Cổ phiếu đường sắt bật tăng hơn 40% sau cái 'bắt tay' với ông lớn Trung Quốc

Từ đầu tuần, thị trường giao dịch UPCoM ghi nhận thêm 2 cổ phiếu vận tải đường sắt "bất ngờ" tăng nóng đi cùng thanh khoản cải thiện.

Cụ thể, HRT của CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội và SRT của CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn đều tăng gần 42% chỉ trong 3 phiên giao dịch gần nhất. Trong đó, HRT có 3 phiên tăng trần lên mức 11.100 đồng/cp, còn SRT có 2 phiên trần lên 9.800 đồng/cp (giá đóng cửa phiên giao dịch 26/6).

Cổ phiếu đường sắt bật tăng hơn 40% sau cái 'bắt tay' với ông lớn Trung Quốc
Diễn biến giá cổ phiếu HRT

Đồng thời, thanh khoản của 2 mã này cũng sôi động hơn trước. Cụ thể, khối lượng giao dịch bình quân 3 phiên của HRT đạt 197.000 cổ phiếu, gấp gần 60 lần khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên. Với SRT, chỉ tiêu này đạt 48.000 cổ phiếu, gấp 3 lần.

Trước đó, vào ngày 19 - 20/6, HĐQT 2 doanh nghiệp này đã thông qua hồ sơ phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần theo hợp đồng hợp nhất giữa HRT và SRT. Việc này thực hiện theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2024.

HRT và SRT đều trực thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Vietnam Railways). Sau hợp nhất, hai đơn vị sẽ chấm dứt tồn tại. Công ty hợp nhất có tên là CTCP Vận tải Đường sắt (viết tắt là VRT) với vốn điều lệ trên 1.300 tỷ đồng.

Cổ phiếu của ngành đường sắt bật tăng trong bối cảnh doanh nghiệp ngành đường sắt Trung Quốc có động thái muốn “bắt tay” Việt Nam khai thác hiệu quả hơn ở lĩnh vực này. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và Toa xe lửa Đại Liên (CRRC).

CRRC được biết đến là một “ông lớn” trong lĩnh vực phương tiện đường sắt đô thị, có nhiều công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đường sắt.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ mong muốn Việt Nam và Trung Quốc có thể đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực đường sắt. Đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Về phía CRRC, lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết sẵn sàng tham gia xây dựng các tuyến đường sắt kết nối giữa hai nước, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM cũng như cung cấp các giải pháp tổng thể, công nghệ cao, thúc đẩy nội địa hóa, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nhân lực.

Từ đó, góp phần giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp đường sắt, cũng như phát triển các lĩnh vực như giao thông năng lượng mới, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.

Xem thêm tại nguoiquansat.vn