Cổ phiếu tăng mạnh: Gelex dẫn sóng, HAH âm thầm vượt đỉnh
Mặc dù có nỗ lực hồi phục trong tuần qua, VN-Index vẫn chưa thể vượt qua vùng kháng cự quan trọng. Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số dừng ở mức 1.219 điểm , dù đã có thời điểm vượt ngưỡng 1.240.
Áp lực bán gia tăng tại vùng kháng cự mạnh khiến đà tăng nhanh chóng chững lại. Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn quay đầu điều chỉnh sau giai đoạn tăng nóng, trong khi tâm lý thận trọng bao trùm thị trường trước các tín hiệu vĩ mô từ trong và ngoài nước.
Dù thị trường chung giao dịch giằng co, một số cổ phiếu vẫn ghi nhận đà tăng ấn tượng và vượt đỉnh trong tuần, cho thấy dòng tiền vẫn đang lựa chọn những nhóm ngành có kỳ vọng tăng trưởng riêng biệt.

HoSE: Nhà Gelex dẫn sóng, HAH âm thầm vượt đỉnh
Trên sàn HoSE, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua bao gồm: GEE (+26,96%), SMC (+25,19%), TDH (+24,15%), SVI (+22,73%), HVH (+20,48%), GEX (+20,35%), RYG (+19,03%), HPX (+16,90%), HAH (+16,47%), FCN (+13,65%).
Trong đó, sự xuất hiện của GEE và GEX đã thu hút được nhiều sự chú ý bởi nhóm cổ phiếu thuộc hệ sinh thái Gelex đã tiếp tục vượt đỉnh.
Với mức tăng 26,96%, cổ phiếu GEE của Công ty CP Điện lực GELEX (Gelex Electric) đã chạm tới mức giá 89.000 đồng/cp. Tính theo mức giá này, vốn hóa của Điện lực Gelex đạt 27.145 tỷ đồng.
So với vùng nền giá 30.000 đồng/cp tại thời điểm đầu năm, cmức giá hiện tại của GEE đã tăng gấp 3. Dưới góc độ phân tích kỹ thuật, cổ phiếu này vẫn đang cho thấy xu hướng tăng giá mạnh mẽ và chưa có tín hiệu điều chỉnh. Đà tăng của cổ phiếu GEE trong 3 tháng qua được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh tích cực cũng như chính sách trả cổ tức ở mức cao.
Kết thúc quý I, doanh thu thuần của Gelex Electric ước đạt 4.800 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 465 tỷ đồng, tăng 214% so với cùng kỳ 2024.
Sắp tới, doanh nghiệp sẽ tiến hành chi trả phần còn lại của cổ tức năm 2024 cho cổ đông bằng tiền mặt với tỷ lệ 20%, tương đương 2.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, cổ phiếu GEX của Công ty CP Tập đoàn Gelex chỉ ghi nhận duy nhất một phiên giảm điểm với biên độ chưa tới 1%. Các phiên còn lại đều được giao dịch tích cực với biên độ tăng lớn và thanh khoản cao. Kết tuần, GEX đóng cửa ở mức 27.500 đồng/cp, đưa vốn hoá của Tập đoàn Gelex lên mức 23.634 tỷ đồng.
Về thông tin hỗ trợ, mới đây, Tập đoàn này đã thông báo triển khai phát hành hơn 42,97 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm 2024 theo tỷ lệ 20:1. Đồng thời, doanh nghiệp cũng trả cổ tức năm 2024 bằng tiền mặt theo tỷ lệ 5%.

Bên cạnh nhóm cổ phiếu GELEX, cổ phiếu HAH của Công ty CP Vận tải và Xếp dỡ Hải An cũng ghi nhận diễn biến tích cực trong tuần qua. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/4, HAH đóng cửa tại mức 59.400 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa doanh nghiệp vượt ngưỡng 7.700 tỷ đồng.
Dù áp lực chốt lời xuất hiện trong phiên cuối tuần, nhưng điều này vẫn chưa đủ để khiến HAH đảo chiều. Mã này từng chịu ảnh hưởng từ động thái bán ròng sau khi Tổng thống Mỹ ban hành chính sách thuế mới nhưng đã nhanh chóng hồi phục và thiết lập mức giá kỷ lục mới.
Chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất tuần qua là LGC (−23.02%), AGM (−18.88%), SGR (−15.35%), DRH (−12.11%), BCG (−11.21%), VPI (−10.08%), VTP (−9.82%), BCM (−9.55%), PHR (−9.16%), TCD (−8.53%).
Trong đó, cổ phiếu AGM của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) gây chú ý khi ghi nhận tới 4 phiên giảm sàn liên tiếp Tính đến phiên 18/4, giá trị của cổ phiếu này chỉ còn 1.590 đồng/cp – rẻ hơn cả một ly trà đá.
Nguyên nhân khiến AGM lao dốc là do cổ phiếu này sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc từ ngày 9/5/2025. Quyết định hủy niêm yết được đưa ra trên cơ sở doanh nghiệp ghi nhận thua lỗ liên tiếp trong 3 năm 2022, 2023, 2024.
HNX: WCS tìm về đỉnh cũ, LAS hút dòng tiền
Trên sàn HNX, top 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất tuần qua gồm: BPC (+22,94%), SVN (+21,28%), TFC (+20,61%), ATS (+20%), WCS (+19,44%), THS (+19,23%), TKU (+15,49%), AAV (+15,25%), VHE (+15,15%), LAS (+15,13%).
Hầu hết các mã này đều không nhiều diễn biến đáng chú ý nào và ghi nhận khối lượng khớp lệnh thấp.
Nổi bật nhất có lẽ phải kể đến cổ phiếu WCS của Công ty CP Bến xe Miền Tây. Đây là mã có thị giá cao nhất, lên tới 390.800 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, vốn hóa của Bến xe Miền Tây hiện mới chỉ đạt khoảng 977 tỷ đồng, do lượng cổ phiếu lưu hành ở mức rất thấp.
Chính yếu tố này cũng khiến thanh khoản của WCS duy trì ở mức khiêm tốn. Thống kê cho thấy, trong 10 phiên giao dịch gần nhất, khối lượng khớp lệnh trung bình của mã này chỉ đạt hơn 500 đơn vị mỗi phiên.
Trái lại, dù xếp cuối trong bảng xếp hạng cổ phiếu tăng mạnh nhưng cổ phiếu LAS của Công ty CP Supe Phốt phát và Hoá chất Lâm Thao lại là mã có khối lượng khớp lệnh lớn nhất trên sàn HNX. Với mức giá đóng cửa phiên 18/4 là 17.500 đồng/cp, vốn hóa của Hóa chất Lâm Thao hiện đã vượt mốc 1.900 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất là: NRC (−16,67%), SMT (−12,90%), MAS (−12,60%), HAD (−12,50%), KDM (−12,16%), AMC (−11,17%), UNI (−10,61%), PTX (−10%) và CAN (−9,92%).
Việc nhiều cổ phiếu đồng loạt giảm điểm phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước những biến động vĩ mô trong và ngoài nước. Một số mã trong danh sách giảm mạnh thuộc nhóm có thanh khoản thấp hoặc kết quả kinh doanh chưa tích cực. Ngoài ra, thông tin từ thị trường quốc tế như chính sách thuế của Mỹ hay rủi ro địa chính trị cũng phần nào ảnh hưởng đến diễn biến thị trường trong tuần qua.
Dù vậy, theo đánh giá của giới phân tích, nhịp điều chỉnh này có thể là cơ hội sàng lọc, giúp nhà đầu tư tái cơ cấu danh mục, hướng tới các cổ phiếu có nền tảng tài chính lành mạnh và triển vọng ổn định trong trung hạn.
UPCoM: RIC nổi sóng dù bị hạn chế giao dịch
Trên UPCOM, danh sách 10 cổ phiếu tăng mạnh nhất ghi nhận sự xuất hiện của TAW (+60,81%), CTX (+55,26%), FRM (+49,23%), RIC (+47,06%), DPC (+39,58%), TIN (+37,96%), VDN (+34,12%), PSP (+30,47%), SPV (+29,66%), DCG (+29,11%).

Tương tự như nhóm tăng mạnh trên HNX, đa số các cổ phiếu nói trên đều không ghi nhận thông tin hỗ trợ tích cực và có giao dịch khá ảm đạm.
Một cái tên đáng chú ý là cổ phiếu RIC của Cong ty CP Quốc tế Hoàng Gia khi mã này liên tục tăng điểm, bất chấp kết quả kinh doanh bết bát. Trong 5 năm gần nhất, doanh nghiệp kinh doanh casino duy nhất trên sàn chứng khoán liên tục báo lỗ dù doanh thu duy trì ở mức ổn định.
Do doanh nghiệp chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023, cổ phiếu RIC đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đưa vào diện hạn chế giao dịch. Từ ngày 29/5/2024, mã cổ phiếu này chỉ được phép giao dịch vào phiên thứ Sáu hàng tuần. Quyết định trên sẽ khiến khả năng tiếp cận nhà đầu tư của RIC gặp nhiều trở ngại, bất chấp diễn biến tăng giá trong ngắn hạn.
Ngược lại, top 10 cổ phiếu giảm mạnh là YBC (−27,78%), PAI (−27,10%), MGR (−24,49%), PIS (−24,14%), DCF (−19,45%), MEC (−18,97%), HTT (−18,75%), TTG (−18,71%), CDR (−17,65%), AVG (−17,22%).
Với mức giảm 27,78%, cổ phiếu YBC của Công ty CP Xi măng và Khoáng sản Yên Bái đã giảm xuống mức 13.000 đồng/cp. So với vùng đỉnh hồi cuối tháng 2, cổ phiếu này hiện đã chia đôi. Đáng nói, thanh khoản của cổ phiếu này chỉ ở mức nhỏ giọt, khiến nhà đầu tư không thể “thoát hàng” khi giá giảm.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn