Cổ phiếu đáng chú ý ngày 16/8: PLX, TNG, HDG
Chứng khoán Vietcombank (VCBS): Khuyến nghị mua PLX
VCBS khuyến nghị mua cổ phiếu Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (PLX), giá mục tiêu 57.794 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:
PLX có triển vọng tích cực nhờ nhu cầu xăng dầu ngày càng tăng tại Việt Nam. Căn cứ kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu năm 2023 và đăng ký tổng nguồn của các thương nhân đầu mối năm 2024, Bộ Công Thương ước tính tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm nay cần khoảng 28,4 triệu m3/tấn, tăng hơn 9% so với tổng nguồn năm 2023.
Biên lợi nhuận cải thiện khi chi phí định mức được cải thiện từ tháng 7/2024. Trong kỳ điều chỉnh giá ngày 4/7, trước diễn biến giá xăng dầu thế giới biến động tăng, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng chi phí kinh doanh định mức áp dụng trong giá cơ sở xăng dầu, nhằm bảo đảm biến động giá xăng dầu trong nước phù hợp với biến động giá xăng dầu thế giới.
Những điểm mới của Dự thảo Nghị định (số 3) thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP có tác động tích cực đối với các thương nhân kinh doanh và phân phối xăng dầu như PLX.
Nguồn: VCBS |
Chứng khoán Agriseco (AGR): Khuyến nghị nắm giữ TNG
AGR khuyến nghị mua cổ phiếu CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (TNG), giá mục tiêu 30.000 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:
Xuất khẩu hàng dệt may kỳ vọng tiếp tục duy trì đà tăng trưởng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 16,5 tỷ USD, tăng 5% so với cùng kỳ. Trong đó, tất cả các thị trưởng xuất khẩu lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc đều tăng trưởng tốt. Nhóm phân tích kỳ vọng xuất khẩu mặt hàng dệt may duy trì đà tích cực trong cuối năm 2024 khi lượng hàng tồn kho đang ở mức thấp và nhu cầu tại các thị trường dần phục hồi.
Số lượng đơn hàng của TNG đã được lấp đầy tới cuối năm 2024 với các đơn hàng FOB từ các khách hàng lớn như Decathlon, Asmara, Columbia. TNG còn ghi nhận lượng đơn hàng đột biến trong quý II và III nhằm phục vụ cho Olympic tại Paris. Để đáp ứng nhu cầu hàng lớn, doanh nghiệp dự kiến nâng công suất lên 15% với 45 dây chuyền sản xuất mới và tuyển thêm 3.000 nhân công
Sự kiện bạo loạn ở Bangladesh giúp ngành dệt may trong nước hưởng lợi. Bangladesh hiện nay là quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ 3 thế giới và cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong chuỗi cung ứng ngành dệt may. Với việc bạo loạn và bất ổn đang diễn ra tại quốc gia này, các đơn hàng sẽ có sự dịch chuyển và các doanh nghiệp dệt may Việt Nam có thể hưởng lợi từ xu hướng kể trên.
Chứng khoán MB (MBS): Khuyến nghị khả quan HDG
MBS khuyến nghị mua cổ phiếu CTCP Tập đoàn Hà Đô (HDG), giá mục tiêu 33.900 đồng/cp theo luận điểm đầu tư:
HDG là một trong những doanh nghiệp năng lượng hàng đầu với trọng tâm thủy điện và năng lượng tái tạo. Doanh nghiệp đã chứng minh năng lực triển khai và vận hành các dự án với chi phí đầu tư thấp, trung bình 25 tỷ đồng/MW cho danh mục 461MW. Các dự án duy trì được sản lượng tối ưu trong những năm qua, IRR trung bình hơn 20%, đặc biệt là đối với các nhà máy thủy điện và điện mặt trời. Trong giai đoạn năm 2025-2030, HDG đặt kế hoạch tăng gấp đôi công suất điện hiện tại, trong đó nổi bật một số dự án đang trong quá trình chuẩn bị triển khai bao gồm thủy điện Sơn Linh (15MW), Sơn Nham (9MW), cũng như điện gió Phước Hữu (50MW), Bình Gia (80MW).
Triển vọng tăng trưởng năm 2024-2026 được thúc đẩy bởi mở bán Charm Villa giai đoạn 3 với tổng doanh thu và lợi nhuận ròng dự kiến đạt lần lượt là 2.034 tỷ đồng và 947 tỷ đồng. Trong những năm tới, mảng bất động sản của HDG sẽ có triển vọng tích cực hơn, hỗ trợ bởi việc ban hành luật đất đai mới, dự kiến đẩy nhanh quá trình hoàn thiện pháp lý cho các dự án.
Sức khỏe tài chính vững mạnh là yếu tố chính, giúp HDG đứng vững trong bối cảnh thách thức thị trường. Doanh nghiệp không gặp nhiều áp lực từ chi phí tài chính do sở hữu các dự án hoạt động hiệu quả và luôn chủ động trong việc đàm phán các khoản vay mới với lãi suất thấp hơn, đặc biệt là đối với các nhà máy thủy điện của HDG.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn