Chọn cổ phiếu đầu tư khi áp lực tỷ giá tăng

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, tỷ giá vẫn liên tục xô đổ các kỷ lục, và VND đã mất giá 3,0% so với USD.

Áp lực tỷ giá trong ngắn hạn

Nguyên nhân tỷ giá USD/VND tăng gồm: Fed chưa đưa ra thời điểm cụ thể nới lỏng chính sách tiền tệ, chỉ số DXY tăng cao trong các phiên gần đây; tiếp tục tình trạng chênh lệch lãi suất giữa VND và USD trên thị trường liên ngân hàng; giá vàng và crypto (tiền mã hóa) tăng trong thời gian ngắn; nhu cầu nhập khẩu tăng, kết năm tài chính của nhiều doanh nghiệp FDI, dẫn đến nhu cầu ngoại tệ tăng.

-3352-1713171977.jpg

Tỷ giá USD/VND tăng gây nhiều sức ép lên thị trường vốn, trong đó có kênh chứng khoán.

Để ổn định tỷ giá, từ tháng 3/2024, Ngân hàng Nhà nước đã bắt đầu phát hành tín phiếu ngân hàng để rút bớt thanh khoản trên thị trường nhằm hạn chế sự mất giá của tiền đồng. Cơ quan này đã phát hành 6,8 tỷ USD tín phiếu, nâng dần lãi suất liên ngân hàng 1 tháng từ 1,5% lên mức gần 4,0-4,5% nhằm thu hẹp chênh lệch lãi suất USD và VND.

Việc phát hành tín phiếu ngân hàng đã đẩy mặt bằng lãi suất thị trường 2 tăng nhẹ, nhưng biện pháp này thực tế vẫn chưa phát huy được nhiều tác dụng mong muốn.

Và áp lực từ tỷ giá tăng “nóng” đang khiến nhà đầu tư chứng khoán có phần thận trọng hơn, làm cho thanh khoản thị trường “teo tóp” dần, xuống quanh ngưỡng 15.000 tỷ đồng/phiên.

Chưa kể, việc tỷ giá tăng mạnh và hoạt động chốt lời của các nhà đầu tư đã khiến giá trị bán ròng của khối ngoại tăng từ 112 triệu USD trong tháng 2 lên 452 triệu USD trong tháng 3, mức cao nhất kể từ tháng 5/2021.

Chuyên gia của VNDirect dự báo, DXY sẽ tiếp tục duy trì sức mạnh trong những tháng tới, qua đó tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá trong nước. Ngoài ra, giá vàng quốc tế lẫn trong nước vẫn duy trì đà tăng cũng làm tăng thêm áp lực lên tỷ giá.

Dragon Capital cũng cho rằng áp lực tỷ giá vẫn sẽ duy trì trong các tháng tới do quý II là cao điểm của mùa trả cổ tức và sự ngược chiều chính sách của các ngân hàng trung ương với Fed tăng lên ở cuối chu kỳ tăng lãi suất, có thể sẽ khiến cho đồng USD tiếp tục mạnh lên. Trong kịch bản xấu, VND có thể mất giá khoảng 3-3,5% lên mức 25.000- 25.200 đồng/USD. Tuy nhiên, tình hình có thể sẽ được cải thiện, đặc biệt khi khi Fed dự kiến hạ lãi suất vào cuối năm 2024.

Tăng trưởng GDP Việt Nam được dự phóng sẽ tăng 6-6,5% trong năm 2024, mặc dù có những khó khăn trong ngắn hạn. Dragon Capital cho rằng chính sách tiền tệ vẫn sẽ tiếp tục được duy trì nới lỏng, tuy nhiên Ngân hàng Nhà nước sẽ cân bằng hơn trong việc ổn định tỷ giá và lãi suất.

Chứng khoán Rồng Việt cũng kỳ vọng áp lực tỷ giá sẽ hạ nhiệt trong nửa sau của quý II khi Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Nên quan tâm nhóm ngành nào?

Cập nhật về diễn biến tỷ giá, trong báo cáo mới đây, Chứng khoán BSC nhận định tỷ giá USD/VND gây sức ép đến lạm phát và nhà điều hành, gián tiếp ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát và lãi suất. Bên cạnh đó, tỷ giá tăng cũng gây áp lực lên doanh nghiệp vay nợ, thanh toán bằng đồng USD và tác động đến dòng vốn ngoại trên thị trường. Do đó, nhà đầu tư cần theo dõi các nhóm ngành, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ hưởng lợi và cẩn trọng với các nhóm ngành, doanh nghiệp gặp bất lợi khi tỷ giá tăng.

Theo báo cáo, tỷ giá tăng tác động tích cực tới các nhóm ngành xuất khẩu gồm: thủy sản, hóa chất, dầu khí, nhựa, dệt may, gỗ, săm lốp.

Cụ thể, với nhóm thủy sản, các cổ phiếu như VHC, ANV, IDI, FMC, MPC, CMX, ACL sẽ được hưởng lợi khi giá của hầu hết các mặt hàng thủy sản được quote (định giá) và giao dịch theo đồng USD.

Với hóa chất, DGC được dự báo tích cực nhờ doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, nhập khẩu nguyên liệu chiếm tỷ trọng nhỏ hơn.

Nhóm dệt may tiêu biểu là TNG, TCM, STK, HTG, khi thị trường xuất khẩu và khách hàng chính của đại đa phần các doanh nghiệp may mặc là từ Mỹ, tuy nhiên hầu hết các doanh nghiệp đều phải nhập nguyên vật liệu đầu vào từ nước ngoài theo chỉ định của khách hàng nên nhìn chung tác động từ tỷ giá tăng lên kết quả kinh doanh không nhiều.

Nhóm đá thạch anh nhân tạo, đặc biệt là VCS, có thể tích cực nhờ chênh lệch tỷ giá tác động lên doanh thu lớn hơn chi phí lãi vay và nhóm săm lốp với DRC cũng có doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn, nhập khẩu nguyên liệu chiếm tỷ trọng nhỏ hơn.

Nhóm gỗ với đại diện là PTB có phần lớn doanh thu mảng gỗ và đá là xuất khẩu sang Mỹ, Châu Âu và thu về đồng USD, trong khi nguyên liệu đầu vào chủ yếu là tự chủ trong nước nên tỷ giá tăng sẽ tương đối có lợi cho doanh nghiệp.

Trong khi đó, nhóm trung lập gồm sắt thép, gạo, công nghệ thông tin. Nhóm sắt thép, HPG có tỷ trọng xuất khẩu trên tổng sản lượng chỉ ở mức 20%, trong khi 70% nguyên liệu nhập khẩu nên sẽ ảnh hưởng tiêu cực nếu tỷ giá tăng mạnh. HSG và NKG có tỷ trọng xuất khẩu khá cao, nguyên liệu chính (thép HRC) có thể mua từ cả nguồn trong nước và nhập khẩu, sẽ hưởng lợi nếu tỷ giá tăng. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu đang trên đà giảm kể từ tháng 3/2022 do nhu cầu xuất khẩu yếu.

Nhóm công nghệ thông tin: Tỷ giá USD/VND tăng sẽ bù đắp lại tỷ giá JPY/VND giảm, ngoài ra, các khoản vay bằng USD của FPT cũng sẽ được trả trực tiếp bằng đồng USD từ doanh thu tại thị trường Mỹ nên nhìn chung tác động đến kết quả kinh doanh là không nhiều.

Với nhóm tiện ích: REE, PC1, GEG, BCG, giá điện ở các dự án (trừ dự án chuyển tiếp) được neo theo đồng USD đã bù đắp thiệt hại ở các khoản vay bằng đồng USD. Ngược lại, NT2 bị ảnh hưởng tiêu cực khi giá khí đầu vào được tính theo đồng USD do đó sẽ làm tăng chi phí sản xuất điện và giảm tính cạnh tranh với các loại hình năng lượng khác.

Ngược lại, nhóm tiêu cực có phân bón, điển hình là DCM và DPM, do nguyên liệu đầu vào được tính bằng đồng USD, doanh thu xuất khẩu chiếm tỷ trọng nhỏ.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn