Chuyên gia chỉ điểm mã bất động sản có thể tăng 50% trước kỳ vọng hưởng lợi từ các luật mới
Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và hơn 10 nghị định, thông tư liên quan đã được thông qua và có hiệu lực từ 1/8/2024.
Chứng khoán BIDV (BSC) tin rằng các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành luật còn lại sẽ sớm được ban hành. Mục đích là để hình thành 1 vòng tròn khép kín, nhất quán cho pháp lý các dự án bất động sản. Đặc biệt liên quan đến công tác xác định, phê duyệt tiền sử dụng đất - nguyên nhân khiến cho hơn 50% số lượng dự án bất động sản bị tắt pháp lý.
Nguồn: BSC |
Hiện, CTCP Tập đoàn Đạt Phương (HoSE: DPG) sở hữu dự án Casamia Balanca, quy mô 31,1ha tại TP Hội An, Quảng Nam – dự án lớn nhất trong danh mục dự án bất động sản từ trước đến nay. Đây là một trong các phần đất được tỉnh Quảng Nam thanh toán đối ứng cho dự án BT Cầu Đế Võng và đường dẫn lên cầu do Đạt Phương thi công năm 2016.
Dự án chỉ còn khoảng 0,6ha đất (1 hộ dân) cần đền bù, vừa được tỉnh phê duyệt thay đổi chủ trương đầu tư gia hạn thời gian hoàn thành tới cuối năm 2025 và đang chờ tỉnh chấp thuận phương án xác định tiền sử dụng đất để triển khai dự án.
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, ban lãnh đạo công ty kỳ vọng có thể hoàn thiện toàn bộ pháp lý dự án trong quý III và có thể mở bán từ cuối năm 2024 hoặc đầu năm 2025.
Casamia Balanca đủ điều kiện pháp lý để tiếp tục triển khai sẽ là một động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2025-2026. Qua đó mở ra cơ hội lớn để cổ phiếu được tái định giá về giá trị hợp lý.
BSC kỳ vọng dự án sẽ hoàn thiện các thủ tục pháp lý trong nửa cuối năm, mở bán và có thể bàn giao ghi nhận doanh thu các sản phẩm đã xây dựng phần thô trong năm 2025.
Casamia Balanca được dự phóng sẽ mang về dòng tiền ròng khoảng 2.016 tỷ đồng trong năm 2025-2028 bổ sung nguồn tài chính quan trọng cho DPG: (1) mở rộng quỹ đất để triển khai các dự án gối đầu khác, (2) đầu tư capex cho mảng kinh doanh mới - nhà máy sản xuất kính hoa siêu trắng.
Nguồn: BSC |
Bên cạnh đó, 2 mảng kinh doanh còn lại của DPG cũng được BSC đánh giá cao.
Mảng xây lắp hạ tầng – năng lực đấu thầu, thi công, nhóm phân tích tin rằng DPG sẽ duy trì vị thế và trúng thêm các gói thầu mới trong trung hạn khi đầu tư công cho hạ tầng giao thông vẫn được Chính phủ chú trọng.
Đạt Phương sở hữu thế mạnh triển khai thi công các công trình hạ tầng cầu và giao thông thủy lợi thông qua các công trình cầu Mỹ Thuận 2, cầu Cửa Đại, cầu Sông Đáy...
Kể từ năm 2018, nắm bắt được nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, DPG bắt đầu: (1) tham gia vào các liên danh đấu thầu dự án hạ tầng nhằm củng cố hồ sơ năng lực và (2) tích cực gia tăng quy mô vốn điều lệ từ 119 tỷ đồng năm 2017 lên mức 630 tỷ đồng năm 2021 để sẵn sàng đáp ứng năng lực tài chính cho các gói thầu lớn hơn.
Nguồn: BSC |
Mảng thủy điện – La Nina, BSC kỳ vọng sản lượng điện thương phẩm sẽ ghi nhận phục hồi tăng 8% so với cùng kỳ trong năm 2024 và tiếp tục tăng 10% trong năm 2025.
DPG hiện đang vận hành 4 nhà máy thủy điện nhỏ bao gồm Thủy điện Sông Bung 6 (29MW), Sơn Trà 1A (30MW), Sơn Trà 1B (30MW) và Sơn Trà 1C (9MW).
Theo thông tư 07/2024/TT-BCT Quy định phương pháp xác định giá phát điện hợp đồng mua bán điện, nhà máy thủy điện nhỏ (công suất không quá 30MW) áp dụng biểu giá chi phí tránh được và không tham gia vào thị trường điện cạnh tranh, do đó tăng trưởng sản lượng từ La Nina sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận nhờ: (1) giá bán điện trung bình duy trì đi ngang trong khi (2) chi phí của mảng thủy điện chủ yếu là khấu hao cố định.
Dựa trên triển vọng kinh doanh, nhóm phân tích đưa ra khuyến nghị mua cổ phiếu DPG với giá mục tiêu 76.800 đồng/cp, cao hơn 45% so với giá đóng cửa phiên 20/8.
Diễn biến giá cổ phiếu DPG |
Đáng chú ý, tính từ đầu năm, mã này đã tăng 33% lên mức thị giá hiện tại.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn