Chuyên gia: Nhà đầu tư phái sinh sẽ thiệt hại lớn nhất khi hệ thống VNDirect bị tấn công

Chuyên gia: Nhà đầu tư phái sinh sẽ thiệt hại lớn nhất khi hệ thống VNDirect bị tấn công
Cổ phiếu VND chịu áp ực bán mạnh trong phiên sáng 26/3

Hôm nay (26/3) đã là ngày thứ 3 hệ thống của Công ty Chứng khoán VNDirect bị lỗi sau sự cố bị tấn công và là phiên giao dịch thứ 2 liên tiếp.

Đáng chú ý, ngay từ trước phiên giao dịch hôm nay, VNDirect khẳng định sự cố tấn công mạng đã được khắc phục và cố gắng đưa giao dịch trở lại trong thời gian sớm nhất.

Thông báo mới đây từ VNDirect: "Sau hai ngày xử lý liên tục từ team công nghệ thì đã bắt đầu làm chủ lại hệ thống và bắt đầu tăng tốc trong việc khôi phục hệ thống, tuy nhiên trong với lượng dữ liệu lớn, hệ thống xử lý mất nhiều thời gian hơn rất nhiều so với dự kiến ban đầu. Hôm nay, VNDirect bắt đầu bật lại dần một số nền tảng nội bộ, một số dịch vụ cơ bản tuy nhiên thời gian để khắc phục toàn bộ dự kiến sẽ mất thời gian hơn. Các anh em công nghệ đang cố gắng để hệ thống có thể bắt đầu vận hành trở lại vào sáng thứ Năm.

Hiện nay, VNDirect đã huy động tối đa nguồn lực công nghệ, sự hỗ trợ tối đa từ phía các đối tác như FPT, Viettel, BKAV và tất cả anh em ex-VNDirector để khắc phục.

Về phía công ty cũng đang chuẩn bị các phương án chuẩn bị để có các chính sách hỗ trợ khách hàng trong giai đoạn vừa qua và sắp tới".

Chiếu theo chia sẻ của công ty, phải chờ thêm 2 ngày nữa để hệ thống của VNDirect có thể quay trở lại hoạt động ổn định.

Dẫn nguồn VTV, các chuyên gia công nghệ và lãnh đạo nhiều công ty chứng khoán cho rằng, sự cố tại VNDirect cho thấy mức độ ảnh hưởng tới hệ thống giao dịch là không nhỏ dù tài sản của khách hàng thì vẫn còn.

Ông Nguyễn Mạnh Luật - Giám đốc Trung tâm Đào tạo An toàn Thông tin CyberJutsu nhận định: "Dù không ảnh hưởng tới tài sản của người giao dịch song sự cố có thể làm lộ lọt thông tin cá nhân của những tập khách hàng và từ đó những kẻ xấu có thể tiếp tục lừa đảo trên mạng online".

Giới phân tích đánh giá, thiệt hại lớn nhất trong sự cố không giao dịch được này sẽ thuộc về nhà đầu tư chứng khoán phái sinh do thường sử dụng tỷ lệ đòn bẩy cao bên cạnh các giao dịch mua bán thông thường. Dù vậy, rất khó để xác định mức độ thiệt hại của nhà đầu tư.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: "Rất khó để xem xét trách nhiệm, nhất là trách nhiệm bồi thường. Việc có tham gia hay không tham gia thì rất khó để chứng minh được hậu quả, thiệt hại bao nhiêu, thiệt hại như thế nào, có hay không có giao dịch. Cho nên gần như là vấn đề còn bỏ ngỏ từ trước đến nay. Đã từng xảy ra nhiều việc như vậy nhưng pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm".

Xem thêm tại nguoiquansat.vn