Chuyên gia PHS: Nửa cuối năm là "giai đoạn vàng" cho DN bứt phá, tổng lợi nhuận dự tăng 18%

"Nửa cuối năm 2024 là thời điểm vàng cho các doanh nghiệp (DN) trong nước thể hiện sự bứt phá. khi mà các điều kiện kinh tế được cải thiện trong bối cảnh mà các Ngân hàng Trung ương trên toàn cầu sẽ bắt đầu quay trở lại chu kỳ tiền rẻ", chia sẻ của bà Bùi Thị Quỳnh Nga - Chuyên viên Phân tích Cao Cấp Vĩ mô và chiến lược Chứng khoán Phú Hưng (PHS) – tại Hội thảo đầu tư mới đây.

Với triển vọng kinh tế toàn cầu cải thiện, trong nước Chính phủ tiếp tục duy trì môi trường lãi suất thấp, thu hút nguồn vốn FDI… PHS dự báo tăng trưởng lợi nhuận toàn thị trường sẽ đạt 18% trong năm 2024, tương ứng với P/E kỳ vọng là 12,2. Đây là mức khá hấp dẫn trong bối cảnh hiện nay.

Trong đó, các chuyên gia nhấn mạnh triển vọng tại nhóm xuất khẩu và bất động sản. Cụ thể:

Thứ nhất, ở nhóm DN bất động sản: Việc 4 luật mới đi vào áp dụng sẽ giúp thị trường thanh lọc trong nửa cuối năm 2024.

Theo PHS, thị trường bất động sản đã bắt đầu có dấu hiệu của sự phục hồi. Thông qua kỳ vọng giảm lãi suất vay mua nhà, hoàn thiện khung pháp lý giúp thông tin minh bạch hơn, xây dựng lại niềm tin của người mua nhà và các hoạt động môi giới nhà đất, hỗ trợ cho sự phục hồi mạnh doanh số bán hàng trong nửa cuối năm 2024.

Mặt khác, các rủi ro tiềm ẩn của thị trường theo PHS hầu như đã được phản ánh vào đợt sụt giảm mạnh hồi cuối 2022. Sang năm 2023, câu chuyện của thị trường chủ yếu xoay quanh chủ yếu các chính sách hỗ trợ, tạo thanh khoản cũng như gia hạn/chuyển đổi nhóm nợ với mục tiêu giữ cho thị trường bất động sản không bị đổ vỡ dây chuyền.

Dù vậy, không phải tất cả các DN trong ngành đều phục hồi, mà chỉ có những đơn vị đủ năng lực mới có thể tồn tại và phát triển qua giai đoạn này. Bởi, năm 2024 tiếp tục là giai đoạn "cao trào" đáo hạn trái phiếu DN bất động sản với tổng giá trị lên đến 144.000 tỷ đồng. Điều này sẽ tạo áp lực lên dòng tiền của các DN trong bối tâm lý người mua nhà chỉ vừa mới phục hồi sau.

Ở diễn biến khác, việc cho phép người nước ngoài được đầu tư và sở hữu bất động sản tại Việt nam dễ dàng hơn cũng là một trong số tạo động lực cho chu kỳ tăng trưởng mới của ngành này. Dựa trên dữ liệu và quan sát của mình, chuyên gia PHS đưa ra đánh giá lạc quan với các đơn vị như Vinhomes (VHM), Nam Long (NLG) và Khang Điền (KDH), dựa trên 3 yếu tố là quỹ đất tiềm năng, sức khỏe tài chính an toàn và định giá hấp dẫn.

Thứ hai, nhóm ngành xuất khẩu: Theo PHS, xuất khẩu duy trì tăng trưởng trong 4 quý liên tiếp, bình quân tăng trưởng gần 15% sau 6 tháng đầu năm. Trong đó, nhóm sản phẩm có lợi thế như dệt may đang phục hồi khá mạnh, nhu cầu dự báo tiếp đà tăng trong nửa cuối năm.

Mặt khác,căng thẳng Mỹ - Trung cũng đã và đang mang lại lợi thế cho Việt Nam khi các sản phẩm của Trung Quốc luôn bị áp thuế cao và Mỹ đang dần coi Việt Nam là một nền "kinh tế thị trường" thực thụ.

Chuyên gia PHS: Nửa cuối năm là

Ảnh: Bà Bùi Thị Quỳnh Nga - Chuyên viên Phân tích Cao Cấp Vĩ mô và chiến lược Chứng khoán Phú Hưng (PHS).

Tựu chung, nội lực DN sẽ góp phần thúc đẩy thị trường chứng khoán sôi nổi hơn trong 2024, PHS kỳ vọng thị trường chứng khoán là kênh đầu tư đáng quan tâm thời gian tới.

Chưa kể, Chính phủ cũng thể hiện sự chỉ đạo sát sao với quyết tâm nâng hạng thị trường. Đây là cơ sở cho sự phát triển trong dài hạn của TTCK bên cạnh sự phát triển của nền kinh tế.

Về tỷ giá, dự báo thời gian tới có thể chững lại hoặc giảm. Bởi, nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất, giá trị đồng USD sẽ giảm, từ đó kéo tỷ giá xuống. Do đó, trong 6 tháng cuối năm, tỷ giá có thể sẽ hạ nhiệt và ở mức trung bình với tỷ giá tăng mạnh hiện nay. Nền kinh tế bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ và nhờ vậy TTCK sẽ có nhiều cơ hội.

Cuối cùng, hệ thống giao dịch KRX đã và đang được xúc tiến cũng là chất xúc tác dự mang lại nhiều lợi ích cho thị trường chứng khoán Việt Nam như tăng thanh khoản, nâng cao hiệu quả hoạt động và thu hút nhà đầu tư nước.

Trong kịch bản tích cực, công ty chứng khoán này kỳ vọng VN-Index có thể chạm 1.452 điểm.

Xem thêm tại cafef.vn