Chủ tịch Agriseco: Vị thế của công ty trong ngành về quy mô, tài chính bị suy giảm rất mạnh do đối thủ đang phát triển rất nhanh

Sáng ngày 22/4, CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco - Mã: AGR) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh, phương án phân phối lợi nhuận, bầu thành viên HĐQT, BKS nhiệm kỳ 2024 - 2029 và các nội dung quan trọng khác.

Trước đó, công ty từng hai lần thông báo thay đổi thời gian họp (ban đầu thông báo dự kiến tổ chức vào sáng 9/4, sau đó đổi thành chiều 22/4, rồi đổi thành sáng 22/4). Lý do là căn cứ tình hình thực tế, các nội dung liên quan khác không đổi.

Nhiều thách thức đối với thị trường chứng khoán năm 2024

Năm 2024, ban điều hành dự báo tình hình vĩ mô quốc tế diễn biến phức tạp. Kinh tế Việt Nam đã và đang bị ảnh hưởng do có hoạt động giao thương, xuất nhập khẩu lớn với kim ngạch xuất nhập khẩu gần 200% GDP. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước vẫn đang gặp nhiều khó khăn (lợi nhuận các doanh nghiệp giảm 20% so với năm 2022), thống kê số doanh nghiệp phá sản, giải thể tiếp tục tăng cao.

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn với danh sách các tổ chức phát hành vi phạm nghĩa vụ thanh toán ngày càng nhiều, áp lực đáo hạn các khoản trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 tiếp tục tăng cao với ước tính khoảng 330.000 tỷ đồng đáo hạn, tăng khoảng 20% so với năm 2023.

Bên cạnh đó, một số yếu tố tích cực hỗ trợ thị trường chứng khoán như tình hình lạm phát được kiểm soát tốt, các chính sách kích cầu của Chính phủ được kỳ vọng phát huy hiệu quả và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, chủ trương của Chính phủ về nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên (FM) lên thị trường mới nổi (EM) cũng tạo điều kiện thu hút dòng vốn ngoại quay trở lại thị trường Việt Nam.

Như vậy, thị trường chứng khoán dự kiến có những cơ hội và thách thức đan xen nhau, nhưng các yếu tố khó khăn, rủi ro nhiều hơn.

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 của Agriseco tổ chức ngày 22/4. (Ảnh: T.M).

Dự kiến chia cổ tức năm thứ hai liên tiếp sau tái cơ cấu

Agriseco trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2024 với tổng doanh thu 400 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với thực hiện năm 2023. Lợi nhuận trước thuế dự kiến 185 tỷ đồng, tăng 1%. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến đạt 6% (năm 2023 là 7%).

Theo ông Phan Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, chia sẻ, sau khi kết thúc tái cơ cấu Agriseco mới chia lại cổ tức năm 2022 (được trả trong năm 2023), những năm trước lỗ lũy kế nên không chia. Năm 2024, công ty trình phương án chi trả cổ tức 6% bằng tiền mặt.

"Lợi nhuận thu được hàng năm thường được chia là 3 phần: chia cổ tức cho cổ đông, trích quỹ khen thưởng phúc lợi và tái đầu tư. Việc phân bổ như thế nào phụ thuộc vào hiện trạng công ty, vị thế trong ngành, khả năng sinh lời.

Công ty đã từng đứng đầu về quy mô, tổng tài sản, vốn điều lệ, doanh thu... Đến thời điểm 2015, thời điểm trước tái cơ cấu, vốn điều lệ Agriseco đứng thứ hai thị trường, tổng tài sản đứng thứ 10. Sau quá trình điều trị bệnh ‘nan y’, công ty chủ yếu là để ‘sống’ được, qua được ‘bạo bệnh’.

Tuy nhiên đối thủ thị trường tăng trưởng rất nhanh. Đến cuối năm 2023, vốn điều lệ của Agriseco đứng thứ 24 thị trường, tổng tài sản đứng thứ 33. Hiện trên thị trường, có khoảng 30-35 công ty hoạt động đúng nghĩa là có hiệu quả. Vị thế của Agriseco trong ngành về quy mô, tài chính bị suy giảm rất mạnh. Điều này không phải đến từ nội tại mà do đối thủ thị trường đang phát triển rất nhanh.

Với việc chia cổ tức 2023 tỷ lệ 7% và dự kiến 2024 đạt 6%, gần như công ty đã dùng phần lớn lợi nhuận chưa phân phối chi trả cho cổ đông, lợi nhuận còn lại nhỏ, chỉ khoảng trăm tỷ đồng”, ông Tuấn chia sẻ về vấn đề cổ tức.

Theo ban lãnh đạo, năm 2024, công ty tập trung thực hiện các giải pháp nhằm ổn định, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và năng lực tài chính; tiếp tục cấu trúc lại các mảng kinh doanh; nâng cao quy mô và thứ hạng trong nhóm các công ty chứng khoán.

Kế hoạch kinh doanh năm 2024. (Nguồn: Tài liệu họp của Agriseco).

Giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030, Agriseco định hướng mở rộng phạm vi hợp tác với Agribank trên cơ sở đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ; tập trung mở rộng quy mô và mạng lưới bán lẻ, thúc đẩy hợp tác, bán chéo sản phẩm dịch vụ tài chính.

Ban lãnh đạo kỳ vọng nâng vai trò của Agriseco trong hệ sinh thái ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm thông qua việc đầu tư vào công nghệ để xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, nâng tầm đội ngũ phân tích và tư vấn đầu tư, xây dựng kênh bán hàng đồng bộ cho khách hàng tổ chức, khách hàng cá nhân trên nền tảng quản trị rủi ro và công nghệ 4.0.

Về nghiệp vụ chứng khoán phái sinh, ông Phan Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho hay công ty có kế hoạch cách đây nhiều năm nhưng hiện chưa thể tham gia thị trường phái sinh, do phải cân nhắc yếu tố được và mất.

Theo ông Tuấn, công ty chưa đứng yêu cầu về điều kiện công nghệ để tham gia thị trường phái sinh. Việc đầu tư cho công nghệ không nhỏ, cần tính toán kỹ hơn, phù hợp với mục tiêu định hướng, vừa đảm bảo quyền lợi cho cổ đông. Trong khi đó, thị trường cơ sở vẫn còn nhiều tiềm năng để khai khai thác. Công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham gia đầu tư chứng khoán phái sinh ở thời điểm thích hợp.

Đối với thị trường chứng khoán cơ sở, công ty sẽ tập trung thị trường ở các tỉnh, do TP HCM và Hà Nội đang cạnh tranh khốc liệt. Agriseco sẽ tận dụng lợi thế Agribank có 24 triệu khách hàng, có mặt trên khắp cả nước.

Mục tiêu sắp tới, Agriseco sẽ tham gia sâu hơn trong hệ thống sinh thái Agribank. Ban lãnh đạo tiết lộ trước đó đã ký kết hợp tác toàn diện với Agribank, tuy nhiên kết quả đóng góp trong năm 2023 chưa được như kỳ vọng.

Đối với KRX, ban lãnh đạo cho biết theo thông tin nhận được, hệ thống dự kiến vận hành (go-live) ngày 2/5, nhưng vẫn còn một số vấn đề. Hệ thống của Agriseco về cơ bản đã sẵn sàng.

Bàn về pre-funding cho nhà đầu tư nước ngoài, đại diện công ty cho hay đây là dịch vụ mới, cơ quan quản lý chưa ban hành quy chế, mới chỉ là hướng dẫn cho các đơn vị thực hiện, khả năng triển khai (trong ngắn hạn) vẫn chưa. Agriseco đang nghiên cứu, khả năng thực thi trong thời gian tới như thế nào sẽ phải đợi.

Mục tiêu kinh doanh năm nay được ban lãnh đạo đánh giá khả thi cao hoàn thành cả về doanh thu và lợi nhuận. Quý I doanh thu chỉ đạt 22% kế hoạch năm do ảnh hưởng từ kỳ nghỉ dịp Tết Nguyên đán. Lợi nhuận cũng bám sát kế hoạch.

Về cho vay ký quỹ (margin), ông Tuấn đánh giá hiện tại dư nợ margin thị trường đang cao, vượt cả thời điểm thị trường hưng phấn nhất vào 2021. Dư nợ margin và ứng trước của Agriseco hiện khoảng 1.600 tỷ đồng, mục tiêu cả năm đạt 2.400 tỷ đồng.

Khó kỳ vọng hiệu quả hoạt động thu hồi nợ xấu

Một vấn đề được cổ đông quan tâm tại cuộc họp lần này là thu hồi nợ xấu. Theo Chủ tịch Tuấn, Agriseco đã trích lập 100% giá trị phải thu khó đòi. Trong cả giai đoạn tái cơ cấu, công ty thu hồi được hơn 1.000 tỷ đồng và đã phục vụ việc nâng cao năng lực tài chính.

“Công ty vẫn đang rà soát, đánh giá, thậm chí nhờ sự vả cơ quan pháp luật, tuy nhiên việc thu hồi nợ hết sức khó khăn. Khoản tài sản tài chính này là các cổ phiếu chưa niêm yết, gần như không có giá trị đến từ các tổ chức không còn hoạt động, gần như là công ty ma, do đó các đơn vị này không có khả năng để trả nợ. Công ty cũng đưa ra pháp luật nhờ xác minh, và đã rất nhiều vụ đã thắng kiện.

Đến thời điểm hiện tại, Agriseco vẫn chưa thu được đồng nào mặc dù phối hợp tích cực với cơ quan pháp luật. Ngay cả Vinashin, doanh nghiệp này cũng đã xin làm thủ tục phá sản, do đó khả năng thu hồi nợ ở doanh nghiệp này bằng 0. Năm nay, Agriseco đưa ra mục tiêu hoàn nhập dự phòng vài chục tỷ đồng, tuy nhiên thực tế rất khó để khả thi, khó có thể trông chờ vào khoản đó”, ông Tuấn cho biết. 

Xem thêm tại vietnambiz.vn