Cổ phiếu được loạt CTCK khuyến nghị tăng dựng đứng, khoản đầu tư của Chaebol lớn thứ 3 Hàn Quốc tăng 40% sau 6 phiên
Cổ phiếu IMP của CTCP Dược phẩm Imexpharm tăng trần (+6,99%) lên 93.400 đồng/cp ngay đầu phiên sáng ngày 16/7. Khối lượng giao dịch 66.700 đơn vị, tương ứng giá trị 6,1 tỷ đồng và dư mua ở giá trần 68.300 đơn vị.
IMP liên tục tăng nóng trong thời gian gần đây và sau 6 phiên (từ ngày 8 - 16/7) đã tăng gần 40%, dẫn đầu đà tăng trên HoSE trong cùng thời gian.
Diễn biến cổ phiếu IMP phiên ngày 16/7 |
Hiện tại, cổ đông lớn nhất của IMP là SK Investment Vina III Pte.Ltd, một quỹ thuộc SK Group - Chaebol lớn thứ 3 Hàn Quốc với tỷ lệ sở hữu 64,8% cổ phần, tiếp đến là Tổng Công ty Dược Việt Nam nắm giữ 22,03%, CTCP Đầu tư Bình Minh Kim nắm 9,75%, còn lại thuộc về nhỏ lẻ.
SK Group trở thành cổ đông chiến lược của IMP từ năm 2020 khi mua lại số cổ phần của Dragon Capital và các quỹ ngoại khác. Trong cùng giai đoạn, Chaebol này đầu tư vào nhiều công ty khác trong các ngành năng lượng tái tạo, bất động sản, bán lẻ, dược phẩm… Tuy nhiên, mới đây, SK Group đã lên kế hoạch thoái vốn khỏi 2 công ty lớn là Masan và Vingroup để thu về khoảng 720 triệu USD.
IMP có kỳ vọng gì?
Trong quý I/2024, doanh thu của IMP là 491,1 tỷ đồng nhờ đóng góp từ các nhà máy: IMP1 (42%), IMP3 (35%), IMP2 (14%), IMP4 (5%) và khác (4%). Sản phẩm chủ đạo của các nhà máy này là kháng sinh với nhiều dạng bào chế. Nhà máy IMP4 đạt tiêu chuẩn EU-GMP vào năm 2022 và bắt đầu hoạt động vào quý III/2023, dự kiến sẽ tăng tốc để đạt công suất tối đa vào cuối năm 2024.
Công ty đang tiến hành xây dựng thêm một nhà máy mới - IMP5 và tập trung vào các loại thuốc dành cho các bệnh phức tạp hơn (tim mạch, tiểu đường,..), dự kiến sẽ đi vào hoạt động từ năm 2027. Imexpharm sở hữu 11 dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP, nhiều nhất trong số các công ty dược Việt Nam. Đây cũng là công ty dẫn đầu về thị phần thuốc kháng sinh.
IMP có lợi thế về số dây chuyền sản xuất đạt tiêu chuẩn EU-GMP và thuốc kháng sinh |
ACBS Research cho rằng, việc đầu tư cho các dây chuyền chuẩn EU-GMP tạo điều kiện cho IMP đấu thầu vào các bệnh viện (kênh ETC). ETC đang là kênh mà công ty hướng đến, tỷ trọng năm 2022 là 24%, quý I/2023 là 37,5%, năm 2023 là 42%, quý I/2024 là 50%. Công ty có thể tiếp tục thu hút sự chú ý của nhà đầu tư nhờ đầu tư vào tiêu chuẩn sản xuất tiên tiến.
Cùng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt chỉ ra, từ khi Luật đấu thầu số 22/2023/QH15 có hiệu lực kể từ đầu năm 2024, Bộ Y tế đã bổ sung thêm 93 sản phẩm thuốc vào danh mục thuốc được đấu thầu tại nhóm 1&2 trên ETC. Trong đó, IMP có 12/93 sản phẩm thuộc danh mục, mở ra cơ hội gia tăng thị phần.
Năm 2024, IMP đặt mục tiêu doanh thu gộp 2.630,1 tỷ đồng (+24% YoY), trong đó doanh thu kênh OTC là 1.214 tỷ đồng (+12% YoY) và ETC là 1.316,1 tỷ đồng (+49% YoY); lợi nhuận trước thuế 423 tỷ đồng (+12% YoY).
Kế hoạch tăng vốn
Gần đây, Imexpharm lên phương án tăng gấp 2 lần vốn điều lệ bằng cách phát hành 77 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông, tỷ lệ 100% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu, nhận 1 cổ phiếu thưởng).
Sau phát hành, số cổ phiếu lưu hành tăng lên 154 triệu đơn vị, vốn điều lệ đạt 1.540,4 tỷ đồng, trở thành doanh nghiệp dược phẩm niêm yết lớn nhất thị trường về vốn điều lệ. Động thái này nhằm hỗ trợ tăng trưởng và mở rộng của Imexpharm, nâng cao tính thanh khoản và kích thích giao dịch đối với cổ phiếu IMP, nâng cao giá trị cho cổ đông.
Bên cạnh đó, Imexpharm sẽ phát hành 4,5 triệu cổ phiếu ESOP giá 5.000 đồng/cp (bằng 5,3% giá thị trường) cho nhân sự chủ chốt thay cho thưởng bằng tiền. Từ đó, vốn điều lệ tăng lên 1.585,2 tỷ đồng.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn