Thị trường vào nhịp biến động khá mạnh

Thị trường chứng khoán trong nước đã duy trì quá trình tăng điểm tích cực sau nhịp giảm khá mạnh tháng 4. Tính từ đợt giảm về dưới mức 1.200 điểm, chỉ số VN-Index đã hồi phục khá mạnh và tiệm cần vùng đỉnh 1.280 - 1.290 điểm kể từ cuối năm 2022. Áp lực bán chốt lời mạnh cũng xuất hiện khi chỉ số tiến tới vùng kháng cự này và thực tế thị trường đã trải qua một phiên giảm sâu ngày 24/5 với thanh khoản tăng vọt.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, việc thị trường chứng khoán trong nước chịu nhịp rung lắc là diễn biến khá bình thường trong bối cảnh đã trải qua 4 tuần tăng liên tiếp trước đó. Trên thực tế, thị trường đã có 2 phiên phục hồi và đưa chỉ số VN-Index lấy lại mốc 1.280 điểm (đạt 1.281,73 điểm - kết phiên ngày 28/5).

Cơ hội vượt đỉnh vẫn còn, chờ dòng tiền lên tiếng
Diễn biến kỹ thuật chỉ số VN-Index. Nguồn: SSI Research

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, một chuyên gia cho rằng, không phủ nhận việc thị trường bước vào giai đoạn rủi ro hơn, tuy nhiên, các phiên rung lắc ngắn hạn chưa đủ tín hiệu để khẳng định cho xu hướng ngắn hạn hay trung hạn. “Tôi vẫn giữ quan điểm thị trường cần những nhịp rung lắc để tích lũy để tạo đà tăng vững chắc hơn. Thị trường đã trải qua nhịp tăng tốt thì việc xuất hiện các phiên điều chỉnh là bình thường để dòng tiền hấp thụ lượng cung mới” – chuyên gia này cho hay.

Bên cạnh nguyên nhân động thái của FED hay thị trường vào vùng trũng thông tin, ông Nghiêm Sỹ Tiến – Chuyên viên chiến lược đầu tư của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), còn cho rằng, việc nâng lãi suất OMO của Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ là động thái tạo tiền đề cho việc nâng lãi suất trên thị trường 1, khi đó tác động lên thị trường chứng khoán sẽ đáng kể bởi khả năng các ngân hàng sẽ phải nâng lãi suất huy động.

“Trong giai đoạn đầu, áp lực tỷ giá chưa tạo quá nhiều sức ảnh hưởng lên chỉ số bởi các động thái can thiệp vẫn mang tính gián tiếp nhiều hơn. Tuy nhiên, đến nay Ngân hàng Nhà nước đã giảm lượng dự trữ ngoại hối lên đến hơn 3 tỷ USD và con số này nhiều khả năng sẽ còn tăng lên. Do vậy, vấn đề về tỷ giá vẫn sẽ là mối lo ngại trong thời gian tới không chỉ với tình hình vĩ mô mà còn đối với thị trường chứng khoán” – ông Tiến cho biết thêm.

Chờ phán quyết của dòng tiền

Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, thị trường vào giai đoạn biến động mạnh, xen kẽ các phiên tăng mạnh hoặc giảm mạnh và diễn biến bình thường. Bà Nguyễn Thị Mỹ Liên - Trưởng phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), vẫn giữ quan điểm khả năng đây chỉ là nhịp điều chỉnh ngắn do gặp áp lực từ vùng cung quanh đỉnh cũ 1.290 điểm và cho rằng, thị trường có thể sớm tăng trở lại vượt đỉnh tháng 3/2024.

Theo chuyên gia của PHS, các thông tin đáng lo ngại nhất đã ra. Bên cạnh đó, việc bán ròng của khối ngoại lũy kế đã vượt quá con số 1 tỷ USD nhưng cần nhìn nhận rằng giao dịch của khối ngoại chỉ chiếm đâu đó khoảng 10% tỷ trọng giao dịch và tác động tâm lý là chủ yếu. Thực tế, lợi suất của VN-Index trong tháng 5 khá tốt, dòng tiền trong nước vẫn là lực đỡ chính. Lãi suất huy động dù có tăng nhưng vẫn ở mức thấp quanh 4 - 5% cho kỳ hạn 12 tháng và tôi nghĩ sẽ chỉ tăng thêm khoảng 0,5 - 1% nữa cho đến cuối năm.

Cơ hội vượt đỉnh vẫn còn, chờ dòng tiền lên tiếng
Cơ hội vượt đỉnh vẫn còn, chờ dòng tiền lên tiếng

“Vì vậy, tôi cho rằng các lực cản này mặc dù sẽ khiến thị trường gặp ít nhiều khó khăn khi tiếp cận vùng đỉnh và lùi lại về các mốc hỗ trợ, nhưng điều đó không đủ khiến thị trường đảo chiều xu hướng tăng” – bà Mỹ Liên nhấn mạnh.

Theo một chuyên gia khác, thị trường hiện cần thêm thời gian để kiểm định sức mạnh của dòng tiền. Thanh khoản cho chững lại sau phiên giảm mạnh tuần trước, nhưng cũng đã cho thấy sự hồi phục tốt. Các diễn biến của thị trường tiền tệ không “mỹ mãn” như giai đoạn trước, nhưng cũng chưa đủ sức làm giảm sự hấp dẫn của dòng tiền trên thị trường chứng khoán. Nếu dòng tiền giữ nhịp và luân chuyển tốt giữa các nhóm ngành, VN-Index vẫn còn cơ hội tiến tới mốc 1.300 điểm.

Hiện tại nhà đầu tư cá nhân cũng như tổ chức trong và ngoài nước đều đang theo dõi hành động cụ thể của FED để nhận định tình hình vĩ mô. Vì vậy, trước thông tin FED sẽ giữ mức lãi suất hiện tại trong thời gian lâu hơn, nhà đầu tư đã thận trọng hơn. Do vậy, dòng tiền tức thời sẽ hành động phòng thủ và sớm quay lại sớm khi tín hiệu tích cực xuất hiện.

Dòng tiền sẽ tiếp tục luân chuyển

Cơ hội vượt đỉnh vẫn còn, chờ dòng tiền lên tiếng

“Thị trường chứng khoán trong nước đang gặp áp lực tâm lý và giằng co trong ngắn hạn, tôi cho rằng dòng tiền sẽ tiếp tục luân chuyển và chỉ số sẽ tiếp tục ghi nhận “đi ngang” quanh vùng hỗ trợ trước khi bước vào nhịp tăng mới” - bà Nguyễn Thị Mỹ Liên.