Cổ phiếu đáng chú ý ngày 13/8: SZC, HPG, POW

Chứng khoán SSI: Khuyến nghị khả quan SZC

SSI khuyến nghị khả quan cổ phiếu CTCP Sonadezi Châu Đức (SZC), giá mục tiêu 43.200 đồng/cp theo luận điểm đầu tư: (1) diện tích còn lại cho thuê hơn 400ha, trong đó, diện tích đất đã hoàn thành đền bù giải phóng mặt bằng là 250ha; (2) triển vọng tăng giá thuê cao hơn so với các KCN khác ở Bà Rịa - Vũng Tàu - KCN Châu Đức hiện có giá thuê thấp hơn 13-20% so với các KCN khác và kết nối cơ sở hạ tầng được cải thiện đáng kể từ đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Trong quý II/2024, SZC ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt mức cao nhất kể từ quý III/2021, trong đó, doanh thu đạt 262 tỷ đồng (- 9% svck), chủ yếu đến từ việc cho thuê đất tại KCN Châu Đức, với doanh thu cho thuê KCN đạt 233 tỷ đồng (-11% svck), diện tích cho thuê đạt 7,2ha (-18% svck) với giá 92 USD/m2/chu kỳ thuê (+7,8% svck). Biên lợi nhuận gộp tăng đáng kể lên 61,8% (+7,8% svck) do giá cho thuê tăng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế đạt 102 tỷ đồng (+6% svck).

Trong 6 tháng đầu năm, diện tích đã cho thuê và MOUs đạt 30ha (+50% svck), nhờ 1 hợp đồng với khách hàng lớn là Electronic Tripod Vietnam (với tổng vốn đầu tư 250 triệu USD, tương đương 6.250 tỷ đồng) với diện tích cho thuê là 18ha và giá cho thuê là 95 USD/m2/chu kỳ, cũng như hợp đồng thuê 6ha của Container Hòa Phát tại KCN Châu Đức.

Trong năm 2024, SSI kỳ vọng giá thuê sẽ tăng 12% svck, diện tích MOU dự kiến ký với Tripod và các nhà đầu tư nhỏ khác đạt tổng cộng 45ha (+12% svck), cao hơn tổng kế hoạch cho thuê hàng năm của công ty là 40ha.

Cổ phiếu đáng chú ý ngày 13/8: SZC, HPG, POW
Diễn biến giá cổ phiếu SZC

Chứng khoán Agriseco (AGR): Khuyến nghị tăng tỷ trọng HPG

AGR khuyến nghị tăng tỷ trọng cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG), giá mục tiêu 43.200 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:

Trong quý II/2024, HPG ghi nhận doanh thu đạt 39.555 tỷ đồng (+34% svck) và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 3.319 tỷ đồng (+127% svck). Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu đạt gần 70.408 tỷ đồng (+25,5% svck) và lợi nhuận sau thuế đạt 6.189,8 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần.

Tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng và thép HRC đạt 2 triệu tấn (+32% svck), trong đó, sản lượng thép xây dựng tăng 62% svck nhờ thị trường bất động sản trong nước hồi phục; ngược lại sản lượng thép HRC giảm 10% svck do tình trạng dư thừa thép cuộn cán nóng trên thế giới và việc tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại tại các nước nhập khẩu thép.

Kỳ vọng sản lượng tiêu thụ của HPG tiếp tục được cải thiện với đóng góp từ chính từ thép xây dựng trong nước. Theo hiệp hội Thép Việt Nam, tăng trưởng ngành xây dựng 6 tháng đầu năm đạt 7,34%, thị trường bất động sản tiếp tục ghi nhận tín hiệu hồi phục về nguồn cung, tăng gấp 3 lần và lượng giao dịch tăng gấp 2,4 lần.

Ngoài ra, các luật Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 1/8/2024 kỳ vọng sẽ giúp thị trường đẩy mạnh nguồn cung trong thời gian tới giúp tăng nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng trong nước.

Biên lợi nhuận gộp dự báo được cải thiện trong các quý tới nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm. Tính từ đầu năm đến nay, giá than cốc và quặng sắt đang trong xu hướng giảm do nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc vẫn yếu. Trong khi đó, giá thép nội địa chỉ giảm nhẹ và được dự báo sẽ tăng lại trong nửa cuối năm nhờ nhu cầu từ thị trường bất động sản giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp trong các quý tới.

Chứng khoán Agriseco (AGR): Khuyến nghị nắm giữ POW

AGR khuyến nghị nắm giữ cổ phiếu Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam – CTCP (POW), giá mục tiêu 16.000 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:

KQKD quý II/2024 hồi phục mạnh so với cùng kỳ với doanh thu đạt 9.407 tỷ đồng (+11,6% svck) và lợi nhuận sau thuế đạt 400,7 tỷ đồng (+218% svck). Trong đó sản lượng điện tăng mạnh từ Nhà máy điện Vũng Áng 1 bù đắp cho sự sụt giảm từ từ Nhà máy điện Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2.

Tình hình tài chính ổn định mặc dù nợ vay tăng mạnh, tính đến 30/6/2024, tổng nợ vay của POW tăng 62,3% svck, đạt gần 20.590 tỷ đồng do POW đang cần nguồn vốn tập trung đẩy mạnh đầu tư các dự án lớn (khoản mục tài sản dở dang dài hạn cũng tăng mạnh lên 16.500 tỷ đồng, tăng 84% trong đó dự án Nhơn Trạch 3&4 tăng 97% so với cuối năm 2023). Tuy nhiên, hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu mặc dù tăng so với đầu năm nhưng vẫn ở mức an toàn, đạt 0,6 lần.

Khoản mục phải thu khách hàng ngắn hạn tăng 18% so với đầu năm, đạt 14,5 tỷ đồng và chiếm 44,7% tài sản ngắn hạn. Khoản này chủ yếu là khoản tiền điện phải thu của công ty mua bán điện (EPTC) thuộc EVN. AGR kỳ vọng tình hình tài chính của EVN sẽ bớt khó khăn trong thời gian tới nhờ rút ngắn thời gian điều chỉnh mức giá điện bình quân giúp cải thiện dòng tiền cho các doanh nghiệp bán điện nói chung

Triển vọng dài hạn từ các nhà máy nhiệt điện khí, đến cuối quý II, tiến độ tổng thể của gói thầu EPC Nhơn Trạch 3&4 ước đạt 90%.

Hiện nay, EPTC đang trình EVN xem xét PPA cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4. Theo thông tin từ doanh nghiệp, dự kiến nhà máy Nhơn Trạch 3 sẽ vận hành thương mại vào tháng 11/2024 và nhà máy Nhơn Trạch 4 vào tháng 5/2025 nâng tổng công suất của POW thêm 1.624MW và đón đầu xu hướng sử dụng điện khí LNG được đẩy mạnh triển khai trong quy hoạch điện VIII.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn