Cổ phiếu VND thoát khỏi ‘vùng lầy’?
Đáng chú ý, trong phiên 4/2, cổ phiếu VND bất ngờ tăng kịch trần với thanh khoản vọt lên 19,4 triệu cổ phiếu, gấp đôi so với những phiên trong tháng 1. Thậm chí, kết phiên, mã này còn dư mua gần 4,8 triệu cổ phiếu và trắng bên bán.
Ngược thời gian, giai đoạn cuối tháng 3/2024, cổ phiếu VND đã trượt dài từ vùng 20.000 đồng/cp, đặc biệt vào giữa tháng 1/2025, mã này còn áp sát vùng 11.000 đồng/cp.
Cổ phiếu VND giao dịch quanh 12.800 đồng/cp trong phiên sáng 12/2. |
Trở lại hiện tại, sự tích cực của cổ phiếu VND diễn ra sau thông tin Điện mặt trời Trung Nam công bố Nghị quyết hội nghị người sở hữu trái phiếu của 12 mã trái phiếu với lộ trình mua lại trái phiếu trước hạn. Trong đó, tổng giá trị phát hành 12 mã trái phiếu lên tới 2.100 tỷ đồng, dư nợ còn lại 1.800 tỷ đồng và trong năm 2025 sẽ lên kế hoạch thực hiện 4 đợt mua lại trái phiếu trước hạn vào ngày 29/1, 29/4, 29/7 và 29/10/2025 với tổng giá trị là 40 tỷ đồng, còn lại sẽ thực hiện mua 660 tỷ đồng năm 2026, 550 tỷ đồng năm 2027 và 550 tỷ đồng năm 2028.
Thực tế, lãnh đạo Chứng khoán VNDirect thừa nhận công ty có số dư trái phiếu của Trung Nam với giá trị lớn. Do đó, những thông tin liên quan đến Trung Nam thường ảnh hưởng tới biến động của cổ phiếu VND.
Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng cam kết đã thông qua, trong năm 2025, Trung Nam chỉ mua lại được 2,22% tổng dư nợ trái phiếu đang lưu hành, một tỷ lệ khá khiêm tốn so với quy mô.
Mặt khác, xét tình hình kinh doanh của VNDirect, “sức khỏe” công ty chứng khoán này cũng liên tiếp đi xuống trong năm qua. Tính chung cả năm 2024, doanh thu hoạt động của VNDirect giảm 19% xuống 5.324 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế giảm 15% xuống 1.718 tỷ đồng. So với kế hoạch 2.020 tỷ đồng lãi sau thuế, VNDirect đã thực hiện được 85% chỉ tiêu lợi nhuận.
Riêng quý IV/2024, doanh thu hoạt động của VNDirect đạt 1.212 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế giảm tới 69% xuống 251 tỷ đồng, cũng chỉ bằng một nửa so với quý III/2024.
Không chỉ vậy, thị phần môi giới trên HoSE của VNDirect cũng liên tục sụt giảm trong thời gian qua. Từ mức 7,21% vào quý III/2023, khi chỉ đứng sau VPS và SSI thì đến quý IV/2024, thị phần môi giới của VNDirect trên sàn HoSE chỉ còn 5,08% và bị đẩy xuống vị trí thứ 7.
Cả năm 2024, VNDirect chiếm 5,87% thị phần môi giới trên sàn HoSE và đã tụt xuống vị trí thứ 6, lần lượt sau VPS, SSI, TCBS, HSC, VCI.
Về mảng tự doanh, chứng chỉ quỹ và cổ phiếu niêm yết của VNDirect có 2 mã chiếm tỉ trọng lớn là VPB (VPBank) và HSG (Hoa Sen).
Trong đó, cổ phiếu HSG đang có diễn biến giá tiêu cực, khiến danh mục nắm giữ của VNDirect chưa đạt hiệu quả. Đáng chú ý, cổ phiếu HSG đang được đánh giá bị ảnh hưởng tiêu cực khi thông tin Mỹ chính thức ban hành đánh thuế thép và nhôm.
Theo KBSV, hoạt động xuất khẩu tôn mạ tới thị trường Mỹ và Mexico đóng góp 18,6% doanh thu cho Hoa Sen.
Do đó, kỳ vọng Hoa Sen tăng trưởng xuất khẩu mạnh, tác động tích cực tới giá cổ phiếu HSG, góp phần nâng doanh thu cho VNDirect vẫn còn bỏ ngỏ.
Còn cổ phiếu VPB vẫn đang dao động trong vùng giá 17.000 - 20.000 đồng/cp suốt 2 năm qua.
Không chỉ kinh doanh sa sút, ngày 21/01 vừa qua, VNDirect thông báo đã nhận được Quyết định số 2702/QĐ-CTHN-TTKT8-XPVPHC ngày 21/1/2025 của Cục Thuế Thành phố Hà Nội.
Theo quyết định này, tổng số tiền truy thu, tiền phạt vi phạm hành chính và tiền chậm nộp thuế cho các năm 2021, 2022 và 2023 lên đến là 651 triệu đồng. Tuy nhiên, VNDirect không công bố chi tiết nội dung vi phạm.
Ngoài ra, Công ty TNHH Một thành viên Quản lý quỹ Đầu tư chứng khoán I.P.A (IPAAM) đã nhận được Quyết định số 60 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) về việc xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 260 triệu đồng.
UBCKNN cho rằng IPAAM đã sử dụng nguồn vốn không thuộc vốn chủ sở hữu để thực hiện đầu tư tài chính, vi phạm quy định tại điểm a khoản 21 Điều 10 Thông tư số 99/2020/TT-BTC.
Ngoài ra, IPAAM còn bị phạt 85 triệu đồng vì bổ nhiệm Trưởng Bộ phận Kiểm toán nội bộ trong khi cơ cấu nhân sự của bộ phận này không đáp ứng yêu cầu theo khoản 5 Điều 5 Thông tư số 99/2020/TT-BTC.
Bên cạnh đó, Tập đoàn IPA (pháp nhân liên quan đến VNDirect), công ty mẹ của IPAAM, cũng vừa bị thanh tra chỉ ra nhiều vi phạm. Đáng chú ý, tập đoàn đã huy động hàng nghìn tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu nhưng sử dụng không đúng mục đích.
Ngoài ra, IPA còn bị kết luận đã cho Công ty Trustlink, một cổ đông của tập đoàn, vay hàng nghìn tỷ đồng trái quy định.
Kết luận cũng cho thấy IPA đã phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu cho Công ty Chứng khoán VNDirect. Số tiền từ đợt phát hành này sau đó được dùng để mua cổ phiếu phát hành mới của chính VNDirect.
Với những thông tin kém sáng xoay quanh VNDirect, khả năng cổ phiếu VND thực sự hồi phục như kỳ vọng của nhà đầu tư chưa chắc chắn, có hay chăng chỉ là hưởng lợi ngắn hạn từ thông tin của Trung Nam.
Châu Giang
Xem thêm tại vnbusiness.vn