Có 4 động lực thúc đẩy tiêu dùng phục hồi từ đáy: Điểm tên các doanh nghiệp hưởng lợi lớn
CTCP Chứng khoán VNDirect (mã CK: VND) vừa công bố Báo cáo chiến lược nửa cuối năm 2024, trong đó đội ngũ phân tích cho biết hoạt động tiêu dùng nội địa đang trong quá trình hồi phục từ vùng đáy.
4 yếu tố thúc đẩy tiêu dùng cải thiện nửa cuối năm
Cụ thể, tăng trưởng tiêu dùng trong nước đạt mức 8,6% trong 6 tháng đầu năm nay. Theo VNDirect, mức tăng này không đạt kỳ vọng do chịu áp lực lạm phát kể từ quý IV/2023, đồng thời các khoản tích lũy của một bộ phận người dân chưa phục hồi hoàn toàn sau giai đoạn khó khăn trước đó.
Tuy nhiên, thu nhập của người tiêu dùng dự kiến sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm nay do chỉ số PMI Việt Nam đã có 3 tháng liên tiếp duy trì trên 50 điểm, thậm chí đạt 54,7 điểm trong tháng 6, mức cao nhất 2 năm trở lại đây. Đồng thời các số liệu về đơn đặt hàng, giá trị xuất khẩu đều tăng mạnh cho thấy nền kinh tế sẽ tiếp tục tăng tốc.
Nguồn: Báo cáo chiến lược CTCP Chứng khoán Vndirect |
Bên cạnh đó, báo cáo của Vndirect cũng chỉ ra 4 yếu tố sẽ hỗ trợ hoạt động tiêu dùng cải thiện. Thứ nhất, người tiêu dùng đang trở nên lạc quan hơn về tình hình kinh tế khi chỉ số niềm tin đạt mức cao nhất trong 5 quý.
Thứ hai, để hỗ trợ lĩnh vực tiêu dùng trong nước, Chính phủ dự kiến gia hạn giảm 2% thuế VAT thêm 6 tháng nữa đến hết năm 2024 và chi 2,9 tỷ USD ( ~0,7% GDP) để thực hiện cải cách tiền lương trong năm 2024.
Thứ ba, lượng khách du lịch dự kiến tăng kéo theo nhu cầu ăn uống và các hoạt động giải trí tăng.
Cuối cùng, chỉ số việc làm công nghiệp tại một số ngành thâm dụng lao động đang có sự cải thiện nhẹ. Với triển vọng giá trị xuất khẩu tăng 11% so với cùng kỳ, Vndirect kỳ vọng thị trường lao động và thu nhập của người tiêu dùng sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2024 và 6 tháng đầu năm 2025.
Những nhóm ngành nào sẽ hưởng lợi?
VNDirect cho rằng, xu hướng giảm giá hàng hóa toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ giúp giảm áp lực lên biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu. Do vậy, dự báo lợi nhuận tăng trưởng của các doanh nghiệp này đến từ biên lợi nhuận gộp cải thiện.
Nhóm hàng hóa không thiết yếuu ghi nhận nhu cầu sản phẩm ICT sẽ cải thiện. Các doanh nghiệp bán lẻ ICT đang có xu hướng duy trì quy mô hệ thống phân phối trong giai đoạn 2024-2025 và tập trung vào việc cải thiện doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng sau đợt tăng nóng về số lượng các cửa hàng bán lẻ ICT trước đó.
Nhóm chuyên gia cho rằng, biên lợi nhuận ròng của các nhà bán lẻ ICT sẽ cải thiện nhờ (1) cải thiện doanh số trên mỗi cửa hàng; (2) tối ưu hóa chi phí hoạt động, và (3) là cải thiện biên lợi nhuận gộp sau khi cuộc chiến về giá hạ nhiệt.
Theo nhóm chuyên gia, doanh thu ngành điện thoại di dộng sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng doanh thu năm 2024 khi nhu cầu tiêu dùng phục hồi. VNDirect kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của Digiworld (DGW) mở rộng 0,3 điểm %/0,2 điểm % trong năm 2024-2025 nhờ thay đổi cơ cấu sản phẩm.
Trong đó các chuyên gia nhận thấy, nhóm các sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn đóng góp nhiều hơn vào doanh thu của Digiworld. Chuyên gia dự báo lợi nhuận ròng năm 2024 của Digiworld sẽ tăng trưởng khoảng 49%; và tiếp tục đạt tỷ lệ tăng trưởng 25% trong năm 2025. về doanh thu, dự kiến Digiworld đạt mức tăng 22% trong năm 2024 và tiếp tục tăng khoảng 16% trong năm 2025. Tính riêng quý I/2024 vừa qua Digiworld đã đạt mức tăng trưởng doanh thu 26% so với cùng kỳ.
Nhóm hàng hóa thiết yếu, chuỗi bán lẻ hướng tới mục tiêu có lãi nhờ tiếp tục mở rộng hệ thống phân phối, cải thiện doanh số trên mỗi cửa hàng, nhằm tận dụng xu hướng dịch chuyển thói quen mua sắm từ kênh bán lẻ truyền thống sang kênh hiện đại.
Bản thân các nhà bán lẻ tạp hóa cũng đang tái cấu trúc mô hình vận hành cửa hàng cũng như mở rộng hệ thống phân phối để bắt kịp xu hướng. Bách Hóa Xanh có kế hoạch mở 100 cửa hàng mới trong năm 2024, trong khi WinCommerce (WCM) của Masan (MSN) dự định nâng tổng số cửa hàng lên 4.000 từ 3.600 cửa hàng thời điểm cuối 2023.
Các nhóm doanh nghiệp sản xuất như ngành sữa sẽ hưởng lợi nhờ cải thiện chi phí đầu vào. Theo Rabobank, giá sữa toàn cầu có thể phục hồi chậm hơn dự kiến do nhu cầu yếu và các sản phẩm sửa nội địa ở Trung Quốc tăng, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu của nước này giảm.
Nhóm chuyên gia cũng kỳ vọng giá đường trong nước năm 2024 sẽ giảm nhẹ theo xu hướng chung thế giới.
Với các doanh nghiệp trong ngành, Đường Quảng Ngãi (QNS) hưởng lợi khi giá đậu nành thế giới giảm sẽ khiến biên lợi nhuận gộp mảng sữa đậu nành tăng.
Vinamilk (VNM) đã chốt giá sữa bột đầu vào đến tháng 10/2024 thấp hơn so với mức giá trong quý I/2024 và 2023. Trong bối cảnh giá sữa bột thế giới ổn định, nhóm chuyên gia kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp sẽ cải thiện.
Nhóm ngành chăn nuôi ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh từ mức nền thấp. Giá nhập khẩu ngô, lúa mì, đậu tương đã giảm mạnh - đây là những nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Trong nước, hầu hết các doanh nghiệp sản xuất thịt ghi nhận lợi nhuận tăng trơng quý I/2024, trong đó còn có tác động từ việc giá lợn hơi bình quân tăng so với mức trung bình 2 năm gần đây.
Trong xu hướng phát triển ngành chăn nuôi, các doanh nghiệp 3F tiếp tục mở rộng quy mô trang trại, trong khi đó nguồn cung từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang có xu hướng thu hẹp do lo ngại biến động chi phí thức ăn chăn nuôi và rủi ro bệnh tật.
Nhóm doanh nghiệp bán lẻ trang sức sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận ổn định. Hiện tại tầng lớp trung lưu tại Việt Nam tăng lên, hỗ trợ gia tăng chi tiêu tiêu dùng cho các mặt hàng xa xỉ, đặc biệt là nhu cầu về trang sức, thời trang chất lượng cao.
Dẫn đầu xu thế thị trường trang sức có thương hiệu, PNJ có khả năng tận dụng các xu hướng này và gia tăng thị phần từ phân khúc không có thương hiệu.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn