‘Cổ đất’ đắt hàng

Chiều nay là thời điểm cổ phiếu mua trong phiên thị trường bùng nổ ngày thứ 6 tuần trước (16/8) về tài khoản. Với việc thị trường tiếp đà tăng liên tục, VN-Index tăng 50 điểm qua 3 phiên, nhiều nhà đầu tư “đua lệnh” trong phiên 16/8 đã ghi nhận lợi nhuận.

Dù vậy, áp lực bán trong ngày hàng về không lớn, đà tăng càng được củng cố trong phiên chiều, dưới sự dẫn dắt của các trụ cột ngân hàng, nhóm bất động sản. Tiền đổ vào thị trường cũng mạnh hơn, khớp lệnh 11.000 tỷ đồng, cao gần gấp đôi phiên sáng.

Sự trở lại đồng đều của các mã lớn trong nhóm ngân hàng như VCB, BID, CTG đóng góp đáng kể vào đà tăng của VN-Index. “Anh cả” VCB đóng góp tới 2,7 điểm, trở thành mã giao dịch tích cực nhất hôm nay. Đà tăng còn được củng cố nhờ BID, CTG, VPB…

‘Cổ đất’ đắt hàng ảnh 1

Nhiều mã bất động sản tăng trần.

Giao dịch đáng chú ý ghi nhận tại nhóm bất động sản, với IDI, HPX, DXG, PDR, FDC cùng tăng trần. Các mã như DXG, PDR trắng bên bán, cuối phiên vẫn còn hàng triệu cổ phiếu chờ mua giá trần.

Sắc xanh bao phủ toàn ngành bất động sản, đi kèm thanh khoản cao ở những mã dẫn đầu như VHM, DIG. VHM giao dịch gần 690 tỷ đồng, đóng cửa tăng 2% lên 39.400 đồng/cổ phiếu và nằm trong top 3 mã có giao dịch tích cực nhất.

Cùng với sự khởi sắc của nhóm bất động sản, các mã vật liệu hay xây dựng cũng tăng giá. Cổ phiếu nhà thầu, xây dựng như HTN, EVG, HHV, CTG, VCG, FCN… ngập trong sắc xanh.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 10,93 điểm (0,87%) lên 1.272,55 điểm. HNX-Index tăng 1,3 điểm (0,55%) lên 237,31 điểm. UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (0,41%) lên 94,1 điểm. Thanh khoản tăng trở lại, giá trị khớp lệnh HoSE lên gần 18.000 tỷ đồng. Khối ngoại cũng quay lại mua ròng gần 310 tỷ đồng, tập trung vào VCB, FPT, MWG, DPM…

Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa bổ sung 5 cổ phiếu vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ, gồm: DIH của Công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng - Hội An, TTH của CTCP Thương mại và Dịch vụ Tiến Thành, WSS của Công ty CP Chứng khoán Phố Wall, CET của Công ty CP HTC Holding và KDM của Công ty CP Tập đoàn GCL. Nguyên nhân do lợi nhuận sau thuế trong nửa năm 2024 hoặc lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 30/6 trong báo cáo bán niên được xét soát của doanh nghiệp là số âm.

Xem thêm tại tienphong.vn