Ông Đỗ Minh Phú: TPBank sẽ thay đổi toàn diện, sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận với khách hàng ảnh hưởng bởi thuế quan
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên sáng 24/4, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank chia sẻ, năm 2025 sẽ là một năm rất thách thức với ngành ngân hàng và TPBank cũng không ngoại lệ.
Ngay từ đầu năm, TPBank đã đặt mục tiêu đổi mới toàn diện về tổ chức, quy trình. Ngay cả lĩnh vực nền tảng đã rất thắng lợi của TPBank là ngân hàng số cũng cần tiếp tục đổi mới để thích ứng và vươn lên trong bối cảnh đầy biến động.
Theo tờ trình tại Đại hội, TPBank sẽ thay đổi về cơ cấu tổ chức, giải thể Khối Xử lý và thu hồi nợ sát nhập vào Khối Pháp chế và Khối Giám sát tín dụng và phân luồng xử lý nợ. Bên cạnh đó, ngân hàng sẽ tinh giảm đầu mối nhân sự các cấp trung gian, nâng cao năng suất, tối ưu định biên tăng cường lực lượng bán hàng và giảm nhân sự gián tiếp nhờ ứng dụng công nghệ và cải tiến quy trình.
Ngân hàng này cũng cho biết sẽ tiếp tục kiểm soát định biên nhân sự toàn hàng, tập trung uu tiên cho các đơn vị kinh doanh và các dự án trọng điểm; rà soát các đơn vị có năng suất thấp, xử lý các nhân sự yếu kém; tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và văn hóa kỷ luật; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ/chuyển đổi số trong hoạt động đào tạo; nâng cao năng suất lao động và chất lượng ứng viên đầu vào.
Trước đó, nhờ hiệu quả của chuyển đổi số và tối ưu chi phí vận hành, TPBank đã cải thiện được tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) giảm mạnh từ 41% xuống còn 35%.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc TPBank cho hay, trong năm 2024, TPBank đã bổ sung 500 robot để tự động hóa quy trình nhờ vậy tiết kiệm được thời gian, chi phí, nhân lực. Ban đầu, kế hoạch trong năm 2024 của TPBank là quy mô mô nhân sự có thể đạt 8.200 người, song thực tế nhân sự của ngân hàng chỉ 7.700 người mà vẫn hoàn thành mọi mục tiêu tăng trưởng.
Năm 2025, ngân hàng sẽ tiếp tục đổi mới công nghệ, ứng dụng AI trong hoạt động để đổi mới quy trình, tinh gọn bộ máy. Dự kiến, việc đổi mới quy trình, tinh gọn bộ máy sẽ giúp TPBank tiết giảm thêm 300-500 nhân sự.
Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ mới cũng mở ra nhiều cơ hội kinh doanh cho ngân hàng. Năm 2024, TPBank có khoảng 1,3 tỷ giao dịch trên kênh số, hơn 100 triệu giao dịch mỗi tháng, trên 98% lượng giao dịch tại TPBank diễn ra trên kênh số.

Tổng Giám đốc TPBank - ông Nguyễn Hưng
Hiện nay, kết hợp với thương mại điện tử, kênh số đang mở ra cơ hội và tiềm năng to lớn cho các ngân hàng, ngân hàng nào đi trước sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn. Theo ông Hưng, nếu với mô hình kinh doanh truyền thống, nợ xấu cho vay tiêu dùng ở mức 10% là con số có thể chấp nhận được thì khi cho vay trên kênh số, nợ xấu cho vay tiêu dùng của TPBank chỉ ở trên dưới 2%. Việc sử dụng AI để chấm điểm giúp ngân hàng xử lý được lượng lớn khoản vay cùng lúc.
Lãnh đạo TPBank cũng cho biết sẽ theo sát những diễn biến trên thị trường, đặc biệt là tình hình thương chiến để có kịch bản ứng phó. Hiện tại doanh nghiệp là khách hàng của TPBank chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi thuế quan, thương chiến không nhiều. Tuy nhiên bối cảnh thách thức cũng sẽ ảnh hưởng tới toàn nền kinh tế và gián tiếp tới các khách hàng khác.
Theo ông Đỗ Minh Phú, TPBank có kịch bản để bảo vệ hiệu quả hoạt động của ngân hàng, trong đó giảm bớt chi phí không cần thiết. Nhưng khoản đầu tư chưa cần thiết thì dừng lại. Khi nền kinh tế có biến động bất thường thì người dân cũng có xu hướng tìm đến kênh trú ẩn an toàn nhiều hơn. Chúng tôi sẽ tính đến lãi suất phù hợp để sử dụng nguồn vốn hiệu quả.
"Quyết tâm cao nhất của TPBank là mục tiêu an toàn hệ thống ngân hàng, trước cả mục tiêu lợi nhuận. Chúng tôi sẽ cân bằng điều đó. TPBank sẽ theo dõi sát sao để có kịch bản cụ thể và cổ đông có thể tin tưởng. Chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm trong những giai đoạn khó khăn, từng tái cơ cấu thành công cách đây 13 năm. Chúng tôi cũng sẵn sàng tinh thần chia sẻ lợi nhuận để hỗ trợ. Nếu năm nay chúng ta không đạt lợi nhuận 9.000 tỷ thì cũng mong cổ đông hiểu vì chúng ta sẵn sàng để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn", ông Phú nói.
Xem thêm tại cafef.vn