ liên quan đến nhóm khách hàng hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Mỹ. Tuy nhiên, theo đại diện TPBank, các khoản vay này không gây nhiều lo ngại bởi doanh thu từ xuất nhập khẩu chỉ chiếm dưới 20% tổng doanh thu của các doanh nghiệp liên quan.

Đối với nhóm khách hàng là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ông Hưng cho biết, TPBank chủ yếu cung cấp các dịch vụ thanh toán, giao dịch ngoại tệ và một số dịch vụ tài chính khác, trong khi phần lớn các doanh nghiệp FDI có xu hướng vay vốn từ các ngân hàng thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ mà họ có liên kết đầu tư, như Hàn Quốc hay Đài Loan (Trung Quốc). Do đó, trường hợp này cũng không gây ảnh hưởng đến TPBank.

Các ngân hàng không quá lo ngại trước tác động của cú sốc thuế quan.

Không riêng TPBank, lãnh đạo của nhiều ngân hàng khác cũng bày tỏ quan điểm thận trọng nhưng vẫn tự tin trước nguy cơ từ các chính sách thuế quan.

Tổng Giám đốc HDBank, ông Phạm Quốc Thanh cho biết, danh mục dư nợ liên quan trực tiếp đến hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Mỹ hiện chiếm chưa đến 1,5% tổng dư nợ của ngân hàng. Với tỷ trọng nhỏ như vậy, ông Thanh nhận định mức độ ảnh hưởng trực tiếp là không đáng kể.

Về phía SHB, Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển cho hay, ngân hàng đã tiến hành rà soát toàn bộ danh mục tín dụng, đặc biệt tập trung vào nhóm khách hàng xuất khẩu – đối tượng được đánh giá có khả năng chịu tác động rõ rệt trước những biến động của chính sách thuế quan. Tuy nhiên, tỷ trọng ảnh hưởng được đánh giá là không quá lớn, ông Hiển cho biết.

Trước đó, Chứng khoán VCBS nhận định, ngành ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều trước cơn bão thuế quan của Tổng thống Mỹ bởi đây là ngành cung ứng vốn chủ lực cho nền kinh tế. Ngân hàng là ngành chịu ảnh hưởng gián tiếp khi thu nhập các doanh nghiệp liên quan giảm sút ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ cũng như nhu cầu tín dụng.

Tuy nhiên, các chuyên gia VCBS cũng cho rằng tác động của cơn bão thuế quan lên ngành ngân hàng không quá lớn do tổng dư nợ cho vay xuất khẩu chỉ chiếm trên 5% dư nợ toàn hệ thống, dư nợ FDI chiếm khoảng 2%.

Chủ động xây dựng lá chắn ứng phó với cú sốc thuế quan

Mặc dù tự tin song các ngân hàng vẫn chủ động xây dựng lá chắn ứng phó với cú sốc thuế quan và thương mại. Chủ tịch HĐQT PGBank, ông Phạm Mạnh Thắng cho biết, ngân hàng đã chủ động xây dựng các kịch bản ứng phó với các rủi ro từ chiến tranh thương mại, đặc biệt là những biến động xuất phát từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.

Đại diện PGBank nhận định, chính sách thuế đối ứng của chính quyền Tổng thống Trump không chỉ tác động đến Mỹ mà còn ảnh hưởng đến nhiều nước khác. Cùng với đó, căng thẳng thương mại và những đòn đáp trả thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế Việt Nam. Với vị thế là một quốc gia vừa xuất khẩu sang Trung Quốc vừa phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ thị trường này, bất kỳ cú sốc nào từ Trung Quốc cũng để lại dư chấn mạnh hơn so với từ Mỹ.

Trước thực tế đó, PGBank đã nhanh chóng tổ chức các phiên họp nội bộ để cùng khách hàng đánh giá rủi ro, xây dựng cơ chế phối hợp nhằm ứng phó với việc bị áp thuế hoặc gặp gián đoạn thanh toán. Các biện pháp cụ thể được triển khai bao gồm: điều chỉnh chính sách ngoại tệ, cải tiến các nghiệp vụ thanh toán, hỗ trợ chuyển đổi thị trường và xây dựng chương trình tiết giảm chi phí, hỗ trợ lãi suất cho khách hàng bị ảnh hưởng. Đồng thời, ngân hàng cũng đang hoàn thiện hệ thống kiểm soát và quản trị rủi ro, không chỉ để phản ứng nhanh chóng mà còn giúp phòng ngừa trước các tình huống bất ngờ có thể phát sinh.

Các ngân hàng đã chủ động lên kế hoạch đối phó với cú sốc thuế quan.

Phía HDBank cũng đã chủ động rà soát toàn bộ danh mục khách hàng có khả năng chịu ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan, từ mức độ cao, trung bình đến không đáng kể.

Theo Tổng giám đốc HDBank Phạm Quốc Thanh, sau khi có những đánh giá ban đầu, ngân hàng đã xây dựng các chính sách vừa quản trị rủi ro tốt hơn vừa hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng, đồng thời điều chỉnh cấu trúc tài trợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, “với room tín dụng được cấp cao trong năm 2025, HDBank có thêm dư địa để mở rộng tài trợ đối với các dự án sản xuất – kinh doanh trong nước, cũng như tăng cường cho vay tiêu dùng. Đây được xem là chiến lược giúp đa dạng hóa danh mục đầu tư và giảm thiểu phụ thuộc vào nhóm khách hàng có rủi ro cao từ thị trường Mỹ, tạo thế cân bằng để ứng phó tốt hơn trước các bất ổn vĩ mô toàn cầu”, ông Thanh nói.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB cho biết, ngân hàng đã có những bước đi chủ động trong việc xây dựng các kịch bản ứng phó trước các cú sốc thuế quan có thể xảy ra.

Đáng chú ý, ông Hiển tiết lộ đã trực tiếp làm việc với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cách đây một tuần nhằm trao đổi sâu về nhiều lĩnh vực hợp tác giữa hai quốc gia, trong đó có tài chính -ngân hàng và các hoạt động của Tập đoàn T&T.

“Hai bên đã tìm được tiếng nói chung trên tinh thần hợp tác cùng có lợi. SHB không chỉ chú trọng đến việc đảm bảo hoạt động của ngân hàng mà còn cam kết đồng hành cùng khách hàng vượt qua các biến động khó lường của thị trường”, ông Hiển nhấn mạnh.

Về phía TPBank, đại diện ngân hàng cho biết đã tiến hành rà soát cẩn trọng các khoản tín dụng mới, đặc biệt là với những doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ, như thuỷ sản – mặt hàng có thể chịu rủi ro cao từ chính sách thuế mới.

“Hiện chỉ có khoảng 2–3 doanh nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rơi vào diện này, và chúng tôi đã có phương án cụ thể để đồng hành, hỗ trợ họ cơ cấu lại sản xuất nếu cần thiết", đại diện TPBank chia sẻ.

Xem thêm tại vietnamfinance.vn