Cổ phiếu nào 'vào sóng' hậu bão Yagi?

Siêu bão Yagi quét qua đã gây ra nhiều thiệt hại lớn cho các tỉnh phía Bắc, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng, đặc biệt là những đơn vị sản xuất nhôm kính, tôn mạ và ống thép. Theo đó, nhóm cổ phiếu thép đang được kỳ vọng cao nhờ tiềm năng lớn.

Cổ phiếu nhóm thép trở thành tâm điểm chú ý

Tôn thép là vật liệu quan trọng trong các công trình nhà ở, văn phòng và công nghiệp. Do đó, nhu cầu tăng cao sẽ giúp nâng cao doanh số bán hàng và lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất các loại vật liệu này, từ đó tác động tích cực đến giá cổ phiếu.

Trước đó, nhiều cổ phiếu thép đã phát tín hiệu tạo đáy sau khi đã giảm mạnh từ đỉnh gần nhất. Nếu giá thép tiếp tục duy trì được xu hướng hồi phục, cổ đông các doanh nghiệp ngành thép có thể kỳ vọng vào một nhịp đi lên ngắn hạn dù vẫn còn những "cơn gió ngược".

-8681-1726058485.jpg

Dòng tiền đang tìm đến nhóm cổ phiếu thuộc các ngành liên quan nhu cầu tái thiết, sửa chữa và xây dựng sau siêu bão Yagi.

Thực tế, trên thị trường, ngay khi siêu bão Yagi đi qua, thị trường đã ghi nhận diễn biến tích cực của nhóm cổ phiếu thép, đặc biệt là bộ đôi HPG của Hoà Phát và HSG của Hoa Sen Group. Nhờ dòng tiền tích cực tìm đến, thị giá 2 cổ phiếu này đua nhau tăng mạnh, bất chấp thị trường chung đỏ lửa, thanh khoản cũng nằm top thị trường.

Đáng chú ý, cổ phiếu thép còn được kỳ vọng thêm với việc các cơ quan chức năng có động thái điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với các sản phẩm thép tôn mạ đến từ nước ngoài. Cụ thể, ngày 26/7, Bộ Công thương đã ra quyết định về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm thép cán nóng (HRC) có xuất xứ từ Ấn Độ và Trung Quốc. Thời kỳ điều tra để xác định hành vi bán phá giá và xác định thiệt hại là từ ngày 1/7/2023 đến ngày 30/6/2024. Thời hạn ra quyết định áp thuế cuối cùng là 1 năm kể từ ngày có quyết định điều tra (26/7/2025). Trong trường hợp đặc biệt, thời gian này có thể được gia hạn nhưng tổng thời gian điều tra không quá 18 tháng (chậm nhất quý I/2026).

Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) kỳ vọng Việt Nam sẽ sớm ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá HRC vào cuối năm 2025 hoặc chậm nhất là quý I/2026.

Ngoài ra, động lực tăng điểm của nhóm thép còn đến từ kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nội địa phục hồi trong nửa cuối năm 2024.

Chứng khoán KBSV kỳ vọng sản lượng tiêu thụ nội địa sẽ bắt đầu hồi phục từ nửa sau năm 2024 nhờ lĩnh vực bất động sản nhà ở dần hồi phục và số lượng dự án mới được cấp phép gia tăng. Trong trung và dài hạn, Luật Bất động sản sửa đổi có hiệu lực từ 1/8/2024 được kỳ vọng sẽ gián tiếp kích thích nhu cầu tiêu thụ thép trong nước.

Cổ phiếu nhóm hàng thiết yếu được kỳ vọng

Bên cạnh nhóm tôn thép, hậu siêu bão Yagi, người dân thường có xu hướng mua sắm các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, nước uống. Do đó, ngành bán lẻ và chăn nuôi có thể sẽ ghi nhận sự tăng trưởng trong thời gian ngắn, đặc biệt là các doanh nghiệp cung cấp nhu yếu phẩm. Những doanh nghiệp này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nhu yếu phẩm mà còn tạo nên sự ổn định cho thị trường tiêu dùng nội địa trong giai đoạn khó khăn.

Ngoài ra, với dự đoán giá lợn sẽ tiếp tục neo cao, giới phân tích nhận định cổ phiếu chăn nuôi lợn sẽ có cơ hội hưởng lợi trong ngắn hạn.

Thực tế, nhóm cổ phiếu chăn nuôi đang có dấu hiệu "vào sóng" khi cổ phiếu đầu ngành DBC của Dabaco cũng như các cổ phiếu chăn nuôi khác như MML, BAF, HAG… đang thu hút dòng tiền.

Giới phân tích dự báo hoạt động kinh doanh của Dabaco nói riêng cũng như ngành chăn nuôi nói chung sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm nay khi giá lợn hơi đang tăng cao trở lại và giá thức ăn chăn nuôi hạ nhiệt.

Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có có công văn khẩn gửi UBND các tỉnh, thành phố, yêu cầu thực hiện các biện pháp chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Công văn nêu rõ, nguy cơ cao của việc phát sinh dịch bệnh sau cơn bão số 3 (siêu bão Yagi) do lượng mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng từ ngày 7/9, khiến nhiều địa phương phía Bắc phải đối mặt với nguy cơ lây lan bệnh tật trên gia súc, gia cầm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng… Điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung thịt lợn trong thời gian tới.

Nhiều chuyên gia và công ty chăn nuôi đánh giá nguồn cung thịt lợn dự kiến sẽ chưa thể hồi phục ngay, bởi việc tái đàn cần nhiều thời gian, lượng lợn giống nhập khẩu năm 2024 khá nhỏ giọt. Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi vẫn tiếp diễn ở nhiều địa phương khiến số lợn bệnh, chết và tiêu huỷ tăng. Ngoài ra, lượng nhập khẩu thịt lợn không tăng mạnh so với cùng kỳ. Vì vậy, mặt bằng giá thịt lợn dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao cho đến hết năm 2024.

Theo đó, các công ty chứng khoán đánh giá cổ phiếu của các doanh nghiệp chăn nuôi niêm yết hưởng lợi lớn trong “sóng giá lợn” lần này.

Một nhóm ngành khác cũng được dự đoán có thể hưởng lợi sau bão là ngành công nghệ thông tin và viễn thông, khi các hệ thống liên lạc và kết nối internet thường bị ảnh hưởng nặng nề sau thiên tai, dẫn đến nhu cầu khôi phục và nâng cấp hạ tầng công nghệ.

Trong đó, các doanh nghiệp với vai trò là những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin hàng đầu sẽ có cơ hội lớn để mở rộng thị phần. Sự tăng trưởng của các công ty này không chỉ đến từ việc khôi phục dịch vụ sau bão mà còn từ nhu cầu chi tiêu cho chuyển đổi số toàn cầu và trong nước dự báo tiếp tục tăng trong tương lai.

Ngoài ra, ngành bảo hiểm cũng sẽ là một trong những lĩnh vực có thể được thúc đẩy mạnh sau bão. Với những thiệt hại lớn về tài sản và con người sau bão, nhu cầu bảo hiểm được dự đoán sẽ tăng lên khi các doanh nghiệp và cá nhân cần bảo vệ tài sản của mình trước những rủi ro tương lai.

Các công ty bảo hiểm lớn trong lĩnh vực bảo hiểm tài sản và nhân thọ được dự báo sẽ là những đơn vị hưởng lợi từ xu hướng này. Tuy phải đối mặt với các khoản chi trả lớn trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, đây cũng là cơ hội để tăng cường doanh thu từ các hợp đồng bảo hiểm mới.

Hải Giang

Xem thêm tại vnbusiness.vn