Chủ tịch Trung An: Chỉ cần ngân hàng cho vay, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ không chỉ ở mức 4,6 tỷ USD như bây giờ mà có thể chạm mốc 10 tỷ USD

Ngày 6/11, đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã đến thăm và làm việc với một số doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến chính sách tín dụng.

Tại Công ty Cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Công ty Trung An – Mã: TAR) - Phường Trung Kiên, Quận Thốt Nốt, Cần Thơ, một doanh nghiệp lúa gạo đang có quan hệ tín dụng với nhiều ngân hàng lớn, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT cho biết, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo hiện nay đều phải đầu tư xây dựng nhà máy, kho chứa, máy móc, thiết bị (do hiện nay làm liên kết với các hợp tác xã nên cần cả máy sấy lúa), nếu không thì sẽ không thể hoạt động được, không có gạo để xuất khẩu. Bởi vậy, nhu cầu chính của các doanh nghiệp nói chung, Trung An nói riêng, là rất cần nguồn vốn.

“Nguồn vốn lưu động thì doanh nghiệp dễ sắp xếp, nhưng vốn trung và dài hạn thì khó khăn hơn. Vốn ngắn hạn để doanh nghiệp có nguồn thanh toán tiền lúa cho nông dân; vốn trung, dài hạn để đầu tư máy sấy lúa, kho chứa lúa, cơ cấu thời hạn trả nợ. Cái cần của doanh nghiệp bây giờ là vốn trung và dài hạn”, Chủ tịch công ty Trung An nói về nhu cầu chính của doanh nghiệp hiện nay.

Cũng theo ông Phạm Thái Bình, Đề án 1 triệu ha lúa là rất lớn, khi triển khai thành công thì sẽ nhân rộng mô hình ra 1 triệu ha, 2 triệu ha. Trong điều kiện nguồn vốn được đáp ứng, vừa vay vốn ngắn hạn vừa vay vốn trung, dài hạn, thì chỉ cần các ngân hàng cho vay 4-5 tỷ USD, tất nhiên, không phải vay ngay một lúc, mà từ nay đến năm 2030 có dự án nào thì cho vay dự án đó, thì riêng ngành lúa gạo sẽ không chỉ mang về 4,6 tỷ USD như hiện nay (kim ngạch xuất khẩu gạo cả nước năm 2023) mà đảm bảo sẽ thu về 10 tỷ USD.

“Ngân hàng cho vay thôi, nhưng đất nước lại có thể thu về được luôn 10 tỷ USD xuất khẩu. Với kinh nghiệm 30 năm trong ngành lúa gạo, tôi đảm bảo điều đó”, ông Bình khẳng định với đoàn công tác.

Chủ tịch Trung An: Chỉ cần ngân hàng cho vay, xuất khẩu gạo Việt Nam sẽ không chỉ ở mức 4,6 tỷ USD như bây giờ mà có thể chạm mốc 10 tỷ USD
Đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước và Agribank đã đến thăm và làm việc với một số doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh vùng đồng bằng Sông Cửu Long (Ảnh: SBV)

Sau khi lắng nghe ý kiến của đại diện doanh nghiệp, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, các doanh nghiệp nếu cần vốn trung hạn thì sẽ được ngân hàng đáp ứng nhu cầu đầy đủ. Hiện tại Agribank đang thực hiện thí điểm, sẽ lấy đây (ý nói công ty Trung An) là một điểm thí điểm về cho vay trung dài hạn. Agribank sẽ là đầu mối để kêu gọi đồng tài trợ, cùng với ít nhất là 4 ngân hàng thương mại nhà nước sẽ cùng vào cuộc.

Về phía ngân hàng, cụ thể là Agribank khẳng định sẵn sàng đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cả ngắn hạn và trung, dài hạn. Tuy nhiên, NHNN cũng khuyến khích sự tham gia đồng tài trợ từ nhiều ngân hàng để hỗ trợ các doanh nghiệp trong chuỗi mở rộng diện tích canh tác, hiện đại hoá nông nghiệp, nâng cao năng lực chế biến và xuất khẩu gạo…

“Đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, và chương trình đã cho thấy hiệu quả bước đầu. Ngành Ngân hàng cam kết đáp ứng nhu cầu vốn, tập trung ưu tiên cơ chế chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp và hợp tác xã có nguồn lực phát triển bền vững cho đề án này” - Phó Thống đốc nhấn mạnh.

Đại diện lãnh đạo Agribank khu vực Tây Nam bộ thông tin cụ thể hơn, hiện tại ngân hàng đã triển khai đến hệ thống chi nhánh ở 12 tỉnh thành khu vực ĐBSCL (trừ Bến Tre) để chuẩn bị các phương án, giải pháp hỗ trợ các hộ dân, hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia Đề án về chính sách, quy trình thủ tục, đồng thời nắm bắt nhu cầu vay vốn đề tổng hợp xây dựng chính sách sản phẩm tín dụng phù hợp nhất cho bà con triển khai Đề án.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn