Chứng khoán HSC: Vay nợ gần 16.300 tỷ đồng, chỉ phải chịu mức lãi suất 1,3%/năm?
Ảnh minh họa |
KQKD đột biến
Theo báo cáo tài chính quý II/2024, CTCP Chứng khoán TP.HCM - HSC (Mã HCM- HoSE) ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với mức tăng bằng lần.
Cụ thể, HSC báo doanh thu hoạt động đạt 1.094 tỷ đồng - tăng 86% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Đây đồng thời là mức cao nhất hai năm. Kết quả này đạt được là nhờ các mảng kinh doanh đều tăng trưởng mạnh.
Cụ thể, 3 trụ cột đem lại nguồn thu chính cho công ty là tự doanh, cho vay và môi giới đều tăng ở mức 2 con số, lần lượt đạt 398 tỷ đồng (+89%), 386 tỷ đồng (+67%) và 253 tỷ đồng (+82%).
Bên cạnh đó, mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp cũng đem về hơn 51 tỷ đồng - tăng gần 77 lần YoY.
Sau khi khấu trừ thuế và các loại chi phí, Chứng khoán HSC báo lãi ròng 313 tỷ đồng - gấp đôi cùng kỳ, đồng thời là mức lãi quý cao nhất gần 3 năm.
Tạm tính sau 6 tháng, Chứng khoán HSC đạt tổng doanh thu 1.957 tỷ đồng - tăng 61% YoY; lợi nhuận sau thuế tăng 110% lên hơn 590 tỷ. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 62% và 51% kế hoạch cả năm.
Dấu ấn mảng cho vay và tự doanh
Theo lý giải của ban lãnh đạo, kết quả trên được ghi nhận trong bối cảnh thị trường thuận lợi, giá trị giao dịch bình quân toàn thị trường nửa đầu năm đạt hơn 24.000 tỷ đồng/ngày. Chỉ số VN-Index cũng tăng hơn 10% từ 1.130 điểm vào cuối năm 2023 lên mức 1.245 điểm.
Quý II, HSC tiếp tục giữ vị trí top 5 thị phần môi giới sàn HoSE với tỷ lệ 6,4%, cải thiện so với mức 5,3% của cả năm 2023.
Với dấu ấn mảng cho vay, sau nửa đầu năm, HSC thu về 714 tỷ đồng. Dư nợ cho vay ký quỹ tăng hơn 50% so với đầu năm, đạt hơn 18.500 tỷ đồng. Được biết trong nửa đầu năm, công ty đã tăng 65% vốn điều lệ trong đó có đợt chào bán cổ phiếu tỷ lệ 2:1 hồi tháng 6.
Tương tự, mảng tự doanh của HSC cũng tăng gần 3.700 tỷ đồng lên mức 5.906 tỷ. Cơ cấu danh mục tự doanh chủ yếu tập trung ở hoạt động trái phiếu đầu tư (4.200 tỷ), chứng chỉ quỹ và chứng quyền (tổng cộng 815 tỷ đồng).
Danh mục đầu tư cổ phiếu tự doanh của HSC |
Trong khi đó, danh mục tự doanh cổ phiếu chỉ chiếm 14,4% tỷ trọng, giá gốc gần 850 tỷ đồng - tăng gần 250 tỷ so với đầu năm (giá trị hợp lý là 834,6 tỷ). Danh mục đầu tư chủ yếu là các cổ phiếu VN30 như FPT, TCB, VPB, ACB, HPG, MSN, VIB, VNM... Trong số này, có tới 12 mã ngân hàng.
Ngoại trừ VHM và MWG đang lãi nhẹ vài chục triệu mỗi mã, các cổ phiếu còn lại đều tạm lỗ nhẹ.
Huy động vốn tiềm năng từ ngân hàng và cổ đông
Để khối tài sản tăng tới 55% so với đầu năm (+9.800 tỷ đồng) lên mức 27.756 tỷ, bên cạnh việc tăng quy mô vốn điều lệ, nợ phải trả của Chứng khoán HSC cũng tăng tới 7.500 tỷ đồng - chủ yếu là tăng vay ngắn hạn. Dư nợ vay tài chính đến cuối quý II gần mức 16.300 tỷ đồng - chiếm hơn 95% cơ cấu nợ (bao gồm 11.000 tỷ vay ngân hàng trong nước và hơn 4.300 tỷ vay ngân hàng nước ngoài).
Sau 6 tháng, tổng chi phí đi vay và dự phòng tài sản tài chính của công ty chỉ ở mức 251 tỷ đồng - đi ngang so với bán niên 2023. Trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, công ty đã chi 218 tỷ đồng để thanh toán các khoản lãi vay.
Tạm tính, tỷ suất số lãi vay đã trả trên tổng nợ vay của HSC sau nửa đầu năm 2024 chỉ vào khoảng 1,34% - "rẻ" hơn rất nhiều so với mức lãi suất huy động các kỳ hạn từ 1-12 tháng tại hầu hết các ngân hàng.
“
Về chính sách với cổ đông, HSC đã thực hiện 2 đợt chi trả cổ tức bằng cổ phiếu vào tháng 1 với tỷ lệ 15% cho năm 2021 và tháng 8 tới đây bằng tiền mặt cho năm 2022 và 2023 với tổng tỷ lệ thực hiện là 12% mệnh giá. Kể từ khi niêm yết năm 2009, HSC luôn duy trì cổ tức cao cho cổ đông với tỷ lệ cổ tức chi trả đạt 50% lợi nhuận sau thuế.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn