Cổ phiếu PAN Group 'viral' trở lại?
Cổ phiếu tăng song định giá vẫn hấp dẫn
Tính từ thời điểm tháng 11/2022 đến cuối tháng 5/2024, cổ phiếu PAN của CTCP Tập đoàn PAN đã tăng gấp đôi giá trị, giá đạt 24.x đồng. Phiên sáng ngày 17/6, mã giao dịch tại mức 23.x đồng.
1,5 tháng qua, có thời điểm PAN ghi nhận mức tăng 20%. Hay như trường hợp cổ phiếu CTCP Khử trùng Việt Nam (Mã VFG - HoSE), thành viên hệ sinh thái PAN Group thậm chí tăng gấp đôi giá trị trong 5 tháng gần nhất, giá hiện gần mốc 72.000 đồng.
Chia sẻ trước gần 150 cổ đông dự ĐHCĐ hồi cuối tháng 4, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT PAN Group cho biết: "Năm ngoái chúng ta đã nói rất căng thẳng về câu chuyện chia cổ tức. Năm nay chúng tôi đã chia cổ tức (cuối tháng 6 chốt quyền trả cổ tức năm 2023- PV). Đây là nỗ lực của rất lớn của ban lãnh đạo. Và tôi nghĩ, chúng ta hãy bắt đầu từ mức cổ tức 5%".
Diễn biến giá cổ phiếu PAN |
Tiếp lời chia sẻ của bà Nguyễn Thị Trà My - thành viên HĐQT kiểm Tổng Giám đốc, về dấu ấn sau 6 năm công tác tại PAN Group, Chủ tịch Nguyễn Duy Hưng nhấn mạnh: "Câu chuyện của bà My có thể hiểu là bà My đang ngầm trách nhà đầu tư, trách cổ đông chưa giúp công ty viral. Năm ngoái, cổ đông trách không chia cổ tức, không mang câu chuyện đi kể với người khác nên giá cổ phiếu không tăng".
Dù cổ phiếu tăng giá mạnh song định giá cổ phiếu PAN hiện vãn ở mức hấp dẫn với P/E 10,7 lần và P/B 1 lần - thấp hơn mức trung bình 101 lần và 3,9 lần của nhóm thực phẩm đồ uống. Thậm chí mức P/B hiện tại chỉ nhỉnh hơn thời điểm thị trường chứng khoán tạo đáy 6xx điểm hồi cuối tháng 3/2020.
Bốn quý gần nhất, P/E của PAN Group điều chỉnh từ 14,3 lần về còn hơn 10 lần, P/B duy trì ngưỡng 0,9-1 lần. Trong khi đó, EPS tăng quý thứ 3 liên tiếp từ 1.382 đồng/cp (quý II/2023) lên 2.160 đồng (quý I/2024). Các chỉ số ROE, ROA cũng tăng quý thứ 3 liên tiếp, lần lượt đạt 9,6% và 2,5% tại thời điểm cuối tháng 3/2024.
Nghịch lý định giá thấp trong bối cảnh tình hình kinh doanh của PAN Group đang trên đà tăng trưởng mở ra tiềm năng đầu tư hấp dẫn tại cổ phiếu PAN và nhóm cổ phiếu cùng hệ sinh thái.
Kỳ vọng lợi nhuận sau thuế năm 2025 đạt 1.500 tỷ đồng
Phát triển với trọng tâm ở 3 lĩnh vực chính gồm thủy sản, nông nghiệp và thực phẩm đóng gói, sau hơn 30 năm hoạt động, hệ sinh thái PAN Group hiện ghi nhận nhiều doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm thông qua hai nền tảng PAN Farm (gồm Vinaseed, PAN-HULIC, VFC) và PAN Food (gồm Bibica, Lafooco, Aquatex Bến Tre, 584 Nha Trang, Golden Beans). Hàng loạt các công ty con, công ty liên kết đang giao dịch trên sàn có thể kể đến FMC, NSC, VFG, BBC...
Theo đó, PAN Group đã gần như hoàn tất chuỗi giá trị khép kín sau hơn một thập kỷ đẩy mạnh M&A. Hiện doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 25%/năm giai đoạn 2024-2025. Cho đến 2025, lợi nhuận sau thuế phấn đấu đạt 1.500 tỷ đồng và EPS gần 4.000 đồng/cp.
Dự kiến, chuỗi tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, EPS của PAN sẽ quay trở lại khi những mảnh ghép cuối cùng đã hoàn tất. Nhà máy Sao Ta đã đi vào hoạt động quý III/2023 đồng chu kỳ của ngành thủy sản phục hồi trở lại...
Về tình hình kinh doanh, sau khi giảm về mức thấp điểm năm 2020, lợi nhuận sau thuế của PAN Group đã ghi nhận mức tăng trưởng 3 năm liên tiếp lên mức kỷ lục năm 2023. Cơ cấu doanh thu dịch chuyển theo hướng tăng tỷ trọng mặt hàng thủy sản; cơ cấu lợi nhuận tiếp tục ghi nhận đóng góp chính của kênh nông nghiệp và tín hiệu cải thiện nhẹ từ mặt hàng thủy sản.
Lợi nhuận sau thuế của PAN Group tăng trưởng liên tục trong những năm gần đây |
Được biết, năm nay, PAN Group dự kiến đạt 14.780 tỷ đồng doanh thu - tăng 11,9% YoY và 1.057 tỷ đồng lãi trước thuế - tăng 10,6% so với mức kỷ lục của năm 2023. Trong kịch bản tích cực, công ty kỳ vọng sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa trong nửa cuối năm có thể đem đến kết quả kinh doanh vượt trội.
Kết thúc quý I/2024, tập đoàn ghi nhận doanh thu 3.432 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 168 tỷ, lần lượt tăng 36,7% và 57,7% YoY.
Xem thêm tại nguoiquansat.vn