VN-Index lấy lại 1.250 điểm
Mở cửa phiên giao dịch ngày 29/11, thị trường chứng khoán trong nước duy trì diễn biến thận trọng. Các nhóm ngành cổ phiếu vẫn có sự phân hóa mạnh. Các chỉ số có những diễn biến giằng co, rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu. Sự giằng co diễn ra trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch buổi sáng.
Sang đến phiên chiều, diễn biến thị trường vẫn duy trì được sự tích cực. VN-Index duy trì biến động ở gần mốc 1.250 điểm với việc sắc xanh chiếm ưu thế đáng kể ở nhóm cổ phiếu trụ cột. Khối ngoại đẩy mạnh giao dịch theo chiều tích cực cũng giúp củng cố tâm lý nhà đầu tư.
Diễn biến chỉ số VN-Index. |
Tín hiệu tích cực xuất hiện sau 11h khi một số nhóm ngành cổ phiếu như bảo hiểm, công nghệ, dệt may… nhận được dòng tiền tốt và đồng loạt bật tăng mạnh. |
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,35 điểm (0,67%) lên 1.250,46 điểm. Toàn sàn HOSE có đến 222 mã tăng, trong khi chỉ có 147 mã giảm và 88 mã đứng giá.
Trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 1,07 điểm (0,48%) lên 224,64 điểm. Toàn sàn HNX có 78 mã tăng, 58 mã giảm và 80 mã đứng giá. UPCoM-Index cũng tăng 0,39 điểm (0,42%) lên 92,74 điểm.
Dù thị trường có được mức tăng điểm khá tốt trong phiên hôm nay nhưng chưa có được sự đồng thuận từ thanh khoản. Mức tăng thanh khoản khá tốt trên HOSE song giá trị tổng thể vẫn khiêm tốn. Tổng khối lượng giao dịch trên HOSE đạt 502,8 triệu cổ phiếu, tăng nhẹ 5,3% so với phiên trước, tương ứng giá trị giao dịch 13.497 tỷ đồng, tăng 21%. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 1.946 tỷ đồng ở sàn HOSE, tăng 17%. Trong khi đó, giá trị giao dịch trên HNX tăng mạnh 43% lên 818 tỷ đồng. Giao dịch trên UPCoM giảm 3,5% và đạt 342 tỷ đồng.
Dòng tiền tìm cơ hội ở nhóm bảo hiểm, công nghệ, dệt may…
Trong bối cảnh ảm đạm của thị trường chung, thanh khoản yếu, dòng tiền tiếp tục tìm đến các nhóm ngành như bảo hiểm, công nghệ, dệt may, thủy sản… Trong khi các nhóm ngành có thanh khoản cao như chứng khoán, ngân hàng… lại giao dịch cầm chừng.
Ảnh minh họa. |
Ở nhóm bảo hiểm, khởi đầu của việc dòng tiền vào mạnh nhóm này là việc MIG được kéo lên mức giá trần. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng cho MIG. Theo sau MIG, BVH cũng nhận được dòng tiền khá tốt và kết phiên ở mức giá trần. Các mã ngành bảo hiểm khác như BIC, BMI, BLI…cũng đồng loạt tăng giá mạnh.
Tại nhóm công nghệ, FPT là cổ phiếu dẫn dắt khi tăng đến 3,5% lên 144.300 đồng/cổ phiếu. Động lực giúp FPT đi lên vẫn tương tự như các phiên trước là khối ngoại mua ròng mạnh. Riêng phiên hôm nay, khối ngoại mua ròng 238 tỷ đồng cổ phiếu FPT. Các cổ phiếu công nghệ khác cũng đi theo là CMG tăng 4,4%, ELC tăng 2,3%, ICT tăng 2,3%. Mới đây, Liên danh FPT Nha Trang, được thành lập bởi Công ty TNHH Phần mềm FPT và Công ty cổ phần Đô thị FPT Đà Nẵng đã có hồ sơ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Khánh Hòa đề xuất đầu tư dự án tổ hợp đô thị tại xã Phước Đồng và Vĩnh Thái, thuộc TP. Nha Trang. Theo đó, liên danh này đề xuất diện tích thực hiện dự án hơn 50 ha. trong đó: hơn 8 ha xây dựng trung tâm nghiên cứu phần mềm AI; gần 7 ha đất công trình xã hội; còn lại là hạ tầng kỹ thuật, khu thương mại dịch vụ.
Nhóm cổ phiếu Viettel vẫn giữ được sự tích cực. VGI tăng đến 4,8%, VTK tăng 3,35%, VTP tăng 2,33% và CTR tăng 1,6%.
Trong nhóm VN30 phiên hôm nay có đến 21 mã tăng, trong khi chỉ có 6 mã giảm giá. Bên cạnh FPT, các mã như BID, HPG, MSN, CTG… cũng đều giữ được sắc xanh và giúp củng cố vững đà tăng của VN-Index.
Ở hướng ngược lại, bộ ba cổ phiếu họ “Vin” đều điều chỉnh giảm, nhưng không lớn. VHM giảm 0,7%, VRE giảm 0,56%, VIC giảm 0,49%.
EIB cũng gây chú ý ở phiên hôm nay khi giảm 1,6%. Hôm qua, ngân hàng này đã tổ chức thành công cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường. Đại hội đã thông qua việc dời trụ sở ra Hà Nội và miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát./.
Khối ngoại có phiên mua ròng thứ 6 liên tiếp trên sàn HOSE với 334 tỷ đồng. Khối ngoại sàn này mua ròng mạnh nhất mã FPT với 238 tỷ đồng. MSN đứng sau với giá trị mua ròng 89 tỷ đồng. HPG và CTR cũng được mua ròng lần lượt 73 tỷ đồng và 64 tỷ đồng. Chiều ngược lại, VRE bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất với 74 tỷ đồng. VHM và HDB bị bán ròng lần lượt 53 tỷ đồng và 47 tỷ đồng. |