Cổ phiếu 'họ' Viettel đua nhau bứt phá
Từ cuối năm 2022 đến nay, cổ phiếu của các doanh nghiệp thành viên thuộc Tập đoàn Viettel như VGI, CTR, VTP, VTK ghi nhận phục hồi mạnh và có sự bứt tốc trong 2 tháng đầu năm 2024.
Như, cổ phiếu CTR của Công trình Viettel tăng giá từ vùng 42.000 đồng/cp cuối năm 2022 lên 105.400 đồng/cp hiện nay, gấp 2,5 lần trong hơn 1 năm. Cổ phiếu của Viettel Post (mã: VTP) tăng giá gần 200% lên 78.400 đồng/cp trước khi dừng giao dịch trên UPCoM để chuyển qua niêm yết trên HoSE. Mã chứng khoán VGI của Viettel Global (mã: VGI) cũng tăng giá gần gấp đôi từ 19.300 đồng/cp lên 34.700 đồng/cp.
Hay một cổ phiếu "họ" Viettel kín tiếng khác là Công ty Tư vấn Thiết kế Viettel (mã: VTK) bất ngờ bật tăng mạnh lên 42.000 đồng/cp sau thời gian dài đi ngang quanh 20.000 đồng/cp từ giữa tháng 11/2023.
Động lực tăng giá của các cổ phiếu "họ" Viettel đến từ kết quả kinh doanh khả quan trong bối cảnh kinh tế khó khăn năm qua và triển vọng sáng thời gian tới.
Doanh thu và lợi nhuận Công trình Viettel lập đỉnh mới
Nổi bật nhất, Tổng công ty cổ phần Công trình Viettel - Viettel Construction (mã: CTR) vừa có năm thứ 10 liên tiếp tăng trưởng doanh thu và thứ 7 liên tiếp tăng trưởng lợi nhuận. Năm 2023, doanh nghiệp ghi nhận mốc doanh thu kỷ lục mới 11.299 tỷ đồng, tăng 20,6% và lợi nhuận ròng 516 tỷ đồng, tăng 17% so với 2022.
Công trình Viettel hoạt động trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng, xây dựng (bao gồm xây dựng hạ tầng viễn thông và xây dựng dân dụng), công nghiệp thông tin…
Mảng hạ tầng đóng góp doanh thu lớn nhất và tăng 39% so với 2022, được hỗ trợ bởi xu hướng thương mại hóa 5G, tốc độ phủ sóng của 3G, 4G tăng lên khi mạng 2G dừng phát sóng. Tính đến cuối 2023, CTR sở hữu khoảng 6.436 trạm BTS (tăng thêm 2.150 trạm so với năm trước). Việc này sẽ giúp công ty hưởng lợi trong việc cho thuê trạm trong xu hướng tắt sóng 2G, đẩy mạnh 4G và bùng nổ 5G trong tương lai. Doanh thu cho thuê năm qua tăng 68%.
Vào đầu năm 2024, tổng công ty cho biết đã trúng thầu cung cấp dịch vụ vận hành khai thác trạm cho Tập đoàn Viettel trị giá hơn 15.850 tỷ đồng, thực hiện giai đoạn 2024 – 2026. Theo Công trình Viettel, từ 2017 đến nay, công ty cung cấp dịch vụ nhà trạm trong tập đoàn theo hợp đồng ký từng năm, song giai đoạn 2024 – 2026, tập đoàn thay đổi cách thức triển khai, tổ chức đấu thầu công khai.
Mảng xây lắp đóng góp doanh thu thứ 2, tăng trưởng 47% so với 2022, động lực đến từ mảng xây dựng dân dụng B2B, SME. Công ty cũng tham gia vào các dự án đầu tư công, tỷ lệ trúng thầu đạt 37%. Ở thị trường nước ngoài, công ty đã ký nhiều hợp đồng xây dựng tại Myanmar, nổi bật là dự án xây dựng tòa nhà văn phòng của Mytel trị giá 1 triệu USD. Ngoài ra, Công trình Viettel có kế hoạch lập văn phòng đại diện tại thị trường Australia, hướng tới lập công ty thành viên.
Viettel Post lên sàn HoSE, mở rộng thị trường nước ngoài
Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel – Viettel Post (mã: VTP) phát triển mảng chuyển phát nhanh, logistic của tập đoàn. Năm ngoái, Viettel Post báo cáo doanh thu giảm 9,2% xuống 19.590 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng tăng 48% lên 380 tỷ đồng, mức lợi nhuận cao thứ 2 trong lịch sử hoạt động (chỉ sau năm 2020 – 383 tỷ đồng).
Sự sụt giảm trong doanh thu chủ yếu ở mảng thương mại do công ty chủ động thu hẹp khi biên lợi nhuận thấp. Ngược lại, mảng chuyển phát nhanh, logistic tăng trưởng 31%, gấp gần 4 lần mức tăng chung của ngành.
Doanh nghiệp vẫn đang tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài, đây là mảng tiềm năng trở thành động lực tăng giai đoạn 2025 – 2030. Công ty đã có 2 công ty con trong lĩnh vực chuyển phát nhanh hoạt động ở nước ngoài là Mygo Cambodia và Mygo Myanmar. Viettel Post xúc tiến xây dựng tuyến vận chuyển liên kết giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam và Asean; tham gia xây dựng đề án cửa khẩu thông minh hiện đại nhất Việt Nam.
Ngoài ra, thời gian qua Viettel Post còn triển khai việc niêm yết cổ phiếu lên HoSE. Ngày 1/3, HoSE đã có thông báo VTP sẽ có phiên giao dịch đầu tiên vào 12/3, giá tham chiếu 65.400 đồng/cp, thấp hơn đáng kể so với giá ngừng giao dịch trên UPCoM.
Doanh thu Viettel Global tăng trưởng 5 năm liên tiếp
Viettel Global được thành lập từ 2007, đảm trách việc đầu tư các dự án viễn thông tại thị trường nước ngoài của tập đoàn. Sau hơn 15 năm, vốn điều lệ công ty tăng lên 30.430 tỷ đồng, là nhà đầu tư viễn thông quốc tế lớn nhất Việt Nam, trong tốp 30 công ty viễn thông có số lượng khách hàng lớn nhất thế giới. Tính đến cuối 2023, công ty có 13 công ty con và liên kết tại 8 quốc gia, trong đó có đến 6 thị trường giữ vị trí số 1 về viễn thông.
Doanh thu 2023 tăng 19% lên 28.192 tỷ đồng, ghi nhận năm thứ 5 tăng trưởng liên tiếp và lập kỷ lục. Hầu hết các thị trường đều tăng trưởng doanh thu 2 chữ số như Movitel tại Mozambique, Telemor tại Đông Timor, Natcom tại Haiti... Đặc biệt, công ty ví điện tử tăng mạnh như M_mola tại Mozambique tăng 450%, Starfintech tại Lào tăng 244%,...
Theo đó, lợi nhuận trước thuế đạt 3.602 tỷ đồng, tăng 20% so với 2022. Song, chi phí thuế cùng phần lợi ích cổ đông không kiểm soát lớn, lãi ròng thuộc về tập đoàn chỉ còn 445 tỷ đồng, giảm phân nửa so với 2022.
Theo Chứng khoán VietCap, Viettel Global hoạt động ở các nước đang phát triển, ngành viễn thông còn sơ khai nên tiềm năng tăng trưởng còn lớn. Công ty không dừng ở viễn thông mà mở ra lĩnh vực mới như công nghệ thông tin, dịch vụ số, nội dung số…
Xem thêm tại nhadautu.vn