Cổ phiếu vận tải đường sắt nổi sóng sau nhịp tăng của nhóm hàng không, vận tải biển

Thị trường giao dịch UPCoM ghi nhận thêm hai mã tăng nóng trong thời gian gần đây. Cụ thể, HRT của CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội và SRT của CTCP Vận tải Đường sắt Sài Gòn đã tăng lần lượt 44% và 42% từ 24/6 đến 26/6 (tính đến 14h37). Trong đó, HRT có 3 phiên trần lên 11.100 đồng/cp, còn SRT có hai phiên trần leo lên 9.800 đồng/cp.

Thanh khoản các mã này cũng ghi nhận sôi động hơn trước. Cụ thể, tại HRT, khối lượng giao dịch bình quân 3 phiên đạt 197.000 cp, gấp 10 lần bình quân qua một năm. Với SRT, chỉ tiêu này đạt 48.000 cp, gấp 6 lần.

Diễn biến cổ phiếu HRT và SRT từ đầu năm đến 26/6. (Biểu đồ: TradingView).

Cả HRT và SRT đều đăng ký giao dịch thị trường UPCoM từ 2016 và kém thanh khoản. Giao dịch chỉ thực sự khởi sắc vào giai đoạn cuối 2021 đến đầu 2022, khi thị trường chứng khoán ở quanh vùng đỉnh lịch sử  1.500 điểm, song sau đó lại nhạt nhòa trở lại.

Thông tin quan trọng đối với HRT và SRT chính là việc sẽ hợp nhất hai đơn vị này trong thời gian tới. Ngày 19-20/6, hội đồng quản trị cả hai đã thông qua hồ sơ phát hành cổ phiếu để hoán đổi cổ phần theo hợp đồng hợp nhất giữa HRT và SRT. Việc này thực hiện theo Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2024.

HRT và SRT đều trực thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (Vietnam Railways). Sau hợp nhất, hai đơn vị sẽ chấm dứt tồn tại. Công ty hợp nhất có tên là CTCP Vận tải Đường sắt (viết tắt là VRT). Vốn điều lệ trên 1.300 tỷ đồng.

Tỷ lệ hoán đổi cổ phần là 1 cổ phần HRT đổi 1,09071 cổ phần VRT, 1 cổ phần SRT đổi 0,85565 cổ phần VRT.

Về tình hình kinh doanh gần nhất, HRT ghi nhận lãi sau thuế quý I đạt hơn 34 tỷ đồng, tăng 89% so với cùng kỳ và cải thiện hơn kết quả quý IV/202 lỗ 84 tỷ đồng. Lỗ sau thuế lỹ kế tính đến cuối quý I gần 335 tỷ đồng. Tổng tài sản hiện đạt 1.280 tỷ đồng.

Tình hình của SRT cũng có nét tương tự. Lãi sau thuế quý I ghi nhận 33 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ và cải thiện so với con số lỗ 70 tỷ đồng quý IV/2022. Lỗ sau thuế lũy kế đến cuối quý I trền 348 tỷ đồng. Tổng tài sản hiện đạt 1.100 tỷ đồng.

Mặt khác, một thông tin liên quan đến ngành đường sắt là việc mới đây ngày 24/6, trong chương trình chuyến công tác tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC) và ông Vương Tiểu Quân, Phó Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina).

Thủ tướng đề nghị phía tập đoàn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc đề xuất các ý tưởng, dự án đầu tư mới, chuyển giao các giải pháp, kinh nghiệm quản trị, công nghệ hiện đại, thu hút nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ phát triển lĩnh vực đường sắt.

Xem thêm tại vietnambiz.vn