Cổ phiếu BSR bị HNG 'vượt mặt' trên thị trường UPCoM

Cụ thể, về thanh khoản, cổ phiếu HNG được giao dịch nhiều nhất với khối lượng giao dịch (KLGD) đạt 82,55 triệu cổ phiếu, tăng 12,6% so với tháng trước, chiếm tỷ trọng 10,54% thị trường. Tiếp theo là cổ phiếu BSR của CTCP Lọc hóa dầu Bình Sơn với KLGD giảm tới 54,5%, đạt hơn 59,92 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ trọng 7,4%.

Trước đó, trong tháng 10, cổ phiếu BSR mặc dù KLGD giảm nhẹ (2,16%), đạt hơn127,3 triệu cổ phiếu, song vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất thị trường với 11,84%, trong khi cổ phiếu HNG xếp vị trí thứ 3 với tỷ trọng 6,97% tương ứng KLGD đạt 73,3 triệu cổ phiếu.

-1259-1733214843.jpg

Thanh khoản cổ phiếu HNG vượt BSR trong tháng 11.

Trở lại tháng 11, cổ phiếu HNG được NĐTNN mua nhiều nhất với KLGD hơn 5,2 triệu cổ phiếu (chiếm tỷ trọng 36,18%).

Ở chiều bán, HNG cũng là cổ phiếu được NĐTNN bán ra nhiều nhất với KLGD hơn 4 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ trọng 38,11%.

Về kết quả kinh doanh của HAGL Agrico, theo báo cáo tài chính, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần quý III giảm 12% so với cùng kỳ, chỉ đạt hơn 140 tỷ đồng.

Do kinh doanh dưới giá vốn cộng thêm việc phải gánh các khoản chi phí phát sinh trong kỳ khiến HAGL Agrico lỗ sau thuế 182 tỷ đồng quý III. Đây đã là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của công ty nông nghiệp này. Đến nay, lỗ lũy kế của HAGL Agrico đã lên đến 8.648 tỷ đồng.

Với kết quả này, lũy kế 9 tháng, HAGL Agrico mới ghi nhận 288 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái và lỗ ròng 546 tỷ đồng.

Năm 2024, HAGL Agrico đặt kế hoạch doanh thu 694 tỷ đồng và lỗ 120 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng, doanh nghiệp mới thực hiện được hơn 41% chỉ tiêu doanh thu nhưng đã lỗ vượt kế hoạch rất xa.

Trước đó, HAGL Agrico ghi nhận thua lỗ 3 năm liên tiếp (2021-2023), do đó cổ phiếu HNG đã bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn HoSE và chuyển sang giao dịch trên UPCoM kể từ 18/9.

Kể từ khi giao dịch trên thị trường UPCoM, cổ phiếu HNG vẫn đi ngang quanh vùng giá 5.000 đồng/cp. Chốt phiên 3/12, cổ phiếu HNG dừng ở mức 5.100 đồng/cp.

Về Lọc hóa dầu Bình Sơn, trong quý III/2024, giá dầu thô bất ngờ đảo chiều mạnh, gây bất lợi cho ngành công nghiệp lọc dầu trên toàn cầu. Crack spread (mức chênh lệch giữa giá dầu thô với giá sản phẩm dầu thành phẩm) trên thế giới chỉ còn đạt trung bình 10,5 USD/thùng đối với xăng và 17,4 USD/thùng đối với dầu diesel, tương ứng giảm 32% và giảm 53% so với cùng kỳ năm 2023. Giá dầu thô thế giới giảm cũng khiến giá bán các sản phẩm xăng dầu tại Việt Nam điều chỉnh giảm theo.

Đây là những nguyên nhân khiến Lọc Hóa dầu Bình Sơn lỗ sau thuế 1.209 tỷ đồng trong quý III, so với mức lãi 3.620 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Đây là quý thứ 4 liên tiếp, “ông lớn” ngành hóa dầu Việt Nam có lợi nhuận đi lùi.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận 674 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, hoàn thành 58% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trước đó, vào tháng 8/2024, HĐQT Lọc Hóa dầu Bình Sơn công bố triển khai niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) do công ty gần giải quyết được hai nút thắt ngăn cản việc niêm yết cổ phiếu gồm quyết toán cổ phần hóa và khoản đầu tư vào CTCP Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF). HoSE cũng công bố đã nhận hồ sơ niêm yết cổ phiếu của công ty từ cuối tháng 8.

Với 3,1 tỷ cổ phiếu, BSR được kỳ vọng có thể lọt rổ chỉ số VN30 sau khi chuyển sàn và từ đó gia tăng tính hấp dẫn, hỗ trợ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, sau kết quả kinh doanh quý III, cổ phiếu BSR trở nên tiêu cực hơn. Chốt phiên 3/12, cổ phiếu BSR giảm về 19.400 đồng/cp.

Châu Anh

Xem thêm tại vnbusiness.vn