Chứng khoán tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, mốc 1.300 không còn xa

Chứng khoán tiếp tục duy trì đà tăng mạnh, mốc 1.300 không còn xa

Trong phiên giao dịch sáng, sau chuỗi tăng ấn tượng từ 9/8, đặc biệt là 3 phiên gần đây nhất, áp lực chốt lời xuất hiện khiến thị trường gặp rung lắc. Tuy nhiên, lực cung giá thấp khá hạn chế, trong khi lực cầu vẫn duy trì tốt giúp thị trường không rung lắc mạnh, mà chỉ giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa gần như không đổi.

Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch chiều, sau khi nhận thấy bên bán không bán giá thấp, bên mua đã tự tin xuống tiền gom vào, đẩy nhiều mã quay đầu tăng giá hoặc nới rộng đà tăng, qua đó kéo VN-Index bứt tốc nhẹ nhàng chinh phục mốc 1.280 điểm, vượt hẳn lên trên dải bollinger, vốn đang mở rộng, báo hiệu một đợt biến động mạnh của thị trường sắp diễn ra.

Trên bảng điện tử, số mã tăng từ chỗ chỉ bằng hơn phân nửa so với số mã giảm của phiên sáng (134 mã tăng và 231 mã giảm), đã dần thu hẹp và chiếm ưu thế.

Đóng cửa phiên chiều, có 241 mã tăng (nhiều hơn 107 mã so với phiên sáng), trong khi số mã giảm chỉ còn 174 mã (ít hơn 54 mã so với phiên sáng), qua đó giúp VN-Index tăng 11,50 điểm (+0,90%), lên 1.284,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 836,4 triệu đơn vị, tổng giá trị 20.651,5 tỷ đồng, tăng nhẹ so với phiên hôm qua. Tuy nhiên, xét về giao dịch khớp lệnh, phiên hôm nay giảm nhẹ so với phiên hôm qua, bởi giao dịch thỏa thuận hôm nay lớn hơn với 120,6 triệu đơn vị, giá trị 2.785,1 tỷ đồng.

Đóng góp lớn cho đà tăng mạnh của thị trường hôm nay đến từ nhóm VN30 khi nhóm này có 23 mã tăng, trong khi chỉ có 7 mã giảm nhẹ, trong khi phiên sáng có tới 18 mã giảm và chỉ có 10 mã tăng. Chốt phiên, VN30-Index tăng 12,44 điểm (+0,95%), lên 1.317,69 điểm.

Trong rổ VN30, nhóm ngân hàng chính là nhóm tăng mạnh nhất với CTG tăng 3,01% lên 34.200 đồng, BID tăng 2,95% lên 50.600 đồng, VCB tăng 2,2% lên 92.800 đồng, MBB tăng 2,06% lên 24.750 đồng, TPB tăng 1,99% lên 17.900 đồng. Ngoài ra, còn có ACB tăng 1,24% lên 24.400 đồng, HDB tăng 1,12% lên 27.100 đồng, STB tăng 1,01% lên 29.950 đồng, VPB tăng 0,81% lên 18.750 đồng. Tuy nhiên, tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng là tân binh NAB với mức tăng 3,96% lên 17.050 đồng. Trong nhóm này chỉ có duy nhất VIB giảm nhẹ 0,23%, còn lại đều tăng.

Ngoài nhóm ngân hàng, rổ VN30 còn có các mã tăng khá tốt khác là POW tăng 1,85% lên 13.750 đồng, FPT tăng 1,52% lên 133.500 đồng, HPG tăng 1,36% lên 26.150 đồng, SSI tăng 1,23% lên 33.050 đồng, VHM tăng 0,89% lên 39.750 đồng…

Trong khi mã giảm mạnh nhất là PLX chỉ giảm 1,31% xuống 48.800 đồng, tiếp đến là SAB giảm 1,03% xuống 57.400 đồng.

Riêng bộ 3 ngân hàng VCB, BID và CTG đã đóng góp cho VN-Index gần 6 điểm, nếu tính thêm FPT, HPG, VHM, MBB thì đóng góp cho VN-Index hơn 8,2 điểm, trong khi 8 mã có tác động tiêu cực nhất đến VN-Index chỉ lấy đi của chỉ số này chưa tới 1 điểm.

Trong khi nhóm ngân hàng khởi sắc, thì nhóm chứng khoán, bất động sản, thép lại có sự phân hóa rõ nét. Trong đó, nhóm bất động sản và thép có xuất hiện mỗi nhóm 1 sắc tím, với bất động sản là SGR (lên 33.050 đồng) và với thép là SMC (lên 11.350 đồng).

Ngoài ra, hôm nay cũng ghi nhận mức tăng mạnh của VNE khi đóng cửa ở mức kịch trần 4.360 đồng, hay FRT tăng 6,82% lên 188.000 đồng, khớp gần 2,2 triệu cổ phiếu, có lúc đã chạm trần 188.300 đồng.

Xét về thanh khoản, 2 cổ phiếu ngân hàng là VPB và CTG dẫn đầu với 33,8 triệu đơn vị và 27,48 triệu đơn vị. Tiếp theo sau là HPG với 24,81 triệu đơn vị, VIX 22,6 triệu đơn vị, MBB khớp 21,53 triệu đơn vị, DIG khớp 21,43 triệu đơn vị và đóng cửa trái ngược với nhóm dẫn đầu thanh khoản hôm nay khi giảm 2% xuống 24.550 đồng. Ngoài ra, nhóm ngân hàng có thêm một mã nữa khớp trên 20 triệu đơn vị là TCB.

Trong khi đó, sàn HNX lại xuất phát chậm hơn khi phải tới nửa cuối phiên chiều mới bứt tốc theo sàn HOSE, leo lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa, dù mức tăng khiêm tốn hơn VN-Index.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 1,11 điểm (+0,47%), lên 238,42 điểm với 93 mã tăng và 67 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 62,6 triệu đơn vị, giảm 15% so với phiên hôm qua. Tổng giá trị 1.403,1 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,4 triệu đơn vị, giá trị 158 tỷ đồng.

Trên sàn này, trong số 6 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị hôm nay, chỉ có duy nhất CEO đóng cửa giảm 0,6% xuống 16.700 đồng, còn lại đều tăng. Trong đó, SHS vẫn là mã khớp lớn nhất với 9,95 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,48% lên 16.500 đồng, CEO khớp 8,7 triệu đơn vị; đứng thứ 3 là PVS khớp 4,76 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1% lên 40.700 đồng, tiếp đến là TNG và MBS khớp trên dưới 2,9 triệu đơn vị, đóng cửa cùng tăng 0,71% lên cùng mức giá 28.200 đồng.

UPCoM cũng hưởng ứng theo 2 sàn niêm yết dù có chút rung lắc trong nửa cuối phiên, nhưng sau đó kịp giữ vững dịp tăng để đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,4%), lên 94,48 điểm với 184 mã tăng và 108 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 59 triệu đơn vị, giá trị 1.063,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 9 triệu đơn vị, giá trị 200 tỷ đồng.

BSR vẫn có giao dịch vượt trội so với phần còn lại trên UPCoM với gần 15 triệu đơn vị, nhưng mức giá đóng cửa tăng khá nhẹ 1,25% lên 24.300 đồng, dù đón nhận thông tin tích cực là chuẩn bị lên niêm yết trên HOSE. Mã có thanh khoản tốt thứ 2 là OIL với 6,6 triệu đơn vị, đóng cửa tăng mạnh 4,7% lên 15.600 đồng. Tiếp đến là VGT khớp 2,78 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,63% lên 15.600 đồng. Mã còn lại có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị là DGT (2,67 triệu), nhưng có mức biến động giá rất mạnh khi có lúc tăng kịch trần lên 9.000 đồng, nhưng có lúc giảm xuống 7.400 đồng (tương đương mức biến động 21,6%), trước khi đóng cửa ở mức 7.500 đồng, giảm 5,06%.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai đều tăng theo thị trường cơ sở, nhưng mức tăng thấp hơn. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 9 là VN30F2409 tăng 10,4 điểm (+0,8%), lên 1.312,4 điểm với 222.394 hợp đồng được giao dịch, tương đương giá trị 29.014,8 tỷ đồng; khối lượng mở 44.906 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay có 5 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị, trong đó có 4 mã do SSI phát hành và 1 mã do HSC phát hành. Ngoài ra, còn có thêm 8 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 5 mã do SSI phát hành 2 mã do HSC phát hành và 1 mã do ACBS phát hành. Các chứng quyền này chủ yếu là của cổ phiếu ngân hàng như VPB, STB, MBB, ACB, TPB, cùng với các bluechip khác như HPG, MSN, VRE.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, hôm nay có hơn 9,38 triệu đơn vị được giao dịch, tổng giá trị 1.916,4 tỷ đồng. Trong đó, 2 mã có khối lượng giao dịch lớn nhất đều do Hưng Thịnh Quy Nhơn phát hành là HQN12101 với hơn 2,04 triệu đơn vị, giá trị 205,23 tỷ đồng và HQN12102 với gần 1,1 triệu đơn vị, giá trị 115,94 tỷ đồng. Tiếp đến là 2 mã do Tập đoàn R&H phát hành là RHG12101 với hơn 1,01 triệu đơn vị, giá trị 102,27 tỷ đồng và RHG12102 với gần 1 triệu đơn vị, giá trị 99,73 tỷ đồng. Còn xét về giá trị, 2 mã có giá trị giao dịch lớn nhất là BVC12401 do Ngân hàng Bảo Việt phát hành với 285,94 tỷ đồng, tương ứng 280 đơn vị và VIC12403 do Vingroup phát hành với 205,84 tỷ đồng, tương ứng 1.986 đơn vị.

Xem thêm tại tinnhanhchungkhoan.vn