'Cơn bão' DeepSeek càn quét, cổ phiếu FPT 'bay' 10.000 tỷ vốn hóa
Thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên giao dịch đầu tiên của năm Ất Tỵ (ngày 3/2) ghi nhận áp lực bán tháo diễn ra trên diện rộng. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu công nghệ thông tin là ngành có mức giảm mạnh nhất với 5,12%.
Trong đó, cổ phiếu FPT - đại diện lớn nhất của ngành công nghệ Việt Nam - giảm hơn 5%, thị giá xuống 145.500 đồng/cổ phiếu. Đà giảm kể trên khiến vốn hóa của Tập đoàn FPT “bốc hơi” hơn 11.600 tỷ đồng. Kéo theo là giá trị lô cổ phiếu của Chủ tịch FPT Trương Gia Bình giảm hơn 800 tỷ đồng, xuống còn 14.800 tỷ đồng.
Các cổ phiếu cùng ngành với FPT cũng có ngày giao dịch đáng quên. Điển hình, CMG giảm 4,8%, CMT giảm 4,9%, ITD giảm 5,2%, CTR giảm 5%, FOX giảm 8,6%, TTN giảm 9,6%, MFS giảm 10,4%.
Kết thúc phiên giao dịch 3/2, VN-Index giảm 12,02 điểm (-0,95%) xuống mốc 1.253,03 điểm, mức giảm mạnh nhất trong 2 tuần qua. Trong khi đó, trên sàn Hà Nội, HNX-Index tăng 0,48 điểm, lên mốc 223,49 điểm; UPCoM-Index tăng 0,21 điểm, lên 94,51 điểm.
Thanh khoản thị trường tăng so với phiên giao dịch trước đó, với khối lượng giao dịch khớp lệnh của VN-Index đạt hơn 505 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 12.800 tỷ đồng; HNX-Index đạt hơn 42,8 triệu cổ phiếu, tương đương 698 tỷ đồng.
Áp lực xả hàng của khối ngoại góp phần đẩy cổ phiếu lao dốc ngay từ đầu phiên. Trong phiên 3/2, khối ngoại có phiên bán ròng mạnh nhất kể từ giữa tháng 1 với quy mô 1.500 tỷ đồng trên sàn HoSE, tập trung tại các mã FPT, VNM và MWG. Trong đó, cổ phiếu FPT dẫn đầu danh mục khi bị khối ngoại bán ra tới với 508 tỷ đồng, VNM bị xả mạnh với mức bán ròng hơn 315 tỷ đồng, MWG cũng bị bán 87 tỷ đồng.
Tác nhân chính kéo cổ phiếu công nghệ giảm sâu đến từ "cơn bão" DeepSeek - nền tảng trí tuệ nhân tạo giá rẻ đến từ Trung Quốc.
Công ty trí tuệ nhân tạo DeepSeek được thành lập vào năm 2023 tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc. Giống các công ty khởi nghiệp AI khác, DeepSeek cũng đã phát triển và thử nghiệm nhiều mô hình AI khác nhau.
Nhưng phải đến khi ra mắt mô hình AI mang tên R1 vào cuối năm ngoái và chính thức phát hành đến người dùng từ ngày 20/1/2025, DeepSeek mới thực sự gây chú ý.
Dù tuổi đời ngắn nhưng sức mạnh của DeepSeek có thể sánh ngang hoặc thậm chí vượt trội so với những mô hình AI nổi tiếng như ChatGPT của OpenAI, Gemini của Google, CoPilot của Microsoft hay Llama của Meta… Mô hình này đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý đáng kể nhờ khả năng lập luận tiên tiến, được cho là đã đạt được hiệu suất tương đương với các hệ thống AI hàng đầu, như ChatGPT của OpenAI, nhưng với chi phí phát triển chỉ bằng một phần nhỏ.
Ứng dụng DeepSeek đã gây ra cú sốc lớn tại thị trường Mỹ. Ngay sau khi được công bố, DeepSeek đã bất ngờ trở thành ứng dụng miễn phí được tải xuống nhiều nhất App Store của Apple tại Mỹ, vượt qua ChatGPT.
Sự xuất hiện của DeepSeek khiến giới đầu tư lo ngại về sự cạnh tranh khốc liệt trong ngành AI, đẩy hàng loạt cổ phiếu công nghệ toàn cầu vào làn sóng điều chỉnh. DeepSeek ra đời ngay lập tức khiến cổ phiếu của hàng loạt “bigtech” lao dốc mạnh.
Ngay phiên giao dịch đầu tuần trước, hàng loạt tên tuổi lớn như NVIDIA, Microsoft, Alphabet… lao dốc mạnh, riêng NVDIA bốc hơi 600 tỷ USD vốn hoá. Chỉ số công nghệ Nasdaq 100 của Mỹ nhanh chóng sụt giảm hơn 3%, thổi bay hơn 1.000 tỷ USD vốn hóa toàn thị trường.
Cú sốc mang tên DeepSeek ập đến đúng vào thời điểm chứng khoán Việt Nam đang trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài. Ngay sau khi mở cửa trở lại ngày 3/2, thị trường đã chìm trong sắc đỏ với tâm điểm là cú rơi của cổ phiếu FPT.
Thời gian qua, FPT có nhiều hợp tác sâu rộng với NVIDIA và được giới phân tích kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn từ sự phát triển mạnh mẽ của AI trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của DeepSeek như một gáo nước lạnh dội vào triển vọng này khi gây ra lo ngại sẽ làm suy giảm giá trị của ngành AI và tạo ra cạnh trạnh khốc liệt.
Hiện chưa thể đánh giá chính xác tác động của “cơn bão” DeepSeek đến cổ phiếu công nghệ nói chung và cổ phiếu FPT nói riêng nhưng rõ ràng hiệu ứng trong ngắn hạn là khó tránh khỏi. Thêm nữa, áp lực chốt lời trên cổ phiếu FPT cũng rất lớn sau giai đoạn tăng bền bỉ và đang neo giá gần đỉnh lịch sử.
Tuy vậy, FPT vẫn được hỗ trợ bởi kết quả kinh doanh tăng trưởng ổn định ở mức cao.
Năm 2024, FPT ghi nhận doanh thu đạt 62.849 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 11.071 tỷ đồng, tăng 19,4% và 20,3% so với cùng kỳ 2023, vượt chỉ tiêu kết quả kinh doanh đề ra cho năm 2024. Lợi nhuận sau thuế năm 2024 của FPT đạt 9.420 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2023.
Xem thêm tại vietnamfinance.vn