Có nên kỳ vọng ngân hàng giảm tiếp lãi vay?

Theo cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tăng trưởng tín dụng 10 tháng đầu năm mới đạt 10,08%. Như vậy, với mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 là 15%, dư địa tín dụng cho 2 tháng còn lại là khá lớn, khoảng 5%. Đây sẽ là cơ hội cho các ngân hàng chạy đua giành thị phần, đặc biệt cuối năm lại là giai đoạn cao điểm về nhu cầu vốn của doanh nghiệp.

Ngân hàng tung loạt gói vay ưu đãi

Theo thống kê NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2,5%/năm trong năm 2023; 10 tháng năm 2024, lãi suất cho vay bình quân giảm tiếp 0,76%/năm so với cuối năm 2023.

Hiện, các ngân hàng đang triển khai loạt gói tín dụng ưu đãi, cho vay lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cuối năm, với mức lãi suất cho vay ngắn hạn dao động từ 4,5-6,5%/năm; lãi suất trung, dài hạn dưới 9%/năm.

Điển hình, Sacombank có gói tín dụng cho vay ngắn hạn quy mô 15.000 tỷ đồng, lãi suất từ 4,5%/năm với khách hàng doanh nghiệp; với khách hàng cá nhân, lãi suất từ 5,5%/năm khi vay sản xuất, kinh doanh.

-7175-1732010851.jpg

Hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng ngân hàng thương mại khó giảm thêm vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp.

LPBank triển khai chương trình tín dụng ưu đãi với tổng mức 3.000 tỷ đồng, lãi suất vay từ 5%/năm; ACB hiện dành khoảng 5.000 tỷ đồng tài trợ vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đáp ứng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh và xuất, nhập khẩu.

Đặc biệt, Agribank cho vay lãi suất thấp hơn 3%/năm. Ông Hoàng Minh Ngọc, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, ngân hàng đang thiết kế nhiều gói tín dụng cho từng nhóm khách hàng riêng với lãi suất ưu đãi. Trong đó có gói tín dụng quy mô 20.000 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp lĩnh vực nông thuỷ sản, chế biến và nhập khẩu nguyên phụ liệu đang có lãi suất chỉ từ 2,6%/năm cho kỳ hạn dưới 3 tháng.

Có thể thấy, nhu cầu tín dụng còn chậm và còn phân mảnh khiến cho các ngân hàng phải áp dụng nhiều gói vay ưu đãi với lãi suất thấp. Ngoài ra, việc cạnh tranh gay gắt giữa các ngân hàng làm cho lãi suất cho vay khó tăng trong khi lãi suất huy động đang tăng dần. Những yếu tố này khiến NIM có thể tiếp tục xu hướng giảm trong những tháng cuối năm, từ đó ảnh hưởng không nhỏ lên lợi nhuận ngân hàng.

NHNN mới đây đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Trong đó, cơ quan quản lý nhấn mạnh các tổ chức tín dụng cần đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quy trình cho vay để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt giải pháp nhằm tiết giảm chi phí, rà soát tình hình thu phí đang áp dụng tại ngân hàng thương mại để xem xét, miễn giảm các loại phí không cần thiết, công khai mức phí cung ứng trong hoạt động kinh doanh.

Lãi suất cho vay khó giảm thêm

Mặc dù thị trường cũng như cơ quan quản lý kỳ vọng lãi suất cho vay tiếp tục giảm để hỗ trợ nền kinh tế, nhưng theo các chuyên gia, các ngân hàng sẽ tiếp tục giữ mặt bằng lãi suất cho vay ổn định, để ưu tiên cho mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Doanh nghiệp và người đi vay nói chung không nên kỳ vọng lãi suất cho vay giảm sâu hơn nữa, do tỷ lệ nợ xấu vẫn đang có xu hướng gia tăng đáng kể trong thời gian gần đây và làm tăng thêm chi phí trích lập dự phòng của các ngân hàng.

Hiện, tỷ lệ nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 9/2024 đạt mức 4,55%, gần bằng mức cuối năm 2023, nhưng tăng gấp đôi so với năm 2022. Theo đó, các ngân hàng phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, ảnh hưởng đến lợi nhuận và hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm nhưng ngân hàng thương mại khó giảm thêm lãi suất cho vay vì rủi ro của nền kinh tế đang ở mức cao và tỷ giá có thể diễn biến phức tạp…

Nếu NHNN giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ các ngân hàng giảm chi phí, qua đó giảm lãi suất cho vay thì có thể gây biến động tỷ giá mạnh hơn và làm giảm niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài, dẫn đến khả năng rút vốn. Vì vậy, để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay, NHNN đã yêu cầu các ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí để có thể hạ lãi suất cho vay.

​Các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán cũng nhận định, trong bối cảnh nhiều biến động quốc tế, Việt Nam cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và thận trọng. Các giải pháp hỗ trợ khác như cải cách thủ tục vay vốn, tăng cường đầu tư công và thúc đẩy xuất khẩu sẽ là những yếu tố quan trọng để duy trì đà tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.

Trong khi đó, nhìn nhận từ góc độ ngân hàng, chuyên gia kinh tế PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, tỷ lệ NIM của các nhà băng đang ngày càng mỏng dần. Nguyên nhân là các ngân hàng vẫn đang phải tăng lãi suất huy động để hút nguồn vốn phục vụ nhu cầu kinh doanh cuối năm cũng như đảm bảo cạnh tranh với các kênh đầu tư khác. Trong khi đó, lãi suất cho vay vẫn duy trì ở mức thấp. Nếu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, NIM của nhiều ngân hàng sẽ dưới mức 3%, nhất là các ngân hàng thương mại cổ phần không có lợi thế nguồn vốn rẻ, hay tỷ lệ CASA thấp.

Ngay cả các nhà băng lớn như Vietcombank cũng có NIM chỉ đạt 2,98% trong quý III/2024, thấp hơn mức 3,01% trong quý trước; VietinBank đạt 2,91% trong quý III/2024… Theo khuyến nghị của IMF, NIM của ngân hàng phải giữ ở mức 3-3,5% mới đảm bảo cho sự phát triển an toàn bền vững của hệ thống ngân hàng.

Huyền Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn