Chứng khoán châu Á đỏ lửa phiên 5/8: VN-Index thủng 1.200, Kospi phải áp dụng cơ chế đặc biệt, Nikkei 225 nguy cơ vào 'thị trường gấu'

Kết phiên 5/8, thị trường chứng khoán Việt Nam chìm trong sắc đỏ. VN-Index giảm 48,5 điểm, xuyên thủng mốc 1.200 về còn 1.188 điểm; toàn bộ áp lực bán đến từ nhóm VN30 với cả 30 mã cùng giảm giá. Toàn thị trường có hơn 840 mã giảm (127 mã giảm sàn), chỉ còn 131 mã tăng.

Chứng khoán châu Á đỏ lửa phiên 5/8: VN-Index thủng 1.200, Kospi phải áp dụng cơ chế đặc biệt, Nikkei 225 nguy cơ vào 'thị trường gấu'
Diễn biến cổ phiếu trên sàn HoSE

Tại thị trường châu Á, sắc đỏ cũng tràn ngập ở hầu khắp các chỉ số.

Báo cáo việc làm của Mỹ không đạt kỳ vọng không chỉ khiến giới đầu tư kinh ngạc mà còn khiến những dự định, toán tính về cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trở nên mơ hồ hơn.

Tâm lý thị trường đã trở nên tồi tệ ở châu Á sau một mùa báo cáo đáng thất vọng từ các công ty công nghệ lớn như Tesla và Alphabet, việc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tăng lãi suất hay dữ liệu kinh tế yếu hơn của Trung Quốc.

"Kết hợp những yếu tố này lại, chúng ta sẽ có công thức sụp đổ thị trường hoàn hảo", nhà phân tích Stephen Innes tại SPI Asset Managerment cho biết.

Phiên giao dịch ngày 5/8, chứng khoán Hàn Quốc đã dùng tới cơ chế “ngắt mạch” (circuit breaker) lần đầu tiên sau bốn năm. Đây là động thái tạm dừng mọi giao dịch cổ phiếu và sản phẩm phái sinh trong 20 phút, được kích hoạt khi các chỉ số giảm hoặc tăng hơn 8%). Đóng cửa, chỉ số Kospi đã giảm 8,78% sau khi giảm 3,7% vào phiên cuối tuần trước - phiên giao dịch tồi tệ nhất kể từ tháng 3/2020.

Tính chung, Kospi đã giảm 14% so với mức đỉnh sáu tháng là 2.860,4 điểm, ghi nhận vào tháng 7.

Chứng khoán châu Á đỏ lửa phiên 5/8: VN-Index thủng 1.200, Kospi phải áp dụng cơ chế đặc biệt, Nikkei 225 nguy cơ vào 'thị trường gấu'
Không chỉ riêng châu Á, các thị trường chứng khoán trên thế giới cũng giảm mạnh

Các công ty sản xuất chip lớn như Samsung Electronics và SK Hynix đã giảm hơn 9%, theo sau sự sụt giảm mạnh của Chỉ số bán dẫn Philadelphia, vốn đã thúc đẩy đà tăng của Phố Wall nhờ sự lạc quan xung quanh trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong khi đó, chứng khoán Nhật Bản đã giảm hơn 20% so với mức cao kỷ lục ghi nhận trong tháng trước. Niềm tin của nhà đầu tư sụp đổ do đồng Yen tăng giá, chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và triển vọng kinh tế xấu đi ở Mỹ.

Chỉ số chứng khoán Topix và Nikkei 225 đã giảm hơn 12% trong phiên 5/8 - mức giảm tồi tệ nhất kể từ năm 1987 và chuẩn bị bước vào thị trường giá xuống. Cơ chế ngắt mạch tạm thời cũng được áp dụng.

Người phát ngôn hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản - Yoshimasa Hayashi cho biết, họ "sẽ tiếp tục cảnh giác và theo dõi diễn biến thị trường với sự quan tâm sâu sắc.

Chúng tôi biết rằng có nhiều đánh giá khác nhau về sự sụt giảm của cổ phiếu lần này và về tình hình kinh tế Nhật Bản. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ tiếp tục nỗ lực để thoát hoàn toàn khỏi tình trạng giảm phát và chuyển sang nền kinh tế tăng trưởng".

Ngày 31/7, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã thực hiện tăng lãi suất quan trọng, gây ra sự gia tăng đột biến của đồng Yen, khiến triển vọng lợi nhuận của các nhà xuất khẩu trở nên u ám.

"Đợt bán tháo lớn mới nhất trên thị trường cổ phiếu Nhật Bản (được củng cố bởi sự suy thoái của thị trường Mỹ và dẫn đầu là cổ phiếu công nghệ) đã tạo ra một sự thiết lập lại lớn về kỳ vọng đối với lợi nhuận cổ phiếu Nhật Bản trong phần còn lại của năm", Andrew Jackson - người đứng đầu chiến lược cổ phiếu Nhật Bản tại Ortus Advisors Pte ở Singapore cho biết.

Trên thị trường châu Á rộng lớn hơn, chỉ số MSCI châu Á Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản đã giảm hơn 2% trong phiên này.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn