Tập đoàn FPT năm 2024: Dấu ấn 'Sếu đầu đàn' nhóm công nghệ thông tin

Tập đoàn FPT năm 2024: Dấu ấn 'Sếu đầu đàn' nhóm công nghệ thông tin

Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, trong năm 2024, giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu lĩnh vực công nghiệp thông tin và truyền thông (ICT) đạt khoảng 1,16 triệu tỷ đồng. Riêng doanh thu công nghệ thông tin (CNTT) đạt 248.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý, giá trị xuất khẩu sản phẩm, hàng hóa phần cứng, công nghiệp CNTT, và điện tử viễn thông trong năm 2024 ước đạt 132.000 tỷ đồng, chiếm 32% tỷ trọng tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của quốc gia.

Đến hết tháng 11/2024, cả nước có tổng cộng hơn 27.600 doanh nghiệp CNTT, điện tử viễn thông, tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,26 triệu người. Trong đó bao gồm 4.500 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm phần cứng (thiết bị máy tính, điện tử viễn thông, thiết bị thông minh); 12.500 doanh nghiệp sản xuất phần mềm; 750 doanh nghiệp sản xuất sản phẩm nội dung số; 9.700 doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ CNTT... Khoảng 1.500 doanh nghiệp công nghệ số có doanh thu từ thị trường nước ngoài.

Khởi nguồn từ gia công phần mềm, các doanh nghiệp Việt Nam đã dần chuyển mình, vươn tới những lĩnh vực sáng tạo và công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn. Những bước tiến này minh chứng rõ rệt cho thế mạnh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trên trường quốc tế.

Sự tích cực của nhóm CNTT được phản ánh ngay trên thị trường chứng khoán. Năm 2024 chứng kiến nhiều biến động do ảnh hưởng từ các yếu tố vĩ mô như lạm phát, tăng trưởng kinh tế chậm lại, và căng thẳng địa chính trị. Dù có giai đoạn phục hồi nhờ kỳ vọng vào chính sách tiền tệ nới lỏng, tâm lý nhà đầu tư vẫn thận trọng trước rủi ro suy thoái kinh tế ở nhiều quốc gia lớn. Trong bối cảnh đó, nhóm cổ phiếu CNTT vẫn tăng trưởng mạnh mẽ.

VN-Index kết phiên ngày 31/12 tại 1.266,78 điểm, tăng 136,85 điểm (+12,11%) so với ngày đầu năm. Có 12/19 nhóm ngành tăng điểm, dẫn đầu bởi nhóm CNTT với mức tăng ấn tượng, đạt 77,02%, gấp 6 lần chỉ số chung và chỉ đứng sau đà tăng phi mã của cổ phiếu viễn thông (+213,6%).

Nguồn: Tổng hợp

Trong bối cảnh đó, Tập đoàn FPT nổi lên như một “Sếu đầu đàn”, dẫn dắt quá trình chuyển đổi số không chỉ trong nước mà còn vươn tầm quốc tế. Là tập đoàn CNTT lớn nhất Việt Nam, FPT đã khẳng định vị thế thông qua các dự án chuyển đổi số quy mô lớn cho nhiều ngành như ngân hàng, sản xuất, giáo dục, và y tế. Trong năm 2024, doanh thu từ các giải pháp công nghệ của FPT tăng trưởng mạnh, đặc biệt ở mảng cung cấp dịch vụ AI và nền tảng điện toán đám mây cho khách hàng quốc tế.

FPT cũng dẫn đầu trong lĩnh vực phát triển nhân lực CNTT. Tập đoàn đã triển khai nhiều chương trình đào tạo nhân tài về AI, dữ liệu lớn, và bảo mật nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng cao. Đây là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam cải thiện vị thế trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Tập đoàn FPT năm 2024: Dấu ấn 'Sếu đầu đàn' nhóm công nghệ thông tin

Kỳ tích chưa từng có đối với cổ phiếu FPT

Trong năm 2024, cổ phiếu FPT tăng 85,03%, trở thành năm có mức tăng trưởng mạnh nhất trong suốt lịch sử niêm yết 18 năm (kể từ ngày lên sàn năm 2006). Con số này vượt mức tăng trưởng chung toàn ngành (+77,02%) và bỏ xa VN-Index (+12,11%). Nhờ đó, vốn hóa của FPT đạt 224.338 tỷ đồng vào ngày 31/12/2024, trở thành doanh nghiệp lớn thứ 4 trên sàn chứng khoán Việt Nam, chỉ xếp sau VCB, VGI, và ACV.

Đây cũng là năm thứ 6 liên tiếp cổ phiếu FPT tăng giá, bất chấp những thách thức lớn. Ngay cả trong năm 2020 khi đại dịch Covid-19 bùng phát, cổ phiếu FPT vẫn tăng 21,3%, và năm 2022 khi thị trường chung lao dốc, FPT vẫn giữ đà tăng nhẹ (+1,3%).

Đáng chú ý, cổ phiếu FPT tiếp tục tăng mạnh dù khối ngoại liên tục bán ròng. Trong giai đoạn này, khối ngoại đã bán ra tổng cộng 45,3 triệu cổ phiếu FPT, tương ứng giá trị 6.096 tỷ đồng.

Các cổ phiếu trong "họ FPT" cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024, bao gồm: FRT (+73,46%) và FOX (+92,1%).

Tập đoàn FPT năm 2024: Dấu ấn 'Sếu đầu đàn' nhóm công nghệ thông tin
Nguồn: Tổng hợp

Kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng

FPT công bố kết quả kinh doanh 11 tháng đầu năm 2024 với doanh thu đạt 56.404 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 10.239 tỷ đồng, lần lượt tăng 19,5% và 19,8% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 7.302 tỷ đồng, tăng 21,1%, tương ứng EPS ở mức 4.995 đồng/cổ phiếu.

Năm 2024, FPT đặt mục tiêu kinh doanh cao kỷ lục, với kế hoạch doanh thu đạt 61.850 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 10.875 tỷ đồng, đều tăng khoảng 18% so với kết quả thực hiện năm 2023. Tính đến hết tháng 11/2024, tập đoàn đã hoàn thành 91% kế hoạch doanh thu và 94% mục tiêu lợi nhuận đề ra.

Nguồn: Tổng hợp

Sự tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của FPT trong năm 2024 là kết quả từ chiến lược phát triển bền vững, tập trung vào 3 mảng kinh doanh cốt lõi: công nghệ, viễn thông và giáo dục.

Trong đó, mảng công nghệ tiếp tục giữ vai trò chủ lực với doanh thu đạt 34.970 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. FPT đã thành công trong việc mở rộng dịch vụ chuyển đổi số và phần mềm ra thị trường quốc tế, mang về 28.270 tỷ đồng, tăng 28,1%. Sự bùng nổ nhu cầu chuyển đổi số trên toàn cầu, đặc biệt tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản và châu Âu, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng này.

Mảng viễn thông cũng ghi nhận mức tăng trưởng ổn định với doanh thu đạt 15.900 tỷ đồng, nhờ mở rộng hạ tầng mạng và phát triển dịch vụ truyền hình trả tiền. Trong khi đó, mảng giáo dục và đầu tư đạt doanh thu 5.534 tỷ đồng, tăng 14,3%, nhờ vào việc mở rộng quy mô tuyển sinh và nâng cao chất lượng đào tạo.

Tập đoàn FPT năm 2024: Dấu ấn 'Sếu đầu đàn' nhóm công nghệ thông tin
Cơ cấu kết quả kinh doanh FPT trong 11 tháng của năm 2024 (Nguồn: FPT)

Mặc dù biên lợi nhuận của mảng công nghệ thấp hơn 2 mảng còn lại, nhưng nhờ gia tăng giá trị gia tăng trong các dịch vụ và tối ưu hóa chi phí vận hành, lợi nhuận trước thuế của mảng này vẫn đạt mức ấn tượng. Chiến lược đa dạng hóa danh mục kinh doanh và tập trung đầu tư vào các lĩnh vực có biên lợi nhuận cao như giáo dục đã giúp FPT duy trì đà tăng trưởng bền vững.

Động lực và thách thức

Trong mảng công nghệ thông tin, việc đồng Yên (Nhật Bản) mất giá đã ảnh hưởng lớn đến FPT, khi Nhật Bản là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của doanh nghiệp. Động lực tăng trưởng sẽ đến từ các hợp đồng có giá trị lớn trên 1 triệu USD và 5 triệu USD tiếp tục được ký kết. Dự án GPUaaS, với giá trị 50 triệu USD mà FPT đầu tư tại Nhật Bản, dự kiến sẽ sớm đạt hiệu suất kỳ vọng 90% và hứa hẹn mang lại doanh thu 100 triệu USD mỗi năm.

Mảng giáo dục và đầu tư đang ghi nhận mức tăng trưởng ổn định, nhưng cũng đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các chương trình đào tạo lĩnh vực CNTT của các trường đại học công lập. Tuy nhiên, chiến lược xuyên suốt của FPT trong việc xây dựng chương trình đào tạo và hướng tới đội ngũ nhân lực chất lượng cao vẫn không thay đổi. Doanh nghiệp đặt mục tiêu đào tạo 20.000 kỹ sư ICT làm việc tại các văn phòng của công ty ở Việt Nam và Nhật Bản để đảm nhận thêm nhiều dự án phức tạp, quy mô lớn. Đặc biệt, FPT tạo lợi thế bằng việc định hướng kỹ sư cho thị trường Nhật Bản, với cam kết đầu tư 125 tỷ đồng để đào tạo khoảng 3.000 nhân sự.

Mảng viễn thông gặp khó khăn khi thị trường băng thông trở nên bão hòa. Tuy nhiên, FPT đang thể hiện sức mạnh trên thị trường video trực tuyến tại Việt Nam. Theo Decision Lab, quý III/2024 đánh dấu quý thứ ba liên tiếp FPT vượt qua Netflix trên nền tảng video trực tuyến tại Việt Nam, với tỷ lệ thâm nhập đạt 29%, đứng sau hai nền tảng quốc tế là YouTube (68%) và Facebook (32%). FPT chiếm lĩnh thị phần cao hơn Netflix nhờ phát triển nội dung tập trung vào nhóm khách hàng thế hệ Gen Y, vốn ưu tiên các nền tảng xem phim Việt Nam, trong khi thế hệ Gen X và Gen Z ưa chuộng YouTube. Với nền tảng nội dung đa dạng, FPT có kế hoạch mở rộng tới nhóm khách hàng ở nhiều độ tuổi hơn thông qua việc tích hợp các tính năng giải trí trong cùng một nền tảng và đẩy mạnh ứng dụng AI vào phát triển sản phẩm.

Về Data Center, dự án tại TP. HCM đã hoàn thành lắp đặt các hạng mục quan trọng, nhưng một số vấn đề logistics khiến thời gian hoàn thiện và khai trương trung tâm Data Center phải lùi sang quý I/2025, thay vì quý IV/2024 như kế hoạch. Với diện tích 10.000m², dự án sẽ cung cấp 3.600 rack, trở thành trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam.

Tập đoàn FPT năm 2024: Dấu ấn 'Sếu đầu đàn' nhóm công nghệ thông tin

1. “AI Bán Xe Số Xanh”

Tại ĐHĐCĐ FPT 2024, lần đầu tiên Chủ tịch Trương Gia Bình công bố 5 từ khóa thay đổi lịch sử nhân loại và định hướng chiến lược của FPT: “AI Bán Xe Số Xanh”. Tên gọi này là viết tắt của AI, Bán dẫn, Xe, Chuyển đổi số, và Chuyển đổi xanh.

Chủ tịch FPT nhận định rằng 5 từ khóa này đã định hình lịch sử nhân loại trong 3/4 thế kỷ vừa qua và sẽ tiếp tục xác định hướng đi trong 1/4 thế kỷ còn lại. Ông nhấn mạnh rằng, với 5 từ khóa này, Việt Nam được lựa chọn để đón đầu xu thế, và thời khắc của FPT đã đến. Toàn bộ hoạt động công nghệ và kinh doanh của FPT trong năm 2024 và các năm tiếp theo sẽ được vận hành theo định hướng của 5 từ khóa chiến lược này, nhằm khai thác tối đa tiềm năng và tạo ra giá trị đột phá trong các lĩnh vực trọng điểm.

2. Chuyển đổi số từ doanh nghiệp đến địa phương

Bên cạnh việc thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, Tập đoàn FPT đã ký kết thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số với 32 địa phương tính đến cuối năm 2024 và đào tạo nhận thức về chuyển đổi số cho hàng chục nghìn cán bộ lãnh đạo các cấp trên toàn quốc.

Dựa trên thế mạnh về công nghệ, kinh nghiệm chuyển đổi số của tập đoàn, cùng đặc thù kinh tế - xã hội và lợi thế cạnh tranh của từng tỉnh, thành, FPT tư vấn lập quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, và triển khai đào tạo nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trên quy mô lớn.

Hoạt động này nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, tập trung vào 3 trụ cột chính: kinh tế số, Chính phủ số, và xã hội số, hướng tới mô hình quốc gia số.

3. Đạt mốc 80.000 nhân sự tại 30 quốc gia

FPT được thành lập vào ngày 13/9/1988 với 13 thành viên. Đến ngày 11/9/2024, công ty đã có hơn 80.013 nhân sự làm việc tại 30 quốc gia trên thế giới. Đội ngũ nhân sự có độ tuổi trung bình là 28, trong đó 6.310 người làm việc trực tiếp tại nước ngoài, bao gồm 3.647 nhân sự là người nước ngoài đến từ 78 quốc tịch khác nhau.

Đáng chú ý, anh Nguyễn Xuân Phong, Giám đốc AI của FPT Software, là người Việt Nam đầu tiên được Constellation Research vinh danh trong danh sách 150 lãnh đạo AI toàn cầu. Năm 2024, FPT cũng ghi nhận Giáo sư đầu tiên là anh Trần Thanh Long, chuyên gia cố vấn AI tại Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo Quy Nhơn (QAI - FPT Software). Anh được phong hàm Giáo sư tại Đại học Warwick, Vương quốc Anh.

Ngoài ra, gần 10.000 khóa học và chứng chỉ về AI của Nvidia đã được nhân sự FPT hoàn thành trong năm 2024.

Trong công tác đào tạo, Đại học FPT vừa cấp bằng tốt nghiệp cho gần 3.000 sinh viên ngành CNTT. Đây là lực lượng nhân sự nòng cốt cho các lĩnh vực công nghệ như AI, An ninh mạng, Khoa học dữ liệu, và Chuyển đổi số - những ngành đang là động lực thúc đẩy nền kinh tế số.

Trong mục tiêu chung đến năm 2030 đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn, ông Trương Gia Bình cho biết Tập đoàn FPT cam kết đào tạo 10.000 nhân sự, đóng góp đáng kể vào sự phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam và toàn cầu.

4. Trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn công nghệ toàn cầu

Năm 2024, Tập đoàn FPT công bố hệ sinh thái đối tác phát triển Nhà máy AI (AI Factory), hợp tác với các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như NVIDIA, SCSK, ASUS, Hewlett Packard Enterprise, VAST Data, và DDN Storage. Sáng kiến này nhằm thúc đẩy việc phát triển và vận hành Nhà máy AI tại Việt Nam và Nhật Bản.

Tập đoàn FPT năm 2024: Dấu ấn 'Sếu đầu đàn' nhóm công nghệ thông tin
Hình ảnh tại sự kiện ra mắt FPT AI Factory

FPT và các đối tác cam kết hợp lực về chuyên môn và nguồn lực để khai thác tiềm năng của Nhà máy AI, tập trung nghiên cứu và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, hệ sinh thái này hướng đến mục tiêu thúc đẩy AI có chủ quyền tại Việt Nam và Nhật Bản. Các mục tiêu chính bao gồm: (1) Phát triển và vận hành nhà máy AI đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam và Nhật Bản; (2) Đa dạng hóa danh mục sản phẩm và dịch vụ AI; (3) Nâng cao năng lực công nghệ cho đội ngũ nhân sự; (4) Bảo đảm an toàn và chủ quyền dữ liệu.

FPT cũng chính thức ra mắt Nhà máy AI tại Việt Nam vào tháng 11/2024, hỗ trợ doanh nghiệp và tổ chức phát triển các giải pháp AI đột phá, với tổng mức đầu tư dự kiến 200 triệu USD. Trước đó, FPT AI Factory đã được giới thiệu tại Nhật Bản, thể hiện cam kết phát triển AI có chủ quyền tại quốc gia này.

Năm 2024 cũng ghi dấu ấn với chuyến thăm của Narayana Murthy, nhà sáng lập hãng phần mềm Infosys và là nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn tại Ấn Độ. "Cha đẻ" ngành CNTT Ấn Độ đã có buổi chia sẻ truyền cảm hứng về ngành CNTT với đội ngũ FPT trên toàn quốc. Chuyến thăm của ông Murthy khẳng định vị thế và tiềm năng của ngành CNTT Việt Nam trên trường quốc tế, đồng thời củng cố năng lực cạnh tranh của FPT tại các thị trường CNTT hàng đầu như Mỹ, châu Âu, và Ấn Độ.

Cũng trong năm 2024, FPT đã đón "Bố già" của AI - ông Yoshua Bengio, lần đầu đến Việt Nam. Ông đã có buổi đối thoại với Chủ tịch FPT về các tiến bộ của AI toàn cầu, nhân dịp kỷ niệm 5 năm hợp tác giữa FPT và Viện Nghiên cứu AI Mila – nơi được mệnh danh là "trái tim" của công nghệ học sâu (Deep Learning) toàn cầu.

5. Nhiều sản phẩm mới được hoàn thiện

Năm 2024 đánh dấu một bước tiến mới trong năng lực thiết kế chip của FPT. Ngoài việc thiết kế các con chip nguồn mức đơn giản, FPT đã vươn lên thiết kế các loại chip cao cấp hơn, đặc biệt là chip AI. Hiện tại, FPT đã thành lập các liên doanh với Đài Loan để thiết kế và sản xuất chip AI, mở ra tiềm năng lớn trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn.

FPT đặt mục tiêu trở thành Technical Hub toàn cầu trong lĩnh vực Automotive. Doanh nghiệp đã ghi dấu ấn bằng những bước tiến lớn, hoàn thiện rõ nét năng lực công nghệ trong các mảng chủ đạo như AI-first SDV, Autosar, và CDC (Cockpit Domain Controller). Đồng thời, FPT tập trung phát triển các sản phẩm và dịch vụ dựa trên nhu cầu của các hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới.

Nhờ những nỗ lực này, FPT đã chứng kiến số lượng khách hàng tăng trưởng ấn tượng, ký kết được hợp đồng kỷ lục trị giá 225 triệu USD và hiện diện mạnh mẽ tại các thị trường cạnh tranh khốc liệt như Mỹ, Nhật, Ấn Độ, và Trung Quốc.

Với hơn 10 sản phẩm công nghệ mới được ra mắt mỗi năm và doanh thu sản phẩm tăng trưởng ấn tượng, FPT còn đang khẳng định vị thế là công ty công nghệ trụ cột, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hạ tầng số và nền kinh tế số của Việt Nam.

Tập đoàn FPT năm 2024: Dấu ấn 'Sếu đầu đàn' nhóm công nghệ thông tin

Việt Nam đang chứng kiến một làn sóng chuyển đổi số toàn diện. Đây là thời điểm thuận lợi để ngành CNTT trong nước phát triển, với nhiều lĩnh vực trọng điểm như tài chính, ngân hàng và dịch vụ công. Có thể nói, chuyển đổi số đang mang lại sự thay đổi đáng kể trong cách thức vận hành của các doanh nghiệp, với trọng tâm là tích hợp các công nghệ tiên tiến như AI, điện toán đám mây và phân tích dữ liệu.

Theo dự báo, chương trình chuyển đổi số quốc gia đặt mục tiêu kinh tế số chiếm 30% GDP của Việt Nam vào năm 2030. Báo cáo e-Conomy SEA 2024 của Google, Temasek và Bain & Company cho biết quy mô nền kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 36 tỷ USD trong năm 2024, tăng 16% so với năm trước. Dự báo quy mô này có thể tăng lên từ 90 - 200 tỷ USD vào năm 2030. Theo thống kê, đến nay có 22% doanh nghiệp Việt Nam đã ứng dụng AI vào sản phẩm, dịch vụ. Dù giá trị AI chưa mang lại kết quả ngay lập tức, nhưng sẽ mang lại giá trị tăng trưởng bền vững trong tương lai.

Trên thế giới, theo Gartner, năm 2025, tổng chi tiêu toàn cầu cho phần mềm và dịch vụ CNTT sẽ tăng trưởng lần lượt 14% và 9,4% so với cùng kỳ khi các doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số để áp dụng công nghệ mới.

Điều này mở ra tiềm năng lớn cho các doanh nghiệp CNTT nói chung và FPT nói riêng với vai trò "Sếu đầu đàn".

Chứng khoán KB dự báo, năm 2025 tổng doanh thu mảng CNTT của FPT là 44.800 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường nước ngoài mang về 36.150 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ nhờ các yếu tố thuận lợi tại thị trường xuất khẩu chính được duy trì. Mảng giáo dục đạt 7.947 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ, với số học sinh đạt 194.900 người. Mảng viễn thông sẽ tăng trưởng nhờ Data Center và quảng cáo online; FPT dự kiến tiếp tục mở rộng Data Center với kế hoạch mở thêm 1 Data Center tại TP. HCM, bên cạnh 4 Data Center đang hoạt động.

Qua đó, FPT có thể mang về doanh thu 71.187 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 9.712 tỷ đồng trong năm 2025, lần lượt tăng 16% và 23% so với năm 2024.

Chứng khoán BSC cũng đưa ra dự báo không quá khác biệt với KB, khi cho rằng FPT sẽ mang về doanh thu 75.392 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 9.462 tỷ đồng trong năm 2025.

Tham khảo nhận định của Chứng khoán SSI, đơn vị phân tích cho rằng FPT AI Factory có thể bắt đầu đóng góp đáng kể từ năm 2025. Theo FPT, công ty đang nhận đơn đặt hàng trước và đặt mục tiêu dự án sẽ tạo ra doanh thu từ năm 2025, với mục tiêu doanh thu là khoảng 100 triệu USD (công suất hoạt động là 90%), với biên lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao khoảng 50% và tỷ suất sinh lời nội bộ (IRR) khoảng 25%, có khả năng sẽ được phân loại vào mảng CNTT trong nước (ghi nhận dưới công ty FPT Smart Cloud). SSI dự báo năm 2025, FPT ghi nhận doanh thu 77.038 tỷ đồng và lợi nhuận cổ đông công ty mẹ là 10.069 tỷ đồng.

SSI, BSC, KB đưa ra mức định giá cổ phiếu FPT trong năm 2025 khoảng 148.500 - 186.300 đồng/cp. Như vậy, với mức khởi đầu năm 2025 tại 150.500 đồng/cp, FPT vẫn có tiềm năng tăng trưởng tới 24% dù đã liên tục tăng mạnh trong 6 năm trước đó.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn