Cổ đông ngân hàng kỳ vọng mùa đại hội

Kỳ vọng chia cổ tức và tăng vốn

Theo thông tin được một số ngân hàng công bố, các chuyên gia và cổ đông đang kỳ vọng về những kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm không thể chia cổ tức bằng tiền mặt do cần dùng vốn bổ sung để đảm bảo các tiêu chí Basel II và yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Hồi cuối tháng 1, tại cuộc họp với nhà đầu tư, đại diện lãnh đạo Techcombank đã hé lộ thông tin về kế hoạch chia cổ tức sau 10 năm giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tái đầu tư. Theo đó, ngân hàng dự kiến trình ĐHĐCĐ kế hoạch chia cổ tức tiền mặt hàng năm bằng cách trích ít nhất 20% trên tổng lợi nhuận – tương đương 4-5% vốn chủ sở hữu của Techcombank tại thời điểm đầu năm, ước tính khoảng 1.500 đồng/cổ phiếu cho năm 2024. Đại diện Techcombank cho hay, việc duy trì chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt hàng năm trong khi vẫn tiếp tục đà tăng trưởng kinh doanh cao trên mức trung bình ngành và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn (CAR) từ 14-15% là hoàn toàn khả thi.

Mới đây, VIB đã chi hơn 1.500 tỷ đồng tạm ứng cổ tức tiền mặt năm 2023 cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 6%. Với VPBank, tại ĐHĐCĐ năm 2023, lãnh đạo ngân hàng này đã chia sẻ về kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong 5 năm bắt đầu từ năm 2023, bởi với nền tảng vốn như hiện có thì VPBank đủ sức duy trì và dành 30% lợi nhuận hàng năm để chia tiền mặt cho cổ đông. Như vậy, nhiều khả năng, VPBank sẽ tiếp tục đề xuất chính sách chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Ngoài ra, một số ngân hàng khác thực hiện chia một phần cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 như ACB, HDBank, MB…

Tuy vậy, vẫn có ngân hàng chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn. Ngân hàng PG Bank đã chốt danh sách cổ đông để thưởng cổ phiếu với tỷ lệ 10:4 (sở hữu 10 cổ phiếu sẽ được nhận 4 cổ phiếu thưởng). Nguồn vốn phát hành cổ phiếu được lấy từ lợi nhuận lũy kế và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ theo báo cáo tài chính của ngân hàng năm 2022. Thực hiện thành công, vốn điều lệ của PG Bank sẽ từ 3.000 tỷ đồng lên 4.200 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên PG Bank tăng vốn sau gần 13 năm và cũng là lần đầu tiên ngân hàng này chia cổ tức bằng cổ phiếu thưởng sau gần 12 năm.

Hay với Nam A Bank, cùng với việc chuyển niêm yết cổ phiếu NAB từ sàn UPCoM sang HoSE vào ngày 8/3 vừa qua nhằm tăng tính thanh khoản, đa dạng hóa cơ cấu cổ đông, ngân hàng này còn dự định duy trì cổ tức ở mức 20% bằng cổ phiếu để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, cạnh tranh và đảm bảo lợi ích cổ đông.

HĐQT LPBank dự kiến trình cổ đông thông qua tờ trình về phương án phát hành cổ phiếu năm 2024 để tăng vốn điều lệ. Trong năm 2023, vốn điều lệ ngân hàng này đã tăng thêm 47% (tương ứng 8.285 tỷ đồng) lên mức 25.576 tỷ đồng. Đáng chú ý, kể từ năm 2018 đến nay, LPBank “miệt mài” tăng vốn điều lệ quy mô lớn từ 20-47% mỗi năm thông qua các hình thức khác nhau, chủ yếu là chia cổ tức bằng cổ phiếu và chào bán cổ phiếu cho cổ đông.

Ngoài ra, một số ngân hàng đã lên kế hoạch tăng vốn theo phương án phát hành cổ phiếu. Vietcombank có kế hoạch phát hành riêng lẻ tương đương 6,5% vốn điều lệ trước thực hiện cho nhà đầu tư tổ chức. BIDV cũng lên kế hoạch phát hành riêng lẻ tương đương 9% vốn điều lệ. MB tiếp tục tiến hành kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu (1,3% số cổ phiếu trước thực hiện) cho Tập đoàn Viễn thông Quân đội... Đồng thời nhiều ngân hàng còn dự kiến phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.

Mục tiêu lợi nhuận khả quan hơn

Cùng với những lợi ích nhận được, các cổ đông cũng đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Bởi kết quả kinh doanh càng khả quan thì giá trị cổ phiếu càng được củng cố.

Với quán quân lợi nhuận năm 2023, “ông lớn” Vietcombank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10% năm 2024. 3 ngân hàng có vốn nhà nước còn lại vẫn để ngỏ mục tiêu này. Còn trong nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, có ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng 2 con số, nhưng cũng có ngân hàng “dè dặt” ở mức khiêm tốn. Trong đó, tham vọng đột phá phải kể đến Eximbank với mục tiêu tăng trưởng hơn 90%, lên 5.180 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2024. HDBank và VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trên 20%. MB kỳ vọng lợi nhuận sẽ đạt hơn 28.800 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023…

Lợi nhuận ngành ngân hàng được Công ty Chứng khoán Vietcombank đánh giá tích cực trong năm nay khi dự báo đạt mức tăng trưởng khoảng 10% nhưng sẽ có sự phân hoá mạnh, một số ngân hàng thuộc nhóm quy mô nhỏ sẽ tiếp tục giảm tốc, thậm chí tăng trưởng âm. Theo các chuyên gia, kinh tế năm nay dự kiến phục hồi hơn, nhu cầu vốn sẽ tăng từ quý 2 nên lợi nhuận ngân hàng sẽ tốt hơn. Những yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm 2024 bao gồm biên lãi ròng phục hồi, tăng trưởng tín dụng cao hơn và nền lãi suất thấp đã được thiết lập trong năm 2023.

Tuy nhiên, đi kèm những mặt đạt được thì cổ đông cũng quan tâm về tình hình nợ xấu, bởi trong năm 2023, đa số ngân hàng phải đối mặt với thực trạng nợ xấu tăng kể cả về giá trị và tỷ lệ trên tổng dư nợ. Điều này đã khiến các ngân hàng phải tăng mức trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng tới kết quả lợi nhuận. Nên trong năm 2024, nếu tình hình nợ xấu còn tiếp diễn, nhất là khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm, Thông tư 02/2023/TT-NHNN sắp hết hiệu lực… thì bức tranh tài chính, kinh doanh của ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều áp lực.

Xem thêm tại haiquanonline.com.vn