Cụ thể, ngay từ phiên đầu tuần ngày 23/9 đã chứng kiến sự bứt phá của hai cổ phiếu ngành đường sắt là SRT (Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn) và HRT (Công ty CP Vận tải Đường sắt Hà Nội). Theo đó, cả hai cổ phiếu đều tăng kịch trần và "trắng bên bán," đánh dấu sự chấm dứt chuỗi điều chỉnh kéo dài từ giữa tháng 7.

Tại phiên ngày 24/9, SRT đạt mức giá 11.700 đồng/cổ phiếu, trong khi HRT lên đến 15.000 đồng/cổ phiếu. Dù chưa chạm đến mức đỉnh lịch sử, nhưng cả hai đã tăng hàng chục phần trăm từ đầu năm 2024, mang lại lợi nhuận lớn cho cổ đông, đặc biệt là Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) – cổ đông nắm giữ 91% vốn HRT và 78% vốn SRT.

Cổ phiếu HRT và SRT tăng mạnh sau khi nhận tin về dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam
Cổ phiếu SRT có phiên thứ 3 tăng trần kể từ đầu tuần. Nguồn: CafeF.

Tính đến hết phiên ngày 25/9, SRT tiếp tục tăng trần với mức giá 13.400 đồng/cổ phiếu, trong khi HRT cũng tăng thêm lên 15.900 đồng/cổ phiếu. Sự bứt phá này đến sau khi Thủ tướng, tại hội nghị về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội ngày 21/9, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển tuyến đường sắt cao tốc Bắc – Nam và các hạ tầng thiết yếu khác.

Dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam có tổng mức đầu tư lên đến 70 tỷ USD, kéo dài 1.541 km từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội) đến ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), đi qua 20 tỉnh, thành phố. Tuyến đường được thiết kế với tốc độ tối đa 350 km/h, phục vụ cả hành khách và hàng hóa, với tổng cộng 23 ga hành khách và 5 ga hàng hóa. Đây được xem là một trong những dự án hạ tầng chiến lược của Việt Nam trong trung và dài hạn.

Về kết quả kinh doanh, cả SRT và HRT đều đối mặt với nhiều thách thức. Theo báo cáo tài chính quý II/2024, SRT đạt doanh thu gần 526 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 4,9 tỷ đồng, giảm hơn 56% so với quý II/2023.

Tương tự, HRT cũng ghi nhận doanh thu tăng 24% lên 778 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế giảm mạnh chỉ còn 6 tỷ đồng so với 24 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính là do chi phí hoạt động gia tăng đáng kể, đặc biệt là chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và chi phí quản lý. HRT ghi nhận mức tăng 38% về chi phí lãi vay và 20% chi phí quản lý doanh nghiệp, dẫn đến lợi nhuận thuần sụt giảm./.

Về triển vọng dài hạn của ngành đường sắt vẫn được đánh giá là khả quan, đặc biệt với kỳ vọng vào dự án Đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Nếu dự án này thành công, các doanh nghiệp như SRT và HRT có thể hưởng lợi lớn từ việc cung cấp dịch vụ vận tải và hợp tác với các nhà thầu. Việc cải thiện hiệu quả kinh doanh và quản lý chi phí sẽ là yếu tố quan trọng giúp các doanh nghiệp này phát triển bền vững trong tương lai.