VN-Index đi ngang, thanh khoản yếu
Thị trường chứng khoán mở cửa phiên 28/11 với diễn biến có phần tương đối tích cực khi các chỉ số đều được kéo lên trên mốc tham chiếu. VN-Index có thời điểm vượt lên trên mốc 1.250 điểm nhờ lực đẩy của một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ có một ngày bùng nổ theo đà (FTD). Một số các yếu tố hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư đó là tỷ giá liên ngân hàng giảm 3 phiên liên tiếp, Đồng USD giảm mạnh…
Diễn biến VN-Index ngày 28/11. |
Tuy nhiên, trái với những kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn hạ nhiệt trong khi dòng tiền cũng không vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Các chỉ số vì vậy cũng hạ dần độ cao. VN-Index hạ dần độ cao xuống quanh mốc 1.240 – 1.245 điểm và đi ngang ở vùng này trong phần lớn thời gian còn lại của phiên.
Dù sắc xanh có phần chiếm ưu thế hơn ở một vài thời điểm nhưng tương tự như các phiên trước, điểm trừ của thị trường là thiếu đi dòng dẫn dắt. Tâm lý nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng trước những mốc kháng cự quan trọng của thị trường. Bên cầm tiền chờ đợi những nhịp backtest (kiểm định lại) hoặc FTD của VN-Index, trong khi bên cầm hàng cũng không muốn bán ra khi thị trường ở vùng tương đối thấp.
Sự phân hóa diễn ra rất mạnh ở phiên hôm nay nên thị trường không có những điểm nhấn đáng kể nào. |
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 0,14 điểm (0,01%) lên 1.242,11 điểm. Toàn sàn có 192 mã tăng, 181 mã giảm và 89 mã đứng giá. HNX-Index tăng 0,48 điểm (0,22%) lên 223,57 điểm. Toàn sàn có 75 mã tăng, 62 mã giảm và 70 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,39 điểm (0,42%) lên 92,35 điểm.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp và sụt giảm nhẹ so với phiên trước. Tổng khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 477,5 triệu cổ phiếu (tăng 11,4%), tương ứng tổng giá trị giao dịch đạt 11.145 tỷ đồng (giảm 1,86%). Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 1.666 tỷ đồng, giảm 20%. Giá trị giao dịch trên HNX và UPCoM lần lượt 571 tỷ đồng (tăng 0,18%) và 355 tỷ đồng (giảm 56%).
Các nhóm ngành cổ phiếu phân hóa mạnh
Thị trường tiếp tục không có nhóm ngành dẫn dắt. Trong khi đó, sự phân hóa mạnh diễn ra ở đa số các nhóm ngành cổ phiếu. Trong nhóm VN30 phiên hôm nay có 12 mã tăng trong khi có 15 mã giảm. PLX, VIB, CTG… là những mã giữ được sắc xanh tốt và góp công lớn trong việc giúp VN-Index có được sắc xanh nhẹ. PLX tăng đến 2,3%. Hiện tại, PLX đã hồi phục được khoảng 7% sau khi giảm đến 27% trong vòng 3 tháng vừa qua.
Nhóm tích cực nhất phiên hôm nay là Viettel. Ảnh: TL. |
VIB cũng có một phiên giao dịch đáng chú ý khi tăng 2,2%. Hiện tại VIB đang trong thời gian giao dịch của bà Đặng Thị Thu Hà - vợ phó chủ tịch ngân hàng này. Cụ thể, bà Hà đăng ký mua vào 10 triệu cổ phiếu VIB. Dự kiến giao dịch trên sẽ diễn ra từ ngày 27-11 đến ngày 26-12, bằng phương thức thỏa thuận và/hoặc khớp lệnh.
Ở chiều ngược lại, VHM dẫn đầu nhóm giảm giá ở VN30 khi mất 1,9%. Bên cạnh đó, SAB cũng giảm trên 1%. POW, VRE, BID, MSN… cũng đều chìm trong sắc đỏ và gây áp lực đáng kể lên thị trường chung.
Ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ, giao dịch cũng diễn ra buồn tẻ và không có biến động đáng kể nào. Nhóm cổ phiếu phân bón tiếp tục giao dịch không mấy tích cực. DDV tiếp tục giảm 2,2%, DPM giảm 0,85%...
Trong khi đó, một số cổ phiếu thuộc nhóm xăng dầu - dầu khí, thép… lại có phần tích cực. Ở nhóm xăng dầu - dầu khí, các cổ phiếu như OIL, PLX, BSR, PVC, CNG… đều đồng loạt tăng giá. Trong đó, OIL có mức tăng mạnh đến 5,45%, BSR cũng tăng 1,56%.
Nhóm tích cực nhất phiên hôm nay là Viettel khi VGI tăng 5,3%, VTK tăng 3,45%, VTP tăng 3,04%. Nhóm cổ phiếu này thường xuyên có những biến động khác biệt so với thị trường chung.
Khối ngoại dù vẫn duy trì được trạng thái mua ròng nhưng giá trị giảm đáng kể so với các phiên trước. Cụ thể, khối ngoại mua ròng chỉ 48 tỷ đồng trên sàn HoSE. Trong đó, khối ngoại mua ròng mạnh nhất mã FPT với 228 tỷ đồng. MSN và DGC được mua ròng lần lượt 77 tỷ đồng và 37 tỷ đồng. Chiều ngược lại, SSI bị bán ròng mạnh nhất với 71 tỷ đồng. HDB và VCB bị bán ròng lần lượt 68 tỷ đồng và 61 tỷ đồng. |